Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

"Những chú tiểu HAGL" và cửa ải mang tên Miura

Thứ Sáu 27/02/2015 15:53(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cả Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường khi được hỏi đều cho biết, họ cảm thấy những khó khăn nhất định trong việc thích nghi với phương pháp huấn luyện của HLV Miura.

Nguyên Giám đốc kỹ thuật của CLB HAGL, ông Nguyễn Văn Vinh từng đưa ra một ví von thú vị về chuyện lứa cầu thủ Công Phượng lần đầu đá V.League: “Họ như những chú tiểu 7-8 năm luyện công trên núi, giờ hạ sơn nên không tránh khỏi bỡ ngỡ khi tiếp xúc với bên ngoài”. Hình ảnh đó khá thích hợp khi nói về cầu thủ trẻ của HAGL trong lần đầu làm việc với HLV mới, ở môi trường có khác biệt so với nơi họ được đào tạo.

Cả Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường khi được hỏi đều cho biết, họ cảm thấy những khó khăn nhất định trong việc thích nghi với phương pháp huấn luyện của HLV Miura. Với Công Phượng, đó là êu cầu bớt đi các động tác rườm rà khi nhà cầm quân người Nhật Bản chỉ cho phép các học trò của ông sử dụng tối đa 2 chạm trong mỗi lần tiếp bóng. Với Tuấn Anh, đó là yêu cầu rất cao về cường độ và khối lượng của các bài tập nhằm nâng cao thể lực. Còn Xuân Trường thì cho biết: “So với HLV Graechen, HLV Miura khắt khe hơn”.

HLV Miura cua Viet Nam hinh anh
HLV Miura luôn đặt ra yêu cầu rất cao trong từng buổi tập.

Ở HAGL và đội tuyển U19 Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của HLV Graechen, các cầu thủ được khuyến khích làm những việc họ muốn và thể hiện khả năng sáng tạo. Một ví dụ của điều này là cách Công Phượng hoàn toàn thoải mái cầm bóng đột phá qua 3-4 hậu vệ. Nhưng ở Olympic Việt Nam, HLV Miura muốn các học trò của ông phải tuyệt đối tuân thủ kỷ luật về đấu pháp và chiến thuật. Nếu Công Phượng hay Tuấn Anh cầm bóng quá 2 chạm, tiếng còi sẽ lập tức vang lên.

Ấn tượng lớn nhất trong các buổi tập của nhà cầm quân người Nhật Bản là tinh thần làm việc cật lực từ thầy đến trò. Trong khi đó, những buổi tập của HLV Graechen thường khá thoải mái và đầy ắp tiếng cười. Mỗi HLV có phương pháp riêng, tương ứng là hoàn cảnh đặc thù. Với ông Miura, những đội bóng gồm nhiều gương mặt mới tập trung từ một đến vài tháng thì chuyện tiến độ luyện tập, lựa chọn điểm rơi phong độ có ý nghĩa tối quan trọng. Còn một tập thể ăn tập cùng nhau suốt 7-8 như dàn cầu thủ trẻ của HAGL, nhiều khâu chuyên môn đã đi vào “tự động hóa”. Và điều cần làm của HLV Graechen đôi khi chỉ là tạo ra trạng thái hưng phấn để sẵn sàng nhập cuộc.

Việc thấm nhuần một phương pháp luyện tập, triết lý bóng đá trong quãng thời gian kéo dài từ tuổi nhi đồng đến khi trưởng thành đã làm nên sự khác biệt và cuốn hút trong cách chơi bóng của lứa cầu thủ Công Phượng. Nhưng mặt trái của quá trình đó là sự hình thành của những thói quen mà khi đặt vào một môi trường mới, bài toán thích nghi luôn đặt ra như một thách thức.

Vì trễ chuyến bay, người tập trung muộn nhất trong số các cầu thủ Olympic Việt Nam là tiền vệ Huy Toàn của CLB Đà Nẵng. Nhưng ngày hôm sau, Huy Toàn vẫn thể hiện sự năng nổ trên sân tập và hòa nhập rất nhanh cùng đồng đội. Câu trả lời nằm ở chỗ, tiền vệ người Lâm Đồng đã làm việc với HLV Miura ở cả 2 cấp độ đội tuyển trong năm 2014 nên đã quen với phong cách huấn luyện của ông. Điều tương tự cũng diễn ra với nhóm “cựu binh” như Ngọc Hải, Thanh Hiền, Ngọc Thắng… Trong khi các cầu thủ của HAGL luôn kết thúc buổi tập bằng khuôn mặt khá mệt mỏi.

Cơ hội của lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh tại đội tuyển Olympic Việt Nam sẽ phụ thuộc rất lớn vào đánh giá của HLV Miura. Những thách thức nhà cầm quân người Nhật Bản đặt ra trên sân tập cho các học trò của ông mỗi ngày là điều các cầu thủ trẻ của HAGL cần tìm cách vượt qua, trước khi nghĩ đến việc khẳng định ở sân chơi khu vực và châu lục.

Xem thêm bóng đá Việt Nam
Theo Zing

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X