Bốn năm sở hữu ba chức vô địch, cầu thủ cũng dễ thỏa mãn. Nếu bầu Hiển cũng “bội thực” danh hiệu, hoặc có chuyện không hài lòng mà bỏ bóng đá thì sao? Trong thời điểm khủng hoảng kinh tế đang rất sâu, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra….
Ngày đó quá khủng khiếp với những người có trách nhiệm với nền bóng đá nội. Bởi, tầm ảnh hưởng của ông Đỗ Quang Hiển đã phủ bóng quá lớn, không đơn thuần chỉ là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng.
Chính vị thế đặc biệt của bầu Hiển, đã khiến những bất lợi nghiêng về ông, có lúc hết sức nặng nề (điển hình giai đoạn cuối mùa bóng 2012 khi Hà Nội T&T “dìu” SHB Đà Nẵng vô địch), tất cả đều được hóa giải dễ dàng.Đây là chức vô địch V-League thứ ba trong bốn năm cho bầu Hiển
Bởi người ta hiểu rằng, nếu bầu Hiển dỗi hờn, nghỉ bóng đá thì giải chuyên nghiệp Việt Nam sẽ càng khủng hoảng, chẳng khác vòi nước đã rò rỉ lại bị cứa thêm một nhát dao. Ông Hiển không phải như bầu Thụy, và nhiều doanh nghiệp khác, khi sự giải tán của họ có khi lại là tích cực. Việc Xuân Thành Sài Gòn sớm hay muộn cũng giải tán, đã không khó tiên liệu, chỉ cần nhìn vào tính cách của ông chủ, cũng như lịch sử của đội bóng đó là rõ vấn đề.
Bầu Thụy luôn coi ông Đỗ Quang Hiển là “đại ca”, là bản mẫu để làm bóng đá, nhưng ông quên một điều nếu làm bóng đá không có tình yêu xuất phát từ trái tim, sự thủy chung chỉ là xa xỉ. Lòng thủy chung chính là nền tảng của ý chí, kim chỉ nam cho hành động giúp người ta dám đối đầu với những khó khăn để bảo vệ tình yêu của mình. Tiếc rằng, bóng đá ta nhiều ông bầu (nhiều doanh nghiệp) nói rất hay về tình yêu bóng đá, rốt cuộc số yêu bóng đá thật lại rất ít. Mượn bóng đá để đầu cơ, quảng cáo là mẫu số chung.
Tất nhiên, tình yêu cũng sẽ bị hao gầy, một khi tình yêu không được nuôi dưỡng tốt từ nhiều yếu tố khách quan. Và câu chuyện tình yêu trong bóng đá ta, thực sự có quá nhiều gian truân, cho những người yêu bóng đá đích thực nhưng việc được tạo nên một môi trường chuyên nghiệp, vẫn là khao khát còn lâu lắm mới được đáp ứng. Một giải chuyên nghiệp đổ ra quá nhiều tiền bạc thì luôn gây bất an, trước hết từ năng lực tổ chức, điều hành giải quá nhiều vấn đề. Một giải đấu mà bất cứ lúc nào những nỗ lực của các đội cũng có thể bị đảo lộn, đơn giản bởi việc có đội A, hoặc B bỏ giải.
Lẽ công bằng ở một giải đấu chuyên nghiệp, lẽ ra là điều không phải bàn cãi, rốt cục lại là điều gây tranh cãi. Sông Lam Nghệ An bỗng nhiên bị mất đi sáu điểm vì Xuân Thành Sài Gòn, họ không uất ức mới là lạ. Nên nhớ, để trái bóng năm 2013 lăn, chưa bao giờ có sự chuẩn bị với thời gian dài như thế, với sự trì hoãn đến ba lần để tạo điều kiện cho các đội lẫn ban tổ chức giải chuẩn bị. Thế mà vẫn không thể kiểm soát được giải. Làm bóng đá chuyên nghiệp kiểu chúng ta quả là mệt, doanh nghiệp rất dễ nản lòng.
Chỉ mỗi bầu Hiển thành công, còn lâu các đội mới có thể xô đổ đế chế mà họ Đỗ đang nắm giữ. Có gì đó nghịch lý khi cả làng bóng đá chuyên nghiệp coi việc Hà Nội T&T (lẫn SHB Đà Nẵng) vô địch, vừa xứng đáng, vừa đáng… buồn!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)