Câu chuyện Ninh Bình tạm dừng cuộc chơi và tính đến chuyện bỏ bóng đá vốn là vấn đề đã được cảnh báo từ trước khi V-League 2014 khai màn. Chỉ có điều là VFF và VPF hồi đấy không quan tâm, hoặc không dám nghĩ rằng họ có thể bỏ ngang…
Sau bầu Thụy là bầu Trường
Có cái gì đấy lặp lại giữa con đường đi đến tuyên bố tạm dừng cuộc chơi mà XM Xuân Thành Sài Gòn từng thực hiện và V.Ninh Bình vừa thực hiện. Trước khi bầu Thụy bỏ bóng đá, ông bầu gốc Ninh Bình này cũng đôi ba lần buông lời dọa bỏ trước, “trảm” vài cầu thủ vì nghi ngờ tiêu cực, rồi mới chính thức bỏ hẳn. Mới đây, đội bóng của bầu Trường cũng thực hiện lộ trình tương tự. Trước khi bỏ thật, ông Trường cũng mấy lần dọa bỏ, rồi cũng xử lý nội bộ vài cầu thủ vì nghi ngờ họ có dính đến tiêu cực.Đây không phải là lần đầu bầu Trường (bìa trái) nói đến chuyện bỏ bóng đá
Chuyện bầu Trường và V.Ninh Bình sẽ bỏ bóng đá là chuyện đã được giới truyền thông cảnh báo từ rất lâu rồi, chỉ có điều VFF và VPF không tin vào điều này. Hoặc ở cương vị của những người quản lý bóng đá như VFF, VPF, dù có nghi ngờ khả năng dừng cuộc chơi đột ngột của đội bóng đất Hoa Lư, họ vẫn cứ phải tiếp tục hy vọng là điều đó đừng xảy ra.
Chỉ có điều, tiếc là những người điều hành bóng đá nội đã không tính đến phương án dự phòng khi có đội đột ngột bỏ cuộc. Không thể nói đây là điều chưa hề có tiền lệ, bởi trước khi V.Ninh Bình tuyên bố tạm dừng các hoạt động liên quan đến đội bóng, đã có chuyện XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ V-League, rồi K.Kiên Giang nghỉ ngang. Ấy thế mà các phương án chế tài, bắt các đội bóng ký quỹ, hoặc những biện pháp kỹ thuật khác nhằm ràng buộc các CLB từng được dư luận tư vấn lại không được VFF và VPF tiến hành đến nơi đến chốn.
Trong trường hợp nếu V.Ninh Bình bỏ thật (điều này đã có đến hơn 90%), bảng xếp hạng của V-League lại có xáo trộn lớn, sẽ tiếp tục có đội chịu thiệt thòi và phải nói thẳng rằng VFF và VPF đã rút ra được bài học gì sau những cú sốc mà họ từng phải chịu xung quanh các vụ bỏ giải trước đây? V-League tiếp tục giống như một cái chợ, nơi người ta thích đá thì đá, không thích thì bỏ, trong khi những người điều hành V-League dường như giỏi nói hơn làm!
Bỏ bóng đá vì nghi ngờ tiêu cực hay đơn giản vì… chán ngán?
Lý do mà phía V.Ninh Bình đưa ra cho đến thời điểm này sau khi tạm dừng các hoạt động liên quan đến bóng đá là nghi ngờ một số cầu thủ có dính dáng đến tiêu cực, chờ cơ quan điều tra làm sáng tỏ mọi việc. Đấy có thể là một phần nguyên nhân của việc bầu Trường tuyên bố nghỉ ngang, bởi đúng là không thể điều hành một đội bóng khi mà giữa ông chủ và người làm thuê không có sự tin tưởng lẫn nhau.
Nhưng đấy chỉ là một phần, phần khác (có lẽ là lớn hơn nhiều) xuất phát từ chỗ bản thân ông Trường cũng không còn quá mặn mà với bóng đá như hôi ông mới bước vào lĩnh vực này cách nay 6 – 7 năm. Kỳ thực là vài năm qua, khi chưa có những nghi án tiêu cực, ông Trường cũng đôi lần đòi bỏ đội bóng. Ông đòi bỏ vì chịu không nổi thói đỏng đảnh của các cầu thủ dưới quyền, và nản vì bản thân đội bóng vốn ngốn nguồn kinh phí quá lớn của doanh nghiệp, nhưng mấy năm gần đây không còn sinh lợi, thậm chí còn sinh phiền toái.
Chính tân chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã đôi lần nói đến chuyện bóng đá không còn hấp dẫn các nhà đầu tư vì đấy không còn là kênh sinh lợi. Nhiều ông bầu thực chất không phải đầu tư làm bóng đá, mà là đầu cơ, mượn bóng đá để tìm đến cái lợi khác ngoài bóng đá. Tuy nhiên, chính ông Dũng là người biết rõ điều đó hơn ai hết, nhưng một nhà quản lý bóng đá như ông cũng không có cách nào ngăn xu thế bỏ bóng đá đang trở thành “mốt” của các đại gia vốn đã “no xôi chán chè”.
Nếu bầu Trường bỏ thật, đấy là đòn quá đau giáng mạnh vào vị tân chủ tịch VFF – vốn vừa có cuộc nói chuyện với V.Ninh Bình của ông Trường cách nay không lâu, đòn mạnh giáng vào VPF – tổ chức đang cố gắng thay đổi phần ngọn của giải VĐQG thông qua cách họ tìm trưởng giải ngoại, nhưng quên mất điều mà chính giới truyền thông đã cảnh báo: Thay đổi V-League phải bắt đầu từ gốc, tức là từ nhận thức của chính các CLB.
Theo Dân Trí