Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Nghịch lý mô hình tháp ngược của bóng đá Việt Nam

Thứ Sáu 22/11/2013 16:51(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bóng đá nội đang tồn tại một nghịch lý là ở hạng đấu cao nhất thì nhiều đội, trong khi ở hạng dưới thì ít đội, dù lẽ ra phải là ngược lại. Chính nghịch lý này làm phát sinh nhiều hệ lụy, nhiều bất cập.

V-League đông hơn hạng Nhất

V-League 2014 sẽ có 13 đội tham dự, trong khi con số này ở giải hạng Nhất là 8 đội, dù lẽ ra phải là ngược lại như mô hình phát triển hình tháp của các nền bóng đá hàng đầu thế giới. Ở các nước, những hạng dưới có đông đội tham dự, nhưng lên đến trên thì ít đội hơn, vì tính sàng lọc cao hơn, các tiêu chuẩn để chọn đội đá ở hạng trên cũng gắt gao hơn. Nhưng ở bóng đá Việt Nam thì dường như càng lên trên, người ta càng dễ dãi với việc công nhận CLB chuyên nghiệp.

Bóng đá Việt Nam tồn tại nghịch lý là số đội hạng dưới lại ít hơn số đội hạng trên
Bóng đá Việt Nam tồn tại nghịch lý là số đội hạng dưới lại ít hơn số đội hạng trên

Trước đây, chính nghị quyết VFF còn đòi hỏi nhất nhất phải có 14 đội dự V-League 2014, dù bản thân VFF chưa chắc đã trả lời được tìm đội thứ 14 ấy ở đâu ra? Hậu quả nhãn tiền của việc giải hạng trên nhiều đội tham dự hơn giải hạng dưới sẽ xuất hiện ngay ở cúp quốc gia tới đây.

Do giải hạng Nhất chỉ có 8 đội dự tranh, nên giải đấu này chỉ tiến hành trong khoảng 3 tháng rưỡi, kết thúc vào khoảng tháng 6, tức là sớm hơn giải V-League và cúp quốc gia khoảng 2 tháng. Sau thời gian đó, các đội bóng hạng Nhất sẽ “xả trại”, các ngoại binh của họ cũng được cho về nước để đỗ tốn tiền “nuôi cơm”. Thế thì trong khoảng 2 tháng ấy, nếu một đội bóng hạng Nhất có cơ hội lọt vào sâu ở cúp quốc gia, họ có quyết tận dụng cơ hội hay không?

Vào sâu ở cúp quốc gia với các đội hạng Nhất cũng đồng nghĩa với việc phải nuôi quân thêm hơn 2 tháng, với biết bao tốn kém, trong bối cảnh mà vấn đề tài chính đã là vấn đề hóc búa với nhiều CLB. Thành ra khả năng các đội bóng thuộc hạng Nhất sẽ sớm “buông súng” ở cúp quốc gia là rất cao và khi đó thì những người điều hành bóng đá nội đã tự làm giảm giá trị cúp quốc gia, do chính họ điều hành.

Tính bất ngờ chính là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự lôi cuốn của bất kỳ giải đấu nào, khi các đội hạng Nhất không còn mặn mà tạo nên bất ngờ ở cúp quốc gia cũng đồng nghĩa với việc giải đấu này vốn đã ít lôi cuốn, giờ còn thê thảm hơn.

VPF đang cố sửa sai?

Một bất cập khác ở mùa giải năm sau, do số đội lẻ (13 đội), nên vòng đấu nào cũng có đội phải làm khán giả bất đắc dĩ. Lo nhất là đội phải nghỉ vòng cuối cùng, vì khi đó kết quả đã an bài, động lực không còn cao, rất dễ có khả năng nhường nhịn nhau và đội phải nghỉ vòng cuối, nếu chưa an toàn sẽ lãnh đủ.

Đấy cũng là nghịch lý của tình trạng ở trên đông đội và ở dưới ít đội. Nếu những nhà điều hành bóng đá Việt Nam không quá dễ dãi cho việc mở rộng số lượng đội thăng lên V-League vài năm trước thì tình trạng này đã không xảy ra.

Người ta không phải chứng kiến cảnh XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải làm VFF, VPF run, tiếp đến K.Kiên Giang hết tiền giữa chừng rồi ngưng hoạt động, khiến cho giờ đây những nhà điều hành bị động trong việc tìm giải pháp tốt cho các đội còn lại.

Mùa tới thì nhiều khả năng VPF đang tìm cách sửa sai. Theo đó, V-League sẽ có 2 đội rớt hạng, còn giải hạng Nhất có 1 suất thăng hạng. Đấy là phương án được VPF trình lên, chờ VFF duyệt. Theo cách tính này thì mùa sau nữa, V-League sẽ có 12 đội, còn giải hạng Nhất có 10 đội. Dù số đội ở trên vẫn nhiều hơn ở dưới, nhưng vẫn không chênh lệch lớn như bây giờ, và đấy là lộ trình để trở lại mô hình tháp đúng nghĩa: Đế tháp có to, có vững thì đỉnh tháp mới chắc.

Những nhà điều hành bóng đá nội nhận ra nghịch lý phát triển tháp ngược của mình hơi muộn, khiến cho bóng đá Việt Nam đối diện với quá nhiều hỗn loạn trong mấy năm qua. Nhưng dù muộn thì vẫn phải làm, để giúp bóng đá Việt Nam thoát khỏi cảnh phong trào hóa như hiện tại!

Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X