Những ngày này, NHM bóng đá Việt Nam đang rất tò mò với thông tin Kiatisak đang chuẩn bị rời chiếc ghế ĐT Thái Lan, và điểm đến mà Zico Thái muốn nhất lại là mảnh đất hình chữ S.
Vị tướng tài và hiểu bóng đá khu vực…
Kể từ khi lên dẫn dắt U23 và ĐT Thái Lan, Kiatisak đã tạo ra những tiếng vang lớn. Ông giúp bóng đá xứ chùa vàng tìm lại được vị thế thống trị khu vực với 4 chức vô địch SEA Games và AFF Cup. Ở cấp độ cao hơn, Zico Thái đã đưa đội Olympic nước này vào đến bán kết Asiad 2014. Còn tại vòng loại World Cup 2018, Thái Lan cũng đang là 1 trong 12 đội tuyển tranh 4,5 tấm vé đến nước Nga.
Nhiều khả năng HLV Kiatisak sẽ rời ĐT Thái Lan sau AFF Cup 2016.
Không chỉ thành tích, những gì mà Kiatisak làm được đáng nói hơn thế. Ông tạo ra một cuộc cách mạng cho bóng đá Thái Lan. Loại bỏ toàn bộ những trụ cột của ĐTQG như Thonglao, Suchao, anh enh nhà Sukha để thay mới gần như hoàn toàn. Chỉ còn số ít những trụ cột như Dangda, Kawin, Lahso, Chutong được giữ lại. Thay vào đó là thế hệ 9x đầy trẻ trung gồm Channathip, Teerathon, Yooyen, Anan, Narubadin, Tanaboon, Chappuis, Tristan Đỗ… Suốt trong 2 năm 2013, 2014, người ta gọi “Voi chiến” là là đội bóng “3 trong 1” bởi ĐTQG cũng là đội U23 và Olympic chinh chiến mọi đấu trường.
Kiatisak có thể dẫn dắt ĐT Việt Nam |
Để rồi giờ đây, Thái Lan lập tức trở lại vị thế thống trị khu vực, tiến rất gần tới đẳng cấp châu lục. Đáng nói nhất, Kiatisak đã tạo ra lối chơi Thai Tik-tok cực kỳ nhuần nhuyễn cho “Voi chiến”. Chẳng nói đâu xa, ĐT Việt Nam là một trong những nạn nhân lớn nhất của lối chơi này, nhất là trong trận thua 0-3 ngay tại Mỹ Đình vào tháng 10/2013. Nói ra để thấy, những gì mà Zico Thái làm được là rất đáng ngưỡng mộ. Đó là ao ước của NHM bóng đá Việt Nam có một HLV thao lược như thế…
Hôm qua, VFF đã đưa ra kế hoạch chuẩn bị cho các đội tuyển Việt Nam trong năm 2017. Đáng chú ý nhất là việc gộp 3 đội tuyển U19, U23 và ĐTQG thành đội U22 để...
Bên cạnh lối chơi phối hợp nhỏ, phù hợp với cầu thủ Đông Nam Á, điều mà CĐV Việt Nam rất “khoái” Kiatisak là sự am hiểu với bóng đá khu vực. Những kinh nghiệm từ thời làm cầu thủ cho đến HLV của cựu tiền đạo này ăn đứt bất cứ chiến lược gia nào tại “vùng trũng”. Đó là một trong những lý do mà ông giúp Thái Lan dễ dàng vô địch 4 giải SEA Games và AFF Cup liên tiếp dù không phải giải nào cũng mang đến đội hình mạnh nhất. Vì thế, “Sắc” được coi là rất hợp để dẫn dắt ĐT Việt Nam hướng đến một lối chơi hiện đại, nhất là khi chúng ta sẽ trả hóa đội tuyển sau AFF Cup 2016.
Kiatisak khi còn dẫn dắt HAGL |
…Nhưng chưa chắc thành công
Kiatisak có tài và cũng rất hợp nếu lên dẫn dắt ĐT Việt Nam. Chỉ có điều, giữa lý thuyết và thực tế là những khoảng cách vô cùng mênh mông, chưa chắc ông thầy 43 tuổi có thể phát huy hết khả năng của mình bởi môi trường bóng đá Việt Nam rất khác bóng đá Thái Lan, cầu thủ Việt cũng không phải cầu thủ Thái.
Cái khác lớn nhất ở đây không phải chuyên môn mà là sự chuyên nghiệp. Thành công lớn nhất của Kiatisak là thu phục được các học trò. Đấu pháp của ông được triển khai vì các cầu thủ rất “ngoan”, nói gì nghe đấy (kể cả sinh hoạt hàng ngày). Nhưng nếu dẫn dắt ĐT Việt Nam thì rất khác. Các cầu thủ của chúng ta vẫn còn cách rất xa cái gọi là ý thức chuyên nghiệp. Rất nhiều cầu thủ chỉ chịu thi đấu ở vị trí yêu thích chứ không phải do BHL yêu cầu, hoặc đá không đúng như đấu pháp HLV đề ra. Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất trong lịch sử là của cựu tiền đạo Tuấn Thành (CAHN). Một chân sút thật sự có tài nhưng bị HLV Riedl loại khỏi đội tuyển vì nhất quyết không chịu đá dạt biên mà chỉ thích đá cắm, nơi đã có Huỳnh Đức thời đó.
Kiatisak từng bất lực trong việc quản quân ở HAGL |
Đó là còn những vấn đề như quân anh, quân tôi trên tuyển mà chưa bao giờ hết nóng. Lợi ích bản thân, lợi ích nhóm vẫn được các cầu thủ coi trọng nhất chứ không phải lợi ích tập thể như cầu thủ Thái Lan. Ở các thời kỳ ĐT Việt Nam, những mẫu cầu thủ chuyên nghiệp, sẵn sàng hy sinh để đồng đội tỏa sáng như Công Vinh và Việt Thắng là rất hiếm. Vì thế ngay cả khi mời được Kiatisak về dẫn dắt ĐTVN và bên nguyên công thức của ĐT Thái Lan vào thì cũng không phải một sự đảm bảo cho thành công.
Kết luận
Trước khi lên dẫn dắt ĐT Thái Lan, Kiatisak từng dẫn dắt HAGL với những ngôi sao sáng như Lee Nguyễn, Huỳnh Kesley, Thonglao, Sakda nhưng kết quả lại hết sức khiêm tốn. Mà thời “Sắc” ở Hàm Rồng, những câu chuyện bên ngoài sân cỏ, những mẫu thuẫn trong nội bộ đội bóng được nói đến nhiều hơn là chuyên môn. Đương nhiên khi lên dẫn dắt ĐT Việt Nam chắc chắn những vấn đề ABC, XYZ vẫn sẽ tồn tại. Do đó, đừng vội nghĩ rằng chỉ cần một HLV giỏi là có thể “lột xác” ĐT Việt Nam ngay lập tức. Trước khi nghĩ tới một đội tuyển mạnh thì chúng ta phải thật sự chuyên nghiệp nền bóng đá trước đi đã…
Doãn Công (Theo Thể Thao Việt Nam)