Thứ Ba, 16/04/2024Mới nhất
Zalo

Nghịch lý trọng tài nội ở bóng đá Việt Nam

Thứ Sáu 04/04/2014 06:49(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cải tổ trọng tài là việc làm bức thiết đối với bóng đá Việt Nam vào lúc này, bởi ở ta tồn tại những nghịch lý về giới vua sân cỏ, không giống với thông lệ quốc tế và nó cũng phần nào phản ánh mặt bằng của giới trọng tại nội…

Nghề tay trái, thu nhập tay phải

Cho đến giờ, ngay ở châu Âu, ngay ở những nền bóng đá chuyên nghiệp nhất, trọng tài vẫn là nghiệp dư. Người ta cũng không khuyến khích giới vua sân cỏ theo con đường chuyên nghiệp, bởi tuổi nghề của trọng tài theo quy định của FIFA chỉ là 45.

Có nghĩa là họ phải có một nghề khác ổn định hơn nghề trọng tài để làm việc song song, rồi khi thôi làm trọng tài, họ vẫn có thể tiếp tục cuộc sống không cần đến nguồn thu nhập từ việc làm “vua sân cỏ”. Các trọng tài trên thế giới, và ngay cả những trọng tài giỏi nhất thế giới đều không sống bằng nghề… trọng tài. Họ là những kỹ sư, bác sĩ, luật gia, thậm chí là chuyên viên tư vấn tài chính (cựu trọng tài nổi tiếng Colina là chuyên viên dạng này)… Với họ, nếu không làm trọng tài, họ vẫn đảm bảo có thể sống khỏe với nghề tay phải của họ.

Giới trọng tài Việt Nam hoạt động chưa sát với thông lệ quốc tế
Giới trọng tài Việt Nam hoạt động chưa sát với thông lệ quốc tế

Đấy là điểm khác biệt rất lớn giữa trọng tài quốc tế là trọng tài Việt Nam. Trọng tài nội thường cũng có công việc khác, nhưng đa phần những công việc này đều liên quan đến bóng đá và đến thể thao, hoặc là giáo viên thể chất…

Người ta không ít lần than phiền về chế độ của các viên chức nhà nước (nếu họ chỉ sống nhờ lương), trong khi các trọng tài nội không ít người là viên chức. Người ta cũng thống nhất với nhau rằng đã là giáo viên mà không đi dạy thêm thì cũng khó sống. Không ít trọng tài Việt Nam đều có nghề tay phải là giáo viên, nhưng ngặt nỗi họ là giáo viên thể chất nên cũng chẳng biết dạy thêm cho ai?

Thành ra, ở Việt Nam, nghề trọng tài tuy là nghề phụ, nhưng thực chất đó là thu nhập chính. Đấy cũng chính là lý do mà nhiều trọng tài quyết không chịu mất nguồn thu nhập này. Khi nghe thông tin VFF có thể mời trọng tài ngoại, không ít trọng tài đã cật lực phản đối vì điều dễ thấy đầu tiên là họ đang có nguy cơ bị mất thu nhập, nếu phải cạnh tranh.

Nghề tay phải của các trọng tài Việt Nam cũng phần nào phản ánh mặt bằng của giới trọng tài so với mặt bằng xã hội, so với mặt bằng trọng tài quốc tế. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà mới đây, PCT VFF Đoàn Nguyên Đức có đề xuất nên đào tạo kỹ sư, bác sĩ làm trọng tài, thay vì giữ cách tuyển chọn khép kín như hiện nay.

Nghèo nhưng xài sang

Chúng tôi đã từng đề cập đến việc FIFA và AFC giờ không còn sử dụng giám sát trọng tài nữa, vì đơn giản là không cần thiết phải có lực lượng này trong mỗi trận đấu. Nhưng ở Việt Nam, BTC các giải đấu vẫn phải è cổ chi trả chế độ cho lực lượng trên.

Quay trở lại với tuổi nghề của giới trọng tài, sau 45 tuổi, FIFA buộc các trọng tài phải… về hưu. Với trọng tài nước ngoài, với các bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên tài chính… nghỉ làm trọng tài sau tuổi ấy là bình thường. Nhưng với giới trọng tài Việt Nam, với nghề tay phải vốn đã bấp bênh của họ, nghỉ làm trọng tài là vấn đề lớn, đặc biệt là về thu nhập.

Thành ra mới có chuyện nhiều trọng tài sau tuổi 45 đã lại hối hả “chạy” suất giám sát. Và điều đó cũng giải thích tại sao ở Việt Nam, giới trọng tài không bao giờ muốn làm đúng theo thông lệ của FIFA và AFC, trong việc bỏ chức danh giám sát trọng tài như FIFA và AFC đã bỏ. Vì bỏ chức danh đấy lại đụng ngay “nồi cơm” của người trong giới. Trọng tài và giám sát vì thế cứ cố bảo vệ nhau thành một vòng tròn khép kín, theo kiểu đảm bảo quyền lợi cho nhau. Giám sát bênh vực trọng tài, còn các trọng tài ra sức ủng hộ các giám sát thân với mình.

Chình vì vậy, để cải tổ công tác trọng tài, phải cải tổ từ những điều không đúng với thông lệ quốc tế vừa nêu. Muốn giới trọng tài Việt Nam phát triển thì những người đang điều hành bóng đá nội phải thay đổi mặt bằng trọng tài ngang với mặt bằng xã hội, và tốt nhất là cứ học theo các nước phát triển trước chúng ta mà làm!

Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X