Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Nói hay, làm dở đến bao giờ, V.League?

Thứ Sáu 08/08/2014 06:36(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Giải đấu quốc gia mà CLB vô địch cũng bói không ra nổi vài trăm cổ động viên thì chắc chắn đó một kiểu làm bóng đá kỳ dị. Nền bóng đá chỉ đi tìm niềm vui bí ẩn cho một nhúm người.  

Khi V. League ra đời, bóng đá Việt không tồn tại những “tượng đài” một thưở kiểu Thể Công, CAHN, Cảng SG…mà thay vào đó là đội bóng của những ông bầu, như bầu Hiển, bầu Kiên, bầu Đức, bầu Thắng, bầu Trường…và những đội bóng mô hình công ty cổ phần như B. Bình Dương hay công ty lo một phần, địa phương một phần như SLNA hay An Giang.

Các cầu thủ Đồng Nai (áo đỏ) bán độ là vết nhơ khó rửa của bóng đá Việt
Các cầu thủ Đồng Nai (áo đỏ) bán độ là vết nhơ khó rửa của bóng đá Việt

Điều này nói lên điều trước hết là những địa phương, ngành có tiềm lực mạnh, truyền thống xưa nay như Hà Nội, TP. HCM, các ngành quân đội, công an…đều đã “phủi tay” không làm bóng đá chuyên nghiệp. Thay vào đó là các ông bầu, thông qua bóng đá mà khuếch trương thương hiệu, cùng nhau đi lên.

Những đội bóng sinh ra từ mô hình này thường tậu được nhiều thầy hay, trò giỏi, lương cao, thưởng to, đã mạnh lại càng khỏe hơn nhờ vào chính sách mua bán, chuyển nhượng cầu thủ. Đó là điểm đến của nhiều cầu thủ giỏi, hết hạn hợp đồng của các đội bóng nghèo không chóng thì chầy sẽ được mời gọi hậu hĩnh.

Trong khi đó, những đội bóng nghèo, đá trận nào lo trận đó. Tình trạng chảy máu chất xám diễn ra mạn tính. Những địa phương này đứng giữa các làn đạn: bỏ đội bóng thì mất…niềm tự hào, nuôi đội bóng thì khổ sở đi vận động nhà tài trợ và trăm thứ bà dằn khác. Trả lời mới đây nhất của một vị lãnh đạo tỉnh đồng thời kiêm lãnh đội HV.An Giang cho thấy sự mệt mỏi của “tỉnh nghèo chơi sang” đó.

Bầu Trường sau khi bỏ ra cả trăm tỷ cho đội bóng thì đến lúc ngã ngửa ra là mấy thằng cháu thân thiết lại mất nết đến nhường kia! Doanh nghiệp nọ hứa sẽ chi tiền tỷ cho CLB Đồng Nai nhưng ngay lập tức tuyên bố không bỏ một xu cho mấy đứa bán độ!

Suy nghĩ thật nghiêm túc để thấy rằng, ai là người tạo ra một thị trường chuyển nhượng cầu thủ với giá cao ngất ngưởng, cao hơn cả Thái Lan, kéo cả dàn Thái sang đây để “vừa đá vừa chơi cũng đắt hàng”. Rồi cầu thủ ngoại cỡ lương 10 ngàn USA/ tháng, rồi cầu thủ nội giá chuyển nhượng, lót tay toàn tiền chục tỷ. Nếu họ chơi hay, cống hiến thì một nhẽ. Đằng này, V. League vẫn nhạt nhẽo, vô vị.

CLB bóng đá vô địch quốc gia mà cổ động viên “bói” không ra vài trăm người là một kiểu làm bóng đá kỳ dị, đi tìm niềm vui bí ẩn cho một nhúm người. Sân Hàng Đẫy, sân Ninh Bình…thường xuyên trống trênh và tự mình tố cáo thứ bóng đá ăn xổi, chả giống ai trên hành tinh này.

Trong khi đó, “máu” như CĐV SLNA hay Hải Phòng lại chưa bao giờ tìm được một ông bầu thực sự để nuôi đội bóng sống khỏe, chiến hay. “Đất” bóng đá như Nam Định, Nghệ An hay Đồng Tháp không thể “đua” kịp với cơn lốc bóng đá thị trường, đành bỏ cuộc hoặc cố chèo chống qua mùa này năm khác. Bỏ thì thương, vương thì tội và V. League vài năm nay đều có đội bỏ giải hoặc tuyên bố bỏ giải là điều “khác biệt tất yếu” của một thời bóng đá nói hay, làm yếu, chưa học điều hay đã có ngay bao điều dở…

Theo Vietnamnet

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X