Người hâm mộ ngỡ ngàng khi thấy đoạn clip Huy Hoàng “tay bắt đom đóm, lưỡi đá xi nhan” khi bị công an, người dân Thanh Hoá vây bắt vì gây tai nạn giao thông và chạy luôn hôm 7.9. Ngỡ ngàng rồi đau đớn khi nhìn ra, lúc đó Hoàng đang mặc trên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia với lá cờ tổ quốc ngay trên ngực. Cùng với việc Quốc Long bị loại vì vấn đề đạo đức, một lần nữa chiếc áo tuyển quốc gia lại bị làm hoen ố thêm.
Trạng thái ngỡ ngàng nhanh chóng chuyển sang trạng thái thất vọng cùng cực khi Hữu Thắng, một cựu tuyển thủ và đang làm thầy ở đội bóng Sông Lam Nghệ An, nhanh chóng chống chế rằng Hoàng chỉ say rượu chứ không phải phê thuốc. Nói là chống chế bởi Hữu Thắng không phải là bác sĩ, cũng chẳng phải là công an, càng không thể là cái máy xét nghiệm để có thể bào chữa cho hành vi của Huy Hoàng.Huy Hoàng (đứng đầu) đã làm hoen ố hình ảnh ĐTQG với vụ bê bối hôm 7/9
Trò đã vậy, thầy cũng thế, đến lượt phía công an cũng có thái độ rất đáng ngạc nhiên. Hành vi của Huy Hoàng vi phạm luật hình sự hẳn hoi, gây nguy hiểm cho xã hội, cho tính mạng người tham gia giao thông khi lái xe trong tình trạng mất kiểm soát bản thân dẫn đến gây tai nạn, không dừng xe khi có tín hiệu của cảnh sát, thậm chí khi dừng lại rồi vẫn không biết chuyện gì đang diễn ra chung quanh; vậy nhưng công an Thanh Hoá, chẳng hiểu vì lẽ gì, lại cho phép Huy Hoàng về nhà nghỉ ngơi, hôm sau mới đến làm việc. Trả lời giới truyền thông, thượng tá Trịnh Đăng Vinh, phó trưởng Công an thành phố Thanh Hoá còn hỏi ngược lại: “Ai nói nó nghiện? Dân nào nói nó nghiện? Cái này phải có cơ quan chức năng mới biết được. Việc nghiện ngập anh phải hỏi đội của nó ấy. Sao lại hỏi tôi. Hỏi như thế là không được”. Ủa, vậy thì người dân phải hỏi ai đây, nhất là trong trường hợp này?
Thật ra chuyện cầu thủ sử dụng chất kích thích không còn là mới với các đội bóng ở Việt Nam. Molina, một cầu thủ đang chơi cho Bình Dương đã chết khi dùng ma tuý quá liều trong ngày nghỉ. Hàng loạt cầu thủ trẻ ở Nghệ An đã bị phát giác có chơi ma tuý trong một cuộc kiểm tra bất ngờ. Ở cấp độ cao hơn là đội tuyển quốc gia, Sỹ Mạnh từng bị công an bắt quả tang khi cùng một nhóm cầu thủ khác chơi thuốc lắc ở quận 7; Như Thành công khai thừa nhận mình đã từng chơi thuốc kích thích, thậm chí cầu thủ này còn nói thẳng là chuyện đó chẳng phải mình anh có.
Nhưng, tất cả những vi phạm trên dường như chẳng khiến VFF hay phía công an, nơi năm nào cũng ký thoả thuận hợp tác với VFF, phải bận tâm. Có vẻ như những hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội của cầu thủ thường dễ được bỏ qua thì phải. Nói có sách mách có chứng: Sỹ Mạnh sau vụ bị bắt vì dùng chất kích thích vẫn có mặt ở đội tuyển, các cầu thủ bán độ ở SEA Games tại Philippines lần lượt có mặt trở lại ở đội tuyển quốc gia. Xa hơn, Thành Lương năm 2009 có lời lẽ thô tục với trọng tài bị treo giò vẫn tham dự đội tuyển, Đinh Tiến Thành của Hải Phòng ở mùa giải 2012 đang thụ án treo giò vì tấn công trọng tài Võ Minh Trí, cũng thế...
Chuyện người hâm mộ công khai bất bình với những gì đang diễn ra ở đội tuyển vì các cầu thủ ngày càng xấu trong mắt họ ngày nhiều hơn. Nhưng, chỉ trích các cầu thủ thôi thì vẫn không đi đến tận căn nguyên của vấn đề. Câu hỏi ngành thể thao và VFF, với trách nhiệm điều hành, quản lý nền bóng đá, đang ở đâu khi các tiêu chí về đạo đức đang bị đặt sang một bên nhường chỗ cho mưu cầu thành tích?
Quay trở lại trường hợp của Huy Hoàng. Thật ra, hành vi của cầu thủ này chỉ là “thêm một giọt nước” cho sự xuống cấp của bóng đá Việt Nam, song giờ đây nó trở nên nghiêm trọng hơn ở chỗ các hành vi của các tuyển thủ bắt đầu gây hại tới xã hội bên ngoài đội tuyển, bên ngoài ngành thể thao – như các công dân bị tai nạn giao thông do Huy Hoàng gây ra. Và nếu ngành thể thao cũng như các ngành hữu quan khác còn tiếp tục xuê xoa, chưa biết điều gì sẽ còn xảy ra nữa...
(Theo SGTT)