Khi ta tự tin có thể thắng UAE
Trước khi Asiad 17 diễn ra, chuyện đội tuyển Olympic Việt Nam có khả năng đánh bại Olympic Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) là chuyện ít người nghĩ đến. Dù vậy, sau khi chúng ta toàn thắng ở vòng bảng, quan điểm và niềm tin dành cho đội tuyển Olympic Việt Nam đã thay đổi.
VFF đã đổi vé cho đội tuyển của HLV Miura, thay vì về sớm thì để mở chiều về, ngầm ngụ ý đội tuyển Olympic Việt Nam vào càng sâu càng tốt. Thay đổi đấy bắt đầu từ sự chững chạc của đội bóng sau vòng bảng. Dĩ nhiên, không thể vì 1 – 2 trận thắng, cho dù có là thắng Iran đi chăng nữa, mà nói rằng trình độ của đội tuyển Olympic Việt Nam nói riêng cũng như trình độ của bóng đá Việt Nam nói chung ở trên UAE.
2 trận thắng ở vòng bảng giúp cho Olympic Việt Nam có một vị thế khác |
Công bằng mà nói, họ vẫn mạnh hơn ta. Dù vậy, điểm mấu chốt ở đây là sau trận thắng Iran, các cầu thủ giờ bắt đầu tin chúng ta có thể thắng UAE. Chúng ta đã biết cách thi đấu sao cho đàng hoàng trước Iran, thì cũng sẽ tìm ra cách đá đàng hoàng trước UAE.
Cũng sẽ là không lạ nếu như họ nghiên cứu kỹ cách đá của chúng ta, bởi ta để ý đến họ thì họ cũng không thể nào làm ngơ trước Olympic Việt Nam. Chính HLV Ali Ibrahim của UAE đã cho biết ông xem cả 2 trận đấu của Olympic Việt Nam tại vòng bảng môn bóng đá nam Asiad. Nhưng đấy cũng không phải là điều lạ trong bóng đá hiện đại, nơi trước mỗi trận đấu người ta nghiên cứu về nhau rất kỹ, thông qua việc xem trực tiếp trên sân, thông qua băng hình và thông các con số.
Vấn đề là chúng ta sẽ tùy biến ra sao trước từng đối thủ cụ thể. Cái hay hay dở của một HLV cũng nằm ở chỗ sau vài phút nhập trận với những đối thủ cụ thể, HLV ấy nhìn ra được điểm yếu của đối thủ và tập trung khai thác vào điểm yếu ấy, trước khi đối phương kịp bịt nó lại.
Giải quyết được những điểm yếu cố hữu
Cứ cho rằng Iran đang có vấn đề nội bộ dẫn đến chuyện bị loại ngay sau vòng bảng môn bóng đá nam Asiad. Cứ cho rằng tinh thần của cầu thủ Việt Nam đang ở vào trạng thái hưng phấn nhất, nhưng cũng không thể phủ nhận sự tiến bộ của đội tuyển Olympic Việt Nam sau 2 trận toàn thắng ở vòng bảng.
Sự tiến bộ ấy nằm ở lối chơi có mảng, có miếng rõ ràng, khi cần tấn công trực diện thì đá sao, lúc phản công thì triển khai như thế nào? Rồi khi đối phương tập trung đông người trước khu vực 16m50, cần đá kiểu gì để phân tán lực lượng của họ. Điểm yếu đáng ngại nhất của cầu thủ Việt Nam khi đối đầu với các đội bóng bên ngoài Đông Nam Á là khả năng không chiến cũng đang được giải quyết tốt.
Đá với 2 đối thủ rất mạnh về mặt thể hình là Iran và Kyrgyzstan nhưng chúng ta vẫn không thua trong bóng bổng là điều đáng ghi nhận. UAE cũng có điểm mạnh tương tự như Iran là thể hình so với cầu thủ Việt Nam, nên bước đầu, chúng ta phần nào giải quyết được một mối lo.
Các đội bóng Tây Á nói chung và UAE nói riêng cũng mạnh về kỹ thuật, nhưng so với những đội đến từ khu vực phía Đông châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên), ý thức tổ chức kỷ luật của các đội bóng phía Tây châu Á không tốt bằng.
Bằng chứng là chúng ta đã đánh bại Iran vì họ tự rối trước khi chúng ta thắng. Đội tuyển Việt Nam trước đây cũng từng thắng đội tuyển UAE 2-0 tại giải vô địch châu Á 2007, cũng vì họ hồi đấy không kết dính tốt bằng chúng ta.
Đấy là điểm yếu mà Olympic Việt Nam có thể khai thác, khiến cho họ rối loạn đội hình trước khi tự mắc sai lầm. Điều cốt lõi nằm ở chỗ nếu muốn họ rối loạn trước chúng ta, Olympic Việt Nam không thể để cho đối phương ghi bàn trước. Vì với các đội bóng Tây Á, họ mà hưng phấn lên rồi thì họ đá rất bốc. Thế nên, một hàng thủ an toàn và một lối chơi toan tính là điều mà Olympic Việt Nam sẽ tìm cách giải quyết trong trận này.
Theo Dân Trí