Thứ Bảy, 16/11/2024Mới nhất
Zalo

Những người giữ phần hồn của V-League: Nếu bạn là cầu thủ ngoại

Thứ Tư 19/01/2011 20:41(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Các cụ thường dạy, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, sẽ có sự phán xét chuẩn hơn. Hãy thử đặt trường hợp nếu bạn là cầu thủ ngoại, thì sao?

Mỏ vàng lộ thiên

Tất nhiên, nếu bạn là siêu sao thì chẳng cần quan tâm đến V-League hay bóng đá châu Á. Thế nhưng, nếu bạn chỉ có khả năng đá bóng ở mức độ không tồi thì hẳn bạn hoàn toàn có thể nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ đổi đời.

Con đường đơn giản nhất là sẽ thử vận may ở V-League, hoặc giải hạng Nhất. Bạn thừa ý thức được đây thực sự là mỏ vàng lộ thiên để kiếm tiền một cách dễ dàng với một cầu thủ nước ngoài trình độ như bạn. Ở khu vực Đông Nam Á, không nơi nào trả lương cao cho ngoại binh bằng sân cỏ VN. Bạn cũng không bị ám ảnh bị định kiến quá khắt khe.

Những ngoại binh như Timothy (trái) dù không có phẩm chất chuyên môn nào nổi bật ngoại trừ ưu thế về thể lực nhưng vẫn có vai trò cực kỳ quan trọng ở CLB

Khi không có cơ hội đá V-League, chắc bạn vẫn không nản. Đơn giản, bởi chỉ cần được đội hạng Nhất ký hợp đồng, thì mức lương có bèo lắm mỗi tháng cũng vài ba nghìn USD. Cầu thủ nội thuộc hàng khủng nhất, như Phước Tứ lương cũng chỉ 50 triệu/tháng. Ở bên nước bạn, dễ gì thu nhập bằng từng đó. Hãy nhìn vào trường hợp tiền đạo Lazaro của QK4 mùa giải 2009, mỗi tháng nhận 6.000 USD, lương của một công nhân hái cà phê thời ở Brazil có mơ cũng không bằng thu nhập đá bóng V-League. Sự lạc quan sẽ được củng cố, nếu nhìn vào Almeida. Anh này đá bóng đường phố, khi sang Đà Nẵng đỡ quả bóng văng ra cả mấy mét. Thế nhưng, chịu khó tập tành rồi cũng sống khỏe.

Đã là mỏ vàng, thì sự tận dụng khai thác triệt để, không nghĩ đến hệ lụy, là điều khó tránh khỏi. Hẳn bạn ý thức rằng đời cầu thủ rất ngắn. Cầu thủ nội còn chạy đua kiếm tiền, bỏ quê hương lao theo những bản hợp đồng tiền tỷ, thậm chí sẵn sàng vi phạm quy chế, thì dại gì bạn không học theo cách “đứng núi này trông núi nọ”. Những vụ tranh chấp, VFF lâu nay thường đóng vai trò hòa giải là chính, rất ngại đụng chạm đến ngoại binh. Vụ Danh Ngọc và Samson đang ầm ỹ, chỉ mới Danh Ngọc bị xử, chẳng hạn. Nếu được liệt vào hạng ngôi sao, thì việc “làm tiền” và “bóc lột” các đội bóng càng dễ. Cách đơn giản nhất, là lãn công và đòi tăng lương, lót tay vào cuối mỗi mùa bóng. Bạn biết sai lè (đang còn thời hạn hợp đồng với CLB cũ), nhưng hẳn vẫn làm reo. Chắc chắn, CLB sẽ phải chiều theo yêu sách, vì vai trò của bạn quá quan trọng trong thành tích đội bóng.

Một điều thuộc về con người, xa gia đình, bỗng dưng tiền cứ “rơi” vào đầu, bạn có tránh khỏi tâm lý hưởng thụ và ăn chơi xa xỉ? Rất khó, trừ trường hợp bạn mang theo người thân, như vợ và con sang kèm cặp. Hãy nhìn Lee Nguyễn, cầu thủ có tiếng chuyên nghiệp nhưng đến thời điểm hiện nay, khả năng “ăn chơi” của tiền vệ tài hoa này nổi hơn cả tài đá bóng.

Đặt trường hợp như thế, thì việc trách ngoại binh quá dễ hư hỏng, sẽ phiến diện. “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, đấy là chân lý, nói triết học là hoàn cảnh quy định tính cách.

Lời bình

Năm 2010, số tiền các CLB dùng để trả lương cho cầu thủ là hơn 147 tỷ đồng, riêng cầu thủ ngoại thì chỉ chiếm ¼ số lượng cầu thủ đá chính nhưng lại chiếm tới 71 tỷ đồng. Nếu tính thêm phí chuyển nhượng sau những bản hợp đồng, cộng tiền thưởng và chi phí ngoài lương cho ngoại binh, thì con số càng khủng khiếp!

Điều đó nói lên sự bất cập khi các CLB còn rất nhiều thứ cần tiền để nâng tầm nhưng bị hạn chế. Chẳng hạn là đào tạo trẻ, vốn có tính cốt tử, hầu như kinh phí cho khâu này phía CLB đầu tư quá ít. Bầu Đức là người duy nhất chú trọng cho tuyến trẻ, khi năm 2010, ông đổ ra 50 tỷ cho 2 lớp cầu thủ nhí của học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG.

Không phủ nhận nhiều mặt tích cực khi có lực lượng ngoại binh (kể cả HLV) ở sân cỏ nội địa. Vấn đề, sau 10 năm, chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát và có chế tài đủ mạnh để nắn cầu thủ ngoại tuân thủ quy chế, quy định kỷ luật và điều lệ để thúc đẩy bóng đá chuyên nghiệp phát triển tích cực hơn.

Đơn giản bởi cầu thủ VN cũng chưa thực sự chuyên nghiệp, VFF vẫn không kiểm soát được thị trường chuyển nhượng đang ngày càng điên đảo. Việc Malaysia dù không có ngoại binh ở giải VĐQG nhưng nền bóng đá đất nước này vẫn phát triển, đấy cũng nên coi là một hiện tượng đáng phải suy ngẫm.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X