Nguyễn Xuân Son có thể mang lại điều gì cho ĐT Việt Nam?
Ngay sau khi thông tin tiền đạo Rafaelson Fernandes có quốc tịch Việt Nam được xác nhận, người hâm mộ đội tuyển đã mơ về viễn cảnh tiền đạo này khoác áo ĐT Việt Nam. Nhưng từ việc mang quốc tịch tới việc đủ điều kiện thi đấu cho ĐTQG là một khoảng cách xa. Từ đủ điều kiện cho tới được HLV triệu tập lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Từ những thông tin hiện có, chưa thể khẳng định Nguyễn Xuân Son đã đủ điều kiện để thi đấu cho ĐT Việt Nam hay chưa. Tất cả mới chỉ dừng lại ở việc HLV Kim Sang Sik chưa điền tên Son vào danh sách tập trung tháng 10 này còn lí do thật sự là gì thì chỉ có người trong cuộc nắm được.
Xuân Son có giỏi không? Chắc chắn là có! Mùa trước, tiền đạo sinh năm 1997 đã gồng gánh CLB Nam Định tới chức vô địch. Một mình Son ghi tới 31 trong tổng số 53 bàn thắng của đội bóng thành Nam. Trong cùng thời gian, tổng số bàn thắng của 6 tiền đạo được triệu tập lên tuyển lần này chỉ là 29 bàn.
Nguyễn Xuân Son chính thức có quốc tịch Việt Nam từ tháng 9/2024 |
Nói vậy để thấy Xuân Son cũng xứng đáng lên tuyển chẳng kém gì những đồng nghiệp. Nhưng bóng đá không phải môn chơi của 1 cá nhân đơn lẻ, càng không phải trò chơi ghép hình. Son hay là thật, nhưng không ai có thể đảm bảo rằng cầu thủ này sẽ mang phong độ trong màu áo CLB lên đội tuyển. Cũng không ai dám đảm bảo nếu triệu tập Son, thành tích của đội tuyển sẽ đi lên, cùng với số bàn thắng của tiền đạo này.
Xuân Son có thể mang tới thêm một phương án cho HLV Kim Sang Sik, nhưng một mình Son không thể giải bài toán ở ĐT Việt Nam. Ghi bàn (việc Son giỏi nhất) cũng không phải vấn đề nan giải nhất mà ĐT Việt Nam đối mặt ở thời điểm hiện tại.
Bởi nếu xem ĐT Việt Nam đủ sát, có thể thấy màn trình diễn nhạt nhòa của đội tuyển thời gian qua đến từ nhiều yếu tố khác nhau và ghi bàn chỉ là vấn đề được nhắc đến nhiều nhất trong số đó. Căn cốt của vấn đề nằm ở chất lượng thi đấu đi xuống rõ rệt ở từng vị trí trong đội hình ĐT Việt Nam.
Rafaelson không thể giải quyết tất cả những vấn đề mà ĐT Việt Nam đang phải đối mặt |
Không khó để nhận ra các cầu thủ giờ không còn ra sân với sĩ khí hừng hực, chẳng còn thi đấu với khát khao cao nhất như ở giai đoạn trước. Nguyên nhân của sự đi xuống này có thể nằm ở động lực của cầu thủ, cũng có thể là hệ quả của chấn thương do lịch thi đấu thiếu khoa học ở các hệ thống giải quốc gia. Và với chất lượng nhân sự như vậy, thật khó để đòi hỏi HLV Kim Sang Sik tạo ra khác biệt.
Nỗi niềm với Xuân Son phơi bày khoảng trống ở ĐT Việt Nam
Khoảng bốn ngày trước khi danh sách ĐT Việt Nam được công bố, thông tin từ Berlin tiết lộ tiền đạo Ibrahim Maza của Hertha Berlin đã quyết định chọn khoác áo ĐTQG Algeria, theo quê cha, thay vì ĐT Đức (nơi sinh ra và lớn lên) hay ĐT Việt Nam theo quê mẹ. Thực chất, quyết định của Ibrahim Maza không có gì bất ngờ bởi ai cũng hiểu khoảng cách trình độ giữa ĐT Việt Nam với các nền bóng đá phát triển.
Từ phía người hâm mộ, niềm tiếc nuối với những trường hợp như Ibrahim hay Xuân Son là phản ứng tất yếu trong bối cảnh phong độ đội nhà đi xuống. Một hoặc hai cá nhân nổi bật (nhất là trên hàng công) có thể mang lại tác động tức thời cho đội tuyển. Nhưng kể cả khi những cầu thủ nhập tịch/Việt kiều có thể tạo ra tầm ảnh hưởng ngay lập tức thì đó cũng chỉ là giải pháp mang tính ngắn hạn.
Rafaelson có thể giải bài toán ghi bàn cho ĐT Việt Nam nhưng là trong ngắn hạn |
Nỗi niềm với Xuân Son càng làm rõ thêm khoảng trống về sự kế thừa ở ĐT Việt Nam lúc này. Sau giai đoạn 2018-2022 thành công rực rỡ, bóng đá Việt Nam không tạo ra thế hệ kế cận tương xứng. Minh chứng rõ nhất cho nỗi lo về sự kế thừa của ĐT Việt Nam có thể kể đến việc U20 Việt Nam lỡ cơ hội dự VCK U20 châu Á lần đầu tiên sau 16 năm.
Thậm chí, những trụ cột của ĐT Việt Nam trong giai đoạn vàng son cũng đi xuống quá nhiều và quá nhanh so với chính mình. Hãy nhìn vào Nguyễn Công Phượng, trụ cột của ĐT Việt Nam trong giai đoạn thành công dưới thời HLV Park. Cầu thủ này vừa gia nhập đội hạng nhất Trường Tươi Bình Phước vào tháng trước.
Ở tuổi 29, lẽ ra đây phải là thời điểm Công Phượng tỏa sáng rực rỡ (nhất là sau những dấu ấn ở các giải trẻ). Nhưng rồi những gì người hâm mộ nhớ nhất ở Công Phượng vào lúc này, có chăng chỉ là những lời đùa cợt đầy chua chát và đắng ngắt, như cốc cafe của chân sút quê Nghệ An sau chuyến xuất ngoại đáng quên trên đất Nhật.
Nhiều người hâm mộ nuối tiếc khi Công Phượng gia nhập đội hạng nhất Bình Phước ở tuổi 29 |
Những trụ cột khác ở đội tuyển trong giai đoạn trước, như Quang Hải, Văn Đức, Hùng Dũng hay Văn Hậu cũng chỉ còn là cái bóng của chính mình. Tất cả đều phải vật lộn với chấn thương dai dẳng vì bị “bào” quá sức ở cả CLB lẫn ĐTQG. Trường hợp hiếm hoi ít chấn thương hơn, là Hoàng Đức hay Văn Lâm lại bị đặt dấu hỏi rất lớn về động lực thi đấu và cả sự ổn định.
Một Nguyễn Xuân Son có thể mang về thành quả tức thời. Nhưng cùng thời gian đó, cả bộ máy bóng đá cần cải thiện chính mình để tạo ra những cầu thủ chất lượng, đủ năng lực khoác áo đội tuyển và sớm tìm lời giải cho bài toán kế thừa.
Bằng không, kể cả có 11 cầu thủ như Rafaelson trong đội hình, ĐT Việt Nam vẫn sẽ phải loay hoay với những vấn đề cũ và vẫn chỉ xây nhà từ nóc trong vô vọng!
Trong danh sách 27 cầu thủ được triệu tập tháng 10/2024 của ĐT Việt Nam, HLV Kim Sang Sik thiếu vắng hai trụ cột.
Sự xuất hiện của Nguyễn Văn Quyết có thể trở thành một làn gió mới, thổi niềm hy vọng vào niềm tin đang cạn kiệt của người hâm mộ vào ĐT Việt Nam.