Tại SEA Games 32, thể thao Việt Nam dẫn đầu toàn đoàn với 136 tấm HCV, trong đó có không ít những chiến thắng bất ngờ và đầy cảm xúc của những tài năng trẻ.
Lê Khánh Hưng (Golf)
Việt Nam chưa bao giờ có huy chương ở đấu trường SEA Games, nhưng golfer 15 tuổi Lê Khánh hưng đã làm nên lịch sử với tấm HCV chiều 10/5. Tâm lý căng thẳng là điều không tránh khỏi, nhưng Khánh Hưng đã thi đấu xuất sắc trong một ngày các đối thủ cũng không có màn trình diễn tốt nhất. Chung cuộc, golfer trẻ của Việt Nam giành HCV nội dung đơn nam với tổng điểm -13 |
Mai Ngọc – Anh Hoàng (Bóng bàn đôi nam nữ)
Lần đầu tiên sau 26 năm, bóng bàn nội dung đôi nam nữ của Việt Nam giành HCV SEA Games với cặp đôi Trần Mai Ngọc – Đinh Anh Hoàng khi đánh bại đối thủ Singapore với tỷ số 3-1 (các set 13-11, 11-8, 8-11 và 14-12). Đáng chú ý, 2 VĐV lập cột mốc cho Việt Nam còn rất trẻ, Mai Ngọc 19 tuổi, còn Anh Hoàng 21 tuổi. Lần gần nhất bóng bàn Việt Nam vô địch nội dung đôi nam nữ đã diễn ra từ năm 1997 (Vũ Mạnh Cường – Ngô Thu Thuỷ), thời điểm Mai Ngọc – Anh Hoàng còn chưa ra đời |
Bóng rổ 3x3 nữ
Giành chiến thắng 21-16 trước đối thủ rất mạnh Philippines, các cô gái Việt Nam đã đổi màu huy chương và đánh dấu tấm HCV đầu tiên của bóng rổ 3x3 Việt Nam tại đấu trường SEA Games. Các VĐV Huỳnh Thị Ngoan, Nguyễn Thị Tiểu Duy, cặp sinh đôi Trương Thảo My, Trương Thảo Vy ôm chầm lấy nhau sau khi làm nên lịch sử |
Nguyễn Quốc Toàn (Cử tạ hạng cân 89kg)
VĐV gốc Bạc Liêu đã phá liền 3 kỷ lục đại hội chỉ trong ít phút, với mức 155kg cử giật (kỷ lục trước đó là 150kg) và 190kg cử đẩy (kỷ lục trước đó cũng do chính anh thiết lập ở mức 185kg). Quốc Toàn cũng đồng thời thiết lập cột mốc mới ở nội dung tổng cử với 345kg, giành HCV. Các VĐV Indonesia giành HCB (tổng cử 328kg) và Philippines HCĐ (310kg) |
Nguyễn Hoàng Hồng Ân – Pencak Silat
Hồng Ân (áo xanh) bị đối thủ Indonesia dẫn với khoảng cách điểm rất xa khi thời gian thi đấu chỉ còn khoảng 18 giây. Tuy nhiên, trong một tình huống, võ sĩ của Việt Nam đã thực hiện đòn knock-out kỹ thuật và được trọng tài xử thắng. Sau đó, cả Indonesia lẫn Việt Nam đều có khiếu nại qua lại về quyết định này, bởi đòn knock-out khoá tay thuộc luật mới. Chung cuộc, tổ trọng tài quyết định trao HCV cho cả 2 VĐV |
Nguyễn Văn Khánh Phong (TDDC Vòng treo)
Chạm trán đối thủ lớn nhất, nhà vô địch thế giới Carlos Yulo ở nội dung Vòng treo, Nguyễn Văn Khánh Phong chịu áp lực khi thi sau và phải vượt qua số điểm rất cao 14,000. Tuy nhiên, Khánh Phong đã có màn trình diễn ấn tượng để đạt số điểm 14,020, qua đó giành chiếc HCV quý giá và giúp đội thể dục dụng cụ Việt Nam vượt chỉ tiêu với 4 HCV. Năm ngoái tại sân nhà, Khánh Phong tiếp đất lỗi và chỉ giành HCB, sau đó thừa nhận đây là thất bại lớn nhất sự nghiệp của mình. Nhưng hiện tại, Khánh Phong đã phục thù thành công |
Đội kiếm liễu nam
Chạm trán cường quốc về kiếm liễu – Singapore ở trận chung kết, đội kiếm Việt Nam với Cao Minh Duyệt, Nguyễn Minh Quang, Phạm Quốc Tài, Nguyễn Văn Hải đã thi đấu ấn tượng để giành HCV với tỷ số 45-37. Trước đó, đội kiếm liễu nam Việt Nam không giành huy chương (ngoài Top 4) ở 2 kỳ SEA Games lần nhất, trong khi Singapore vô địch nội dung này cả 2 kỳ. Một thành viên BHL chia sẻ: “Quá xúc động, đây là lịch sử bởi chúng ta đã chờ quá lâu để vô địch nội dung này” |
Nguyễn Thị Oanh (Điền kinh 1500m và 3000m vượt chướng ngại vật)
Buổi sáng trước khi tham dự nội dung chạy 1500m, Nguyễn Thị Oanh nhận tin sốc khi BTC sắp xếp 2 nội dung thi của cô kế tiếp nhau. Chân chạy quê Bắc Giang chỉ mất thời gian ngắn để đối mặt với thử thách, tham dự cả 2 nội dung và giành HCV 1500m – 3000m vượt chướng ngại vật chỉ trong 40 phút. Oanh Ỉn cũng vô địch ở 2 nội dung 5000m và 10000m để kết thúc kỳ SEA Games 32 với 4 tấm HCV |