Giải thích cho quyết định không có đội rớt hạng ở V-League 2013, một vài thành viên BCH VFF cho biết đấy là do nghị quyết VFF quy định V-League mùa tới phải có đủ 14 đội. Cùng lúc đó thì quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng lộ rõ những chỗ… nghiệp dư.
Vì cái nghị quyết được thông qua bởi các ông nghị, đến dự hội nghị của VFF, nghe báo cáo dài dằng dặc, rồi giơ tay biểu quyết theo số đông khiến cho V-League 2014 buộc phải có 14 đội, bất chấp chất lượng của các đội tham dự. Vì cái nghị quyết đấy mà VFF phải cắt suất rớt hạng ở V-League 2013, dù đấy là quyết định hoàn toàn mang tính nghiệp dư, nó biến cái giải đấu VĐQG được gán mác chuyên nghiệp thành giải… phong trào.Nghị quyết của VFF giúp K.Kiên Giang được ở lại V-League
Chỉ tiếc những ý kiến được thông qua trong các hội nghị VFF không giúp cho bóng đá Việt Nam tiến lên, mà lại còn kìm hãm sự phát triển của bóng đá nội. Ở đây thấy rõ là người ta đang làm bóng đá kiểu đối phó cho đủ số lượng, bất chấp thực tế đáng buồn đang diễn ra với các đội bóng trong nước.
Đơn cử là trường hợp của K.Kiên Giang. Đội bóng miền Tây Nam bộ là đội được giữ lại cho đủ số, sau khi VFF và VPF làm theo nghị quyết rồi bỏ suất rớt hạng. Hôm qua (10/9) thì hàng loạt cầu thủ của K.Kiên Giang đang trong tình cảnh bị nợ tiền đã tập trung tại trụ sở CLB để phản ứng.
Đau ở chỗ có người còn than là họ đá bóng, ký hợp đồng giấy trắng mực đen hẳn hoi, nhưng đến lúc bị nợ tiền thì không biết tìm ai để đòi. Gọi điện cho lãnh đạo CLB thì lãnh đạo không nghe máy, cũng không có bất cứ lời hẹn nào về thời hạn thanh toán tiền.
Nếu làm ăn chuyên nghiệp chắc chắn không thể có chuyện như thế. Và một đội bóng như K.Kiên Giang vẫn được hiện diện ở giải VĐQG mùa sau, vẫn được mang mác là CLB chuyên nghiệp thì quả thật là hết thuốc chữa. Tiền nợ còn chưa trả xong, không biết K.Kiên Giang lấy gì để tồn tại cho mùa sau, mà VFF quyết giữ lại họ bằng cái nghị quyết nặng tính phong trào ấy?
Đau nhất là những người làm bóng đá Việt Nam đang xem nhẹ giá trị của người lao động. Cầu thủ của K.Kiên Giang bây giờ bị nợ tiền, lương mấy tháng chưa được trả, tiền lót tay cũng chưa nhận đủ. Lẽ ra giờ này phải là thời gian để họ xả hơi cùng gia đình sau một mùa giải căng thẳng, thì họ phải lại phải đi đòi những điều mà lẽ ra họ phải được trả theo đúng nghĩa vụ. Đau hơn nữa là các quan chức của VFF trong vụ này cũng chẳng ai lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho người lao động!
Nghị quyết hở, quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng hở nốt. Sáng nay (11/9), TTK LĐBĐ TPHCM, kiêm trưởng bộ môn bóng đá thuộc Sở VH-TT&DL TPHCM, ông Trần Đình Huấn cho biết trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp, có đoạn 1 đội bóng sau khi được thăng hạng từ giải nghiệp dư, nếu chưa kịp chuyển đổi mô hình hoạt động sang chuyên nghiệp thì quy chế vẫn cho phép đội ấy được 1 năm quá độ.
CLB TPHCM vốn mới vừa thăng từ giải hạng Nhì lên hạng Nhất (tức là từ bóng đá nghiệp dư lên bóng đá chuyên nghiệp) sẽ lách vào cái kẽ hở ấy, để tiếp tục tồn tại theo kiểu nghiệp dư, dù mùa tới họ sẽ đá ở sân chơi chuyên nghiệp!
Đúng là những chuyện chỉ có ở bóng đá Việt Nam, những chuyện mà dường như chỉ những người đang điều hành bóng đá Việt Nam mới nghĩ ra được! Chiếu theo điều khoản vừa được ông TTK LĐBĐ TPHCM kiêm trưởng bộ môn nêu ra thì hóa ra quy chế bóng đá chuyên nghiệp từ trước giờ là nhằm phục vụ các đội… phong trào.
Thay vì gò nhau vào khuôn khổ, tiêu chuẩn hóa các sân chơi thì những người làm bóng đá Việt Nam đang chỉ nhau cách lách luật, đồng thời họ đang đánh đồng hóa bóng đá đỉnh cao với bóng đá phong trào.
Quy chế bóng đá chuyên nghiệp hay nghị quyết của VFF nói cho cùng là do con người nghĩ ra, với mục tiêu cao nhất chắc chắn là để phát triển bóng đá. Thế nên khi phát hiện có chỗ hở, phát hiện ra chỗ đang trì hoãn đà tiến của bóng đá Việt Nam, thì việc đầu tiên người ta phải sửa ngay chỗ ấy, chứ không phải đem cái quy chế hay cái nghị quyết ấy ra để làm bình phong cho sự hạn chế về năng lực của chính mình!
(Theo Dân Trí)