Như lời của HLV Sài Gòn, đây là mùa giải V-League hấp dẫn nhất lịch sử với kết cục chỉ được xác định ở vòng đấu hạ màn. Dưới đây là những điểm nổi bật nhất của mùa bóng này.
Covid-19
Chắc chắn là chi tiết đáng nhớ nhất của bóng đá, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới trong năm 2020. Mùa giải đã tạm dừng từ tháng 3, và phải tới đầu tháng 6 mới trở lại với màn đọ sức giữa Nam Định vs HAGL trên SVĐ Thiên Trường. Trận đấu này nhận được sự quan tâm lớn, và có thể nói đã khiến bóng đá Việt Nam được biết tới nhiều hơn trên trường quốc tế.
Đó là trận đấu mà sân Thiên Trường được phủ kín bởi đông đảo lượng CĐV – điều mà các SVĐ quốc tế còn lâu mới có. Những trang báo lớn nhất của các nước khu vực, từ Thái Lan đến Indonesia đều đăng tin về sự kiện này cùng lời chia sẻ ngưỡng mộ vì Việt Nam chống dịch quá tốt. Kèm theo đó là thể chế của V-League cũng thay đổi hoàn toàn khác, với 2 nhóm đua vô địch và trụ hạng.
Và khi mùa giải tưởng chừng đã yên ả trở lại, thì một lần nữa lại bị gián đoạn do Covid vào thời điểm cuối tháng 7, dẫn tới những thay đổi bất ngờ khác mà tiêu biểu là quyết định "quay xe" của HLV Chung Hae Seong (CLB TP HCM).
|
Khán giả phủ kín sân Thiên Trường |
Rắc rối của Thanh Hoá
Với sự tàn phá của Covid-19, các CLB càng gặp khó khăn lớn về tình hình tài chính khi không biết bao giờ mùa giải trở lại. Việc nuôi quân trở thành vấn đề nan giải, đến nỗi bầu Đệ đơn phương gửi đơn xin không tiếp tục tham dự - gây ra scandal đáng chú ý bậc nhất trong năm nay.
Sự việc sau đó được giải quyết ổn thoả, khi lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá từ chối cho bầu Đệ tự ý bỏ giải. Nhưng rắc rối của đội bóng xứ Thanh chưa khép lại, khi một lần nữa Chủ tịch đội bóng này gửi công văn yêu cầu HLV trưởng Nguyễn Thành Công phải có sự đồng ý của BLĐ mới được thay người – khiến chiến lược gia này xin từ chức.
|
Thanh Hoá trải qua rất nhiều rắc rối trong mùa giải này |
Nam Định nhiều lần bị xử ép
Cũng rắc rối không kém CLB Thanh Hoá, Dược Nam Hà Nam Định cũng là CLB được nhắc đến nhiều bởi những scandal nơi hậu trường. Với ngân sách ít ỏi và lực lượng không mạnh, đội bóng thành Nam phải chật vật đua trụ hạng. Nhưng ngay cả những nỗ lực của họ cũng bị thử thách với những quyết định khó hiểu của các trọng tài.
Từ các án phạt cho tới những tiếng còi từ chối công nhận bàn thắng hợp lệ, Đỗ Merlo và các đồng đội phải rất khó khăn mới trụ lại ở V-League trong vòng đấu cuối cùng, đẩy Quảng Nam xuống chơi ở giải hạng Nhất. Nhưng chưa hết, họ đã phải chia tay tiền đạo chất lượng Rafaelson khi mùa bóng hạ màn (gia nhập Đà Nẵng) do đội bóng không còn đáp ứng được yêu cầu tài chính.
|
CLB Nam Định gặp không ít khó khăn với áp lực từ trọng tài |
Hiện tượng Sài Gòn
Là đội bóng gây bất ngờ lớn nhất giải với chuỗi trận bất bại nửa đầu mùa bóng, Sài Gòn thậm chí đã ngự trị ngôi đầu bảng V-League một thời gian dài. CLB này không có những ngôi sao nổi bật, nhưng đã thể hiện tinh thần chiến đấu và lối chơi cực kỳ khó chịu với bất cứ đối thủ nào, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch/HLV Vũ Tiến Thành.
Thậm chí cho tới vòng đấu áp chót, đội bóng này mới hết cơ hội vô địch sau thất bại trước đội vô địch mùa trước là Hà Nội. Dù vậy, CLB miền Nam vẫn chứng tỏ tinh thần “xả thân” và đóng vai trò quyết định trong cuộc đua vô địch, cũng như thực hiện được phần nào “lời hứa” đá vì người hâm mộ và hướng tới bóng đá đẹp.
|
CLB Sài Gòn xứng đáng với những lời ca ngợi |
Rắc rối của TP HCM
Với sự đầu tư mạnh mẽ, TP HCM được xem là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch. CLB này đã bổ sung cả Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Công Phượng – những cái tên đình đám của bóng đá nội, và không tiếc tiền để chiêu mộ 2 ngôi sao Costa Rica với phí chuyển nhượng lên tới 1 triệu euro (hơn 25 tỷ đồng). Nhưng rồi, TP HCM vẫn chỉ đứng thứ 5 chung cuộc – một sự thất vọng lớn với kỳ vọng đặt ra ban đầu.
Cùng với đó là scandal ‘sa thải rồi mời lại’ HLV Chung Hae Seong, với ảnh hưởng của Covid-19. Chiến lược gia Hàn Quốc ban đầu được yêu cầu trở lại vai trò GĐKT, xin nghỉ việc rồi lại được mời lại, thay đổi ban cán sự đội bóng nhưng không đổi được sự thất vọng về phong độ. Chủ tịch Hữu Thắng cũng có thời gian xuống làm HLV tạm quyền, nhưng chưa được dẫn dắt trận nào.
|
TP HCM cũng trải qua rắc rối với HLV Chung Hae Seong |
Hà Nội mất chức vô địch vì bão chấn thương
Vẫn là đội bóng được đánh giá cao nhất trước mùa giải với lực lượng hoàn toàn nổi trội, Hà Nội đã dành phần lớn mùa giải ở những vị trí không xứng với sức mạnh của mình. Những chấn thương của cả hàng phòng ngự như Duy Mạnh, Đình Trọng, rồi Đoàn Văn Hậu cũng không đạt thể trạng tốt nhất khi quay trở lại từ Hà Lan. Các trụ cột của họ cũng đánh rơi phong độ/thể lực ở những thời điểm quan trọng của mùa giải.
Đến khi bừng tỉnh trong giai đoạn 2 với những thắng lợi liên tiếp, Hà Nội chung cuộc cũng chỉ giành chức vô địch cúp Quốc gia và về ngôi Á quân V-League, kém đội vô địch Viettel 2 điểm.
|
HLV Chu Đình Nghiêm đau đầu về bài toán lực lượng trong mùa giải này |
Viettel huỷ diệt giải đấu
Chức vô địch vẫn ở lại thủ đô, nhưng đã đổi chủ với màn đổi ngôi Hà Nội vs Viettel. Đội bóng của HLV Trương Việt Hoàng đã huỷ diệt giải đấu với rất nhiều những kết quả thắng 1-0. Thậm chí ở giai đoạn 2 của mùa giải, đội bóng quân đội có 5 chiến thắng 1-0, một trận hoà 0-0 (Hà Nội) và một trận thắng 4-1 (HAGL).
Trong trận đấu hạ màn, Bùi Tiến Dũng và các đồng đội đã giành chiến thắng 1-0 trước Sài Gòn ngay tại sân Thống Nhất, chấm dứt nỗ lực huỷ diệt Quảng Ninh 4-0 của Hà Nội trong trận đấu cùng giờ. Sau khi mùa giải chính thức hạ màn, Trương Việt Hoàng vui mừng khẳng định đội bóng của mình hoàn toàn xứng đáng vô địch giải đấu.
|
Viettel vô địch V-League 2020 một cách hoàn toàn xứng đáng |
Nguyệt Anh