Thứ Tư, 03/07/2024Mới nhất
Zalo

"Ngoại binh" hốt bạc nhờ nhập tịch Việt Nam

Thứ Tư 04/04/2012 20:17(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tới dải đất hình chữ S đá bóng chỉ để kiếm cơm, nhưng nhiều cầu thủ ngoại đã đổi đời sau khi xin được quốc tịch Việt Nam, trở thành “nội binh”. Nhập tịch Việt Nam cho cầu thủ ngoại là biện pháp các ông chủ bóng đá dùng để nâng cấp nhanh chóng sức mạnh của một đội bóng.

Thủ môn Fabio Santos người Brazil, tới Việt Nam năm 2001, giành một chức vô địch hạng Nhất, hai Cup V-League, là cầu thủ ngoại đầu tiên mang quốc tịch Việt Nam với cái tên rất Việt: Phan Văn Santos. Fabio Santos đổi thành Phan Văn Santos, đội Đồng Tâm Long An có thể tung ra sân cùng lúc bốn cầu thủ ngoại, dù VFF quy định mỗi đội chỉ cho cùng lúc tối đa ba ngoại binh thi đấu, do Santos đã là “nội binh”. Thành công của Phan Văn Santos ở Đồng Tâm mở ra một trào lưu mới cho bóng đá Việt: Các ông chủ bóng đá thi nhau xin quốc tịch nội cho cầu thủ nước ngoài (những người có đủ 5 năm sống, làm việc ở Việt Nam). Tới nay, chỉ tính ở V-League đã có tới 14 cầu thủ gốc ngoại.

Câu cửa miệng của các ngoại binh khi cầm tấm hộ chiếu Việt là “tôi yêu Việt Nam, muốn khoác áo tuyển Việt Nam”. Rất hiếm người thẳng thắn như Huỳnh Kesley Alves của Sài Gòn FC. Cầu thủ gốc Brazil, trong một lần trò chuyện, tỏ ra thẳng thắn bởi với tấm hộ chiếu Việt, anh dễ dàng kiếm việc làm với thu nhập cao gấp nhiều lần.

Cầu thủ gốc Brazil Phan Văn Santos trong một lần tập trung cùng đội tuyển Việt Nam

Huỳnh Kesley không nói sai. Khi còn tấm hộ chiếu Brazil đá thuê cho Bình Dương, Kesley Alves nhận lương khoàng 10.000 USD mỗi tháng và 100.000 USD tiền chuyển nhượng cho một năm hợp đồng. Đổi tên họ thành Huỳnh, Kesley nhận lương tối thiểu 15.000 USD mỗi tháng và tiền chuyển nhượng cho một mùa tăng gấp ba. Không riêng Kesley, tất cả các cầu thủ ngoại mang quốc tịch Việt đều đổi đời. Ronal Martin người Uganda từng đá cho Hải Phòng ở V.League 2001 tưởng đã hết thời nhưng đến năm 2009, anh bất ngờ xuất hiện trong danh sách đội Hòa Phát với cái tên Trần Lê Martin. Hòa Phát cũng giúp Issac, một ngoại binh cũ của Đồng Tâm cũng được trả hàng chục nghìn USD tiền chuyển nhượng một mùa dù trước đó, anh này từng thuộc diện cho không cũng chẳng đội nào nhận.

Thanh Hóa dù có tiếng là đội nghèo, cũng tỏ ra chịu chơi. Họ từng xin nhập quốc tịch cho Tostao – tiền đạo từng khoác áo Đồng Tâm. Ngày chưa có quốc tịch Việt, Tostao lăn lê bò toài khắp các sân tập mà chẳng có đội bóng nào nhận dù mức lương anh đòi hỏi chưa đầy 3.000 USD. Mang tên Lê Tostao, chân sút đã hết thời này đòi tiền chuyển nhượng một năm tới 1000.000 USD và lương suýt soát 10.000USD mỗi tháng. Tương tự Tostao là Nguyễn Hoàng Helio. Thời còn đá cho Bình Dương và Hải Phòng, Helio còn mang quốc tịch Brazil. Tiền chuyển nhượng cỡ 30.000 USD cho một năm hợp đồng. Sau khi được Sông Lam nhập tịch, Nguyễn Hoàng Helio đã có giá tới 200.000 USD một năm.

Ngoài Huỳnh Kesley, không ai thẳng thắn thừa nhận xin quốc tịch Việt Nam để kiếm được việc làm với mức thu nhập tốt. Thực tế thì ngay từ mối quan hệ với các đội bóng, cầu thủ gốc ngoại cho thấy, mục đích duy nhất họ nhập tịch Việt Nam là tiền bạc. Thủ môn Mykola từng nhận lương 500 USD/tháng ở Thanh Hóa. Tới Ninh Bình, với cây guitar trên tay, hát bài tiếng Việt và ít lâu sau là mang quốc tịch Việt với tên gọi Đinh Hoàng La, đã đòi đội chủ nhân Ninh Bình chi 200.000 USD cho một năm phục vụ. Ninh Bình khước từ và ngay lập tức anh này đào tẩu vào Bình Dương. Phan Văn Santos từng được gọi vào tuyển Việt Nam nhưng sau khi Đồng Tâm Long An không trả đủ tiền “lót tay” để anh mang quốc tịch Việt, tay găng này đã từ chối lên tuyển dù ông thầy ruột Calisto năn nỉ mời.

“Cầu thủ gốc ngoại hiếm người nói sõi được tiếng Việt. Họ đến Việt Nam đã bóng để kiếm tiền. Các đội bóng sống dựa vào ngoại binh và từ đó tìm cách “lách luật”. Không ai ở làng cầu Việt Nam nhìn ra những tác hại sâu xa và vì thế phong trào nhập tịch cứ tràn lan để rồi tới bây giờ có hàng chục cầu thủ ngoại. Số này không phải ai cũng có trình độ tốt, thậm chí có người chỉ hơn cầu thủ nội tí sức khỏe và dĩ nhiên, không nâng chất được bao nhiêu cho các đội bóng. Cầu thủ gốc ngoại tới giờ cũng chưa đóng góp được cho đội tuyển. Thẳng thắn thì việc nhập tịch cho cầu thủ ngoại là cách làm ăn xổi của các ông chủ bóng đá khi họ không đào tạo được người và VFF thì làm ngơ”. Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh nhận xét.

Trong khi cầu thủ ngoại dễ dàng nhập tịch, kiếm thu nhập cao, thì các cầu thủ Việt kiều lại không dễ tìm việc ở Việt Nam. CLB Hà Nội đã đăng ký Johny Nguyễn Ngọc Anh nhưng cầu thủ này không được thi đấu với tư cách “nội binh”. Lê Giang – tuyển thủ U17 Slovakia, nếu thử việc thành công ở V-League, cũng bị xem là cầu thủ ngoại.

Theo ông Vinh, bóng đá Việt Nam đã lao theo trào lưu nhập tịch vừa tốn kém lại vừa không có hiệu quả lâu dài, và bỏ qua một nguồn lực rất đáng kể là cầu thủ Việt kiều. “Tới giờ chuyện nhập tịch đã chững lại nhưng gần 20 cầu thủ có mặt ở V.League đã chiếm mất bao nhiêu suất của các cầu thủ trẻ? Đó là cái hại mà khi nhập tịch, không ai chịu tính tới. Có vài cầu thủ Việt kiều theo như giới thiệu, có đủ trình độ đá V.League và có thể khoác áo tuyển Việt Nam. Vậy tại sao phải dè dặt với chính cầu thủ người Việt? Tôi cho rằng đề xuất của VPF về việc mỗi đội bóng có thể cho ra sân một cầu thủ gốc Việt, là hợp lý. Nó phù hợp với chính sách thu hút nhân tài, làm nguồn lực bổ sung tốt cho CLB và có thể là đội tuyển”, ông Vinh nói.

Cầu thủ gốc ngoại ở V.League

HA Gia Lai: Đoàn Văn Sakda
Bình Dương: Đinh Hoàng La, Nguyễn Hoàng Helio, Nguyễn Trung Sơn
Sông Lam Nghệ An: Lê Hoàng Phát Thierry
Navibank Sài Gòn: Đoàn Văn Nirut, Phan Văn Santos
Sài Gòn FC: Kesley Huỳnh Alves, Nguyễn Rogerio, Lê Tostao
V.Ninh Bình: Hoàng Vissai, Đinh Hoàng Max
K.Khánh Hòa: Lê Văn Tân
Thanh Hóa: Nguyễn Roger

(Theo Vnexpress)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X