Thứ Bảy, 02/11/2024Mới nhất
Zalo

Những “viên ngọc” của U19 Việt Nam: Chuyện ba chàng lính ngự lâm

Thứ Tư 16/10/2013 12:15(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Phía sau thành công của U19 Việt Nam, bộ đôi tiền đạo Công Phượng, Văn Toàn... được nhắc đến nhiều. Nhưng thực chất, U19 Việt Nam sẽ khó tiến xa nếu đó không phải là một tập thể đồng đều, có chiều sâu...

Người đóng thế hoàn hảo

Trở lại thời điểm giữa tháng 9.2013, khi tiền vệ đội trưởng Xuân Trường bị chấn thương gãy tay sau trận U19 Việt Nam thắng U19 Myanmar 3-1 ở Giải U19 Đông Nam Á 2013, nhiều người đã vô cùng lo lắng cho thầy trò HLV Guillaume. Và ít ai có thể ngờ rằng tiền vệ Duy Mạnh (Hà Nội) được gọi bổ sung vào đội U19 Việt Nam dự vòng loại U19 châu Á 2014 với nhiệm vụ đóng thế Xuân Trường lại chơi xuất sắc đến thế. Trong cả 3 trận toàn thắng ở bảng F, Duy Mạnh đều chơi từ đầu đến cuối trong vai trò tiền vệ trung tâm.

Đức Huy (15) - Duy Mạnh (28) – Văn Khánh (5) (hàng đứng, lần lượt từ trái qua) hòa nhập tốt với lối chơi của U19 Việt Nam có nòng cốt là U19 HAGL-Arsenal JMG
Đức Huy (15) - Duy Mạnh (28) – Văn Khánh (5) (hàng đứng, lần lượt từ trái qua) hòa nhập tốt với lối chơi của U19 Việt Nam có nòng cốt là U19 HAGL-Arsenal JMG

Trao đổi với NTNN, người thầy trực tiếp của Duy Mạnh ở đội U19 Hà Nội, ông Bùi Đức Thế cho hay: “Duy Mạnh là một trong những cầu thủ được chúng tôi đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển. Bản thân trợ lý Phạm Như Thuần (U19 Việt Nam) cũng khẳng định Duy Mạnh đã chơi rất tốt tại vòng loại U19 châu Á. Dù không ghi được bàn thắng nào nhưng Duy Mạnh đã hòa nhập rất tốt cùng lứa học viên HAGL-Arsenal JMG, giúp tuyến giữa vận hành trơn tru, cung cấp nhiều bóng cho cặp tiền đạo Công Phượng – Văn Toàn (bộ đôi đã ghi 11/16 bàn thắng cho U19 Việt Nam) lập công”.

Cùng với Duy Mạnh, chỉ còn trung vệ Văn Khánh (SLNA) là cầu thủ không thuộc Học viện HAGL-Arsenal JMG nhưng đã chơi đủ 270 phút ở vòng loại U19 châu Á. Nói về cậu học trò cưng ngay từ khi mới chập chững vào “lò” xứ Nghệ, cựu danh thủ Ngô Quang Trường nói: “Thời điểm tới với đội U13 SLNA, Khánh chỉ có ưu thế về thể hình so với các bạn cùng lứa, chứ kỹ thuật không có gì đặc biệt. Nhưng càng về sau, Khánh đã ý thức được năng lực của bản thân và rất nỗ lực, chịu khó tập luyện. Chứng kiến em được các thầy đặt niềm tin từ Giải U19 Đông Nam Á đến vòng loại U19 châu Á, tôi cảm thấy rất mừng”.

Trong khi đó, HLV Hoàng Văn Hồng - người đang trực tiếp dìu dắt Khánh ở đội U19 SLNA bày tỏ: “Khánh đã trải qua 5-6 năm được huấn luyện bài bản qua các lứa U của SLNA. Em có thể hình tương đối lý tưởng, cao 1m77, tư duy chơi bóng thông minh. Với cái nền đó, tôi không ngạc nhiên khi em hòa nhập tốt với lứa U19 Học viện HAGL-Arsenal JMG. Nhưng phải nhấn mạnh rằng đây chỉ là bước đi đầu tiên và trong tương lai, muốn tiếp tục phát triển, bản thân Khánh nói riêng và các cầu thủ U19 Việt Nam nói chung còn phải nỗ lực, hoàn thiện mình hơn nữa mới có thể chơi bóng tốt ở V.League, đóng góp vào thành tích của đội U23, đội tuyển quốc gia tại SEA Games, AFF Cup”.

Không bao giờ bỏ cuộc

Cũng không nằm trong “biên chế” U19 HAGL-Arsenal JMG như Duy Mạnh, Văn Khánh, tiền vệ cánh Đức Huy cũng là người được ban huấn luyện U19 Việt Nam đánh giá rất cao. Dù bị chấn thương từ Giải U19 Đông Nam Á nhưng Huy vẫn nghiến răng vào sân đá đủ 90 phút trận ra quân vòng loại U19 châu Á thắng U19 Đài Loan (Trung Quốc) 6 -1. Tới trận tiếp theo thắng U19 Hongkong (Trung Quốc) 5-1, Huy chỉ có thể chơi tới phút 39 và phải rời sân vì chấn thương bàn chân tái phát.

Nói về độ lì của cậu em trai ruột, Phạm Văn Duy nhớ lại những kỷ niệm thời Đức Huy suốt ngày “bám đuôi” mình đi thi đấu từ làng nọ sang làng kia, khắp quanh huyện Thanh Miện (Hải Dương): “Hồi nhỏ, Huy không có kỹ thuật, sự khéo léo vượt trội so với bạn cùng lứa. Nhưng nếu nói về độ lì cùng quyết tâm chiến thắng thì không ai có thể bì”.

Thời cấp 1, Đức Huy đã có thể thi đấu ngang ngửa với các đàn anh hơn mình 6-7 tuổi. Ở xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện – nơi hai anh em sinh ra và lớn lên, Huy và Duy đá ở đội nào là đội đó giành chiến thắng. Có hôm, Duy mệt và muốn nghỉ song Đức Huy nhất định không chịu dừng lại và bỏ cuộc, vẫn quyết đá đến cùng. Là anh trai, Duy vẫn “quyết định không đá nữa, nói mãi em trai không chịu nghe, hai anh em vừa khóc vừa chạy nhong nhong về nhà mách mẹ, kể tội lẫn nhau!” - Duy nhớ lại.

Nói về cậu con trai đam mê trái bóng tròn từ năm mới lên 4 tuổi, bà Trần Thị Nhâm tâm sự: “Từ năm lên 10, Huy đã phải làm quen với cuộc sống xa nhà khi được Sở TDTT tỉnh Hải Dương (nay là Sở VHTTDL) tuyển chọn, ăn ở tập trung cùng đội tuyển trẻ của tỉnh. Thương con vất vả sớm từ bé, tôi thường đạp xe hơn 20km lên TP.Hải Dương thăm con. Vậy mà cháu cứng rắn lắm, lại lo mẹ đạp xe đi đường mệt, động viên mẹ không cần quá lo lắng…”.

Theo Dân Việt

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X