Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Nhân dịp 20/11: Đi tìm thầy cho bóng đá Việt Nam

Thứ Sáu 20/11/2015 16:30(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Hôm nay là ngày lễ Hiến chương nhà giáo Việt Nam, một truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của người Việt ta. Còn bóng đá Việt Nam suốt bao năm qua chúng ta “vái tứ phương” tìm thầy nhưng gần như không học được gì.

Bóng đá Việt Nam đã hội nhập trở lại từ năm 1989, từ đó đến nay dù cũng đã trải qua 15 năm mang danh chuyên nghiệp nhưng gần như chưa có chuyển biến gì nhiều. Năm 1995, VFF có quyết định đột phá khi tìm thầy ngoại để giúp môn thể thao vua nước nhà đi lên. Và HLV Edson Tavares với triết lý của người Brazil đã trở thành ông thầy ngoại đầu tiên của ĐTQG Việt Nam. Dấu ấn của ông Tavares trở nên cực kỳ rõ ràng khi nâng tầm thể lực cầu thủ Việt. Thế nhưng chỉ sau vài tháng ông Tavares từ chức vì mâu thuẫn không thể hòa giải với VFF. Sau đó dù VFF đã sửa sai bằng cách mời lại vào năm 2004 nhưng ông Tavares cũng phải cuốn gói ra đi sau thất bại tại AFF Cup 2004 ngay trên sân nhà. Người thầy đầu tiên Tavares ra đi với dấu ấn về khả năng nâng cao thể lực, thế nhưng chẳng có ai giữ điều đó lại cho các thế hệ sau này.

Sau khi Tavares ra đi, chúng ta tiếp tục chính sách dùng thầy ngoại với HLV Karl-Heinz Weigang. Chiến lược gia người Đức để lại dấu ấn với tấm HCB Seagame 1995 và HCĐ Tiger Cup 1996. Cách làm bóng đá theo kỷ luật, tinh thần thép của ông Weigang rất được lòng NHM bóng đá nước nhà. Chính chiến lược gia 79 tuổi này là người có công rèn giũa thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam sau này như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Sĩ Hùng, Công Minh, Đức Thắng. Nhưng rồi thêm 1 lần vì mối bất đồng với VFF mà ông Heinz Weigang quyết định chia tay ĐT Việt Nam trong sự tiếc nuối của NHM. Tất nhiên cũng giống như lần trước, chúng ta chẳng còn giữ được những tinh hoa của ông Weigang ở lại mảnh đất hình chữ S.

Cac doi thay ngoai cua bong da Viet Nam hinh anh
Hầu hết các thầy ngoại đều có phương pháp hay nhưng chúng ta chẳng hề giữ lại được gì

HLV tiếp theo tạo được dấu ấn trong lòng NHM là Alfred Riedl. Cựu chiếc giày đồng châu Âu 1975 là người gắn bó với bóng đá Việt Nam lâu nhất và giành được nhiều thành tích hơn cả. Trong 3 thời kỳ dẫn dắt đội bóng áo đỏ, ông Riedl đã giúp ĐTVN giành 2 HCB Seagame, 1 HCB Tiger Cup, 1 HCĐ AFF Cup và 1 lần vào tứ kết Asian Cup 2007. Tình cảm của NHM dành cho HLV người Áo lớn đến mức trong người ông Alfred Riedl có 1 quả thận của CĐV Việt Nam. Về chuyên môn thì ông Riedl là người có công cực lớn giúp bóng đá Việt Nam từ bỏ chiến thuật “nguyên thủy” 5-3-2 sang 4-4-2. Thế nhưng khi chiến lược gia người Áo ra đi, chúng ta lại quay về con số 0.

Sau thời Alfred Riedl, Calisto chính là HLV thành công nhất với bóng đá Việt Nam. 1 chức vô địch AFF, 1 lần giành HCB Seagame và 2 HCĐ AFF Cup là những thành tích tốt nhất của một ông thầy ngoại với bóng đá nước nhà. Không chỉ có vậy, ông “Tô” còn được coi là người thầy đáng kính nhất với bóng đá Việt Nam khi phát hiện ra rất nhiều nhân tài cho chúng ta. Lối chơi kỹ thuật, đậm chất latin của chiến lược gia người Bồ Đào Nha cũng được đánh giá là phù hợp với tố chất của cầu thủ Việt. Thế nhưng lối chơi mà Calisto dày công xây dựng lập tức bị phá bỏ sau khi người mới lên nắm quyền.

Hiện tại, ông thầy đang nắm chìa khóa thành công của bóng đá Việt Nam là Toshiya Miura cũng có những dấu ấn cực kỳ đậm nét. Đó là thể lực vượt trội của cầu thủ Việt so với trước kia, là tư duy chơi bóng đơn giản, hiện đại. Màn trình diễn ấn tượng tại Asiad 2014, lần đầu tiên U23 lọt vào VCK U23 châu Á hay việc giành huy chương AFF Cup, Seagame sau thời gian dài trắng tay là thứ chúng ta phải ghi nhận. Thế nhưng bây giờ NHM lại đang tự hỏi liệu sau khi ông Miura trở về Nhật, liệu những người làm bóng đá Việt Nam có đúc rút được điều gì hay không?

Cac doi thay ngoai cua bong da Viet Nam hinh anh 2
Kiatisak thành công là nhờ bóng đá Thái Lan chắt lọc tinh hoa của các HLV ngoại để lại

Ngoài 5 HLV kể trên thì VFF cũng từng hợp tác với những Colin Murphy, Dido, Falko Goetz. Tuy nhiên do thời gian hợp tác quá ngắn nên những HLV kể trên không kịp để lại dấu ấn. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ kể cả khi chúng ta có mời Mourinho hay Guardiola về dẫn dắt ĐT Việt Nam và có được thành công thì cũng chỉ là trước mắt. Khi những ông thầy ngoại ra đi để thay thế bằng 1 người khác thì bóng đá Việt Nam lại phải đập đi xây lại từ đầu. Đó là hệ quả của cách làm việc không có kế hoạch và lộ trình cụ thể. Điều này hoàn toàn trái ngược với Nhật Bản hay ngay cả nước láng giềng Thái Lan. Họ cũng mất nhiều tiền để mời thầy ngoại nhưng ngay cả khi thất bại vẫn học được những tinh hoa mà HLV đó mang đến.

Hiện tại bóng đá Thái Lan đang cực kỳ thành công với Kiatisak nhưng không hẳn là vì Zico Thái tài năng, bằng chứng là ông đã từng thất bại ở HAGL. Đó là hệ quả của cách làm việc có lộ trình lâu dài của FAT. Xứ chùa vàng từng chào mời lương hàng triệu đô cho các HLV Peter Withe, Reid, Bryan Robson, Winfried Schaefer, điều bất ngờ là tất cả đều gần như thất bại với ĐT Thái Lan. Thế nhưng người Thái không hề “ném tiền qua cửa sổ” bởi tất cả giáo án, cách làm việc, chiến thuật của những HLV này đã được giữ lại để phục vụ việc phát triển bóng đá trong nước. Đó là một cách “ăn cắp trí tuệ” đường đường chính chính cực kỳ khôn ngoan của FAT. Để bây giờ thì chúng ta đã hiểu vì sao bóng đá Thái Lan đã chuẩn bị tiếp cận đẳng cấp châu lục.

Nói chung chuyện chọn thầy cho bóng đá cũng như mọi lĩnh vực khác của xã hội. Một học sinh có ý thức chủ động thì sẽ đỗ đạt dù học ở trường làng, nhưng nếu lười biếng, thụ động thì kể cả được giảng dạy bởi tiến sĩ, giáo sư cũng chỉ như “nước đổ lá khoai”. Đó là thực trạng của bóng đá Việt Nam suốt bao năm qua. Vì thế vấn đề không phải là mời thầy có giỏi, có phù hợp hay không mà quan trọng hơn là chúng ta, mà cụ thể là VFF có những kế hoạch gì để chắt lọc được những tinh hoa của HLV ngoại. Còn nếu vẫn thụ động, dồn mọi trách nhiệm vào những HLV nước ngoài thì bóng đá Việt Nam lại đi vào cái vòng luẩn quẩn “đập đi, xây lại” mỗi lần thay tướng. Tất nhiên, việc thay đổi liên tục như thế thì thành công được mới là chuyện lạ.

TRỰC TIẾP HAGL vs Hàn Quốc

Doãn Công

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X