Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

Nhận dạng lối đá kiểu Barca của ĐT Việt Nam

Thứ Năm 13/09/2012 09:10(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Báo giới Malaysia sáng qua đều đánh giá cao màn trình diễn thuyết phục của ĐTVN và cho rằng niềm tự hào của nhà ĐKVĐ Đông Nam Á Malaysia đã thực sự bị tổn thương khi thua trận đầu tiên trên sân nhà từ năm 2009 trở lại đây.

Trận thắng 2-0 tại SVĐ Shah Alam không chỉ giải tỏa áp lực nặng nề trên vai thầy trò Phan Thanh Hùng và còn cho thấy đội bóng đang đi đúng hướng trong chặng đường chuẩn bị cho AFF Cup 2012.

Lối chơi, con người, tinh thần đều tốt

Chiến thắng của ĐTVN có thể gói gọn trong 3 nguyên nhân thành công chính là: thử nghiệm lối chơi thành công, thử nghiệm con người thành công và tinh thần thi đấu tuyệt vời.

Về lối chơi, việc kiên trì đi theo kiểu đá ''nhỏ-nhanh-nhuyễn'' từ thời HLV Calisto là đúng đắn. Ở CLB Hà Nội.T&T, HLV Phan Thanh Hùng cũng xây dụng lối chơi kiểu phảng phất tiqui-taka này, nhưng điều đáng ngạc nhiên là đội hình xuất phát của ĐTVN đã không có bất cứ học trò ruột nào của HLV này ở đội bóng thủ đô. Điều đấy cho thấy ông Hùng luôn biết công tư phân minh chứ không có chuyện bênh vực quân nhà như lo ngại của nhiều người.

 

Chỉ có 4 ngày chuẩn bị và lại dùng 1 ê-kíp tương đối mới (khoảng 50% đội hình xuất phát là tân binh hoặc thường đá dự bị), rõ ràng việc chơi tiqui-taka với đối thủ được đánh giá là mạnh hơn như Malaysia là một sự mạo hiểm.

Bởi lẽ lối chơi này đòi hỏi sự liền mạch, ăn ý giữa các cầu thủ, đồng thời cũng phải đảm bảo thể lực để duy trì cách chơi phải di chuyển khá nhiều này. Ai cũng biết, các cầu thủ VN vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp trong ý thức nên thường không duy trì được thể lực tốt trong những đợt tập trung sau khi kết thúc mùa giải. Thế nhưng, HLV Phan Thanh Hùng vẫn kiên định dùng cách chơi tiqui-taka và đã thành công mỹ mãn với sự lựa chọn đó.

Khi cầu thủ VN còn đủ thể lực, tiqui-taka cũng vận hành nhuyễn hơn và chúng ta kiểm soát đến 65% bóng trong hiệp 1.

Kiểm soát bóng nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc chúng ta chủ động hơn trong cả tấn công lẫn phòng ngự. Thực tế cho thấy, Malaysia rất ít khi gây được áp lực lên hàng thủ VN trong hiệp 1 và thường chỉ đe dọa được cầu môn Tấn Trường bởi những cú sút xa.

Trong khi đó, ngoài bàn thắng của Công Vinh, chúng ta còn có ít nhất 3 tình huống gây sóng gió khác. Vấn đề của HLV Phan Thanh Hùng và các trợ lý giờ đây chỉ là tận dụng quãng thời gian sắp tới để vá lỗi và nâng cao đẳng cấp chơi tiqui-taka của ĐTVN lên một vài bậc nữa.

Những thử nghiệm thành công về con người cũng mang đến cho BHL nhiều lựa chọn hơn trong thời gian tới. Ở hàng thủ, phương án Gia Từ đã mang đến thành công bất ngờ khi cầu thủ V.Ninh Bình chơi khá chững chạc, tự tin. Trong khi đó, hai hậu vệ biên ít khi được đá chính như Văn Phong, Đình Đồng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ở tuyến giữa, chỉ một trận đấu với Malaysia, Nguyên Sa đã cho thấy mình chính là người thích hợp nhất cho vị trí tiền vệ trụ ở ĐTVN hiện nay. Quốc Anh cũng tiến bộ rõ rệt so với màn ra mặt chưa thành công ở trận gặp Mozambique trước đó.

Đã thế, việc đẩy Trọng Hoàng ra cánh và chơi thành công lại càng khiến BHL khó nghĩ hơn trong việc sắp xếp nhân sự khi hai bên cánh có quá nhiều sự lựa chọn tốt. Ngoài 2 cầu thủ trên, trên ghế dự bị vẫn còn Thành Lương, Văn Quyết, Vũ Phong, Ngọc Duy..., chưa kể đến Công Vinh cũng thường được sử dụng ở cánh trái khi Việt Thắng đá cao nhất.

Khi bình luận về trận đấu này, báo chí Malaysia đánh giá rất cao tinh thần thi đấu của các cầu thủ VN. Điều đó cho thấy BHL hiện nay đang được sự ủng hộ cao của các cầu thủ và rất biết cách làm tinh thần với những cầu thủ đã không còn duy trì được động lực thi đấu cao như 4 năm trước.

Nhưng còn không ít nỗi lo

Trong một trận đấu thành công, để tìm ra những điểm hạn chế là điều không dễ. Thế nhưng, nhìn vào cách vận hành của tuyến giữa, có thể thấy vai trò và tầm ảnh hưởng rất lớn của Tấn Tài. Cầu thủ K.Khánh Hòa gần như luôn có mặt ở các điểm nóng, không chỉ hỗ trợ tấn công tốt mà rất tích cực làm nhiệm vụ phòng ngự.

Chính sự xuất sắc này của Tấn Tài khiến cho người ta phải lo, bởi lỡ Tấn Tài không thể thi đấu trận quan trọng vì lý do nào đó thì ai sẽ là người thay thế? Rất khó tìm được người lấp đầy khoảng trống này. Tương tự, nếu thiếu cái đầu lạnh, tỉnh táo của Minh Đức thì hàng thủ cũng sẽ gặp khó khăn ngay. Gia Từ có thể chơi hay 1 trận, nhưng không ai rõ chiều hướng phát triển của cầu thủ này trong thời gian tới ra sao. Có thể thấy vị trí của Minh Đức, Tấn Tài và cả Công Vinh, chúng ta đều chưa có phương án thay thế xứng đáng.

Khả năng kiểm soát bóng của hàng tiền vệ ĐTVN là đáng kinh ngạc, nhưng cũng cần chú ý đến yếu tố khách quan là phía Malaysia thử nghiệm đội hình khá nhiều ở tuyến giữa. Hai tiền vệ Gary Steven Robbat (15) và Christie Jayaselan (19) đều khoác áo ĐTQG lần đầu tiên, còn tiền vệ Zack Haikal (14) cũng mới 21 tuổi và mới được đôn từ đội U.23 lên. Phải đá với 3/4 tiền vệ mới nên lối chơi pressing của Malaysia không đạt được kết quả như ý.

Đến khi ông Rajagobal nhận ra vấn đề và tung 2 tiền vệ giàu kinh nghiệm Kunanlan và Baddrol Bakhatiar cùng tiền đạo Safee Sali vào sân thì cục diện trở nên cân bằng hơn. Khi đó, tỷ lệ kiểm soát bóng của ĐTVN giảm hẳn và chỉ còn 56% khi hết trận.

Rõ ràng, chúng ta đã chơi hay một phần nhờ đối thủ không tung ra toàn lực. Như vậy, trận đấu này chỉ có ý nghĩa kiểm nghiệm đội hình đối với phía VN chứ không có giá trị để đánh giá tương quan giữa VN với Malaysia. Ở một trận đấu khác, trong một hoàn cảnh khác, có thể chúng ta sẽ không có được những thuận lợi khách quan lớn để giành được kết quả tốt như vừa qua.

(Theo Thể Thao 24h)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X