Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Nền tảng nào cho sự phát triển của ĐT Việt Nam?

Thứ Hai 12/02/2024 09:05(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Năm 2024 khởi đầu không mấy thuận lợi với ĐT Việt Nam và người hâm mộ lại một lần phải đặt câu hỏi liệu đâu là nền tảng nào để ĐT Việt Nam phát triển?

Muốn có thành công, bất cứ đội bóng nào cũng cần nền tảng và con người chính là chìa khóa cho câu hỏi về nền tảng cho ĐT Việt Nam. Ở góc độ cơ bản nhất, cầu thủ cần sở hữu hai nền tảng tối quan trọng: thể chất và kỹ chiến thuật. 

Nền tảng thể chất

Với đặc thù của một môn thể thao đối kháng, nền tảng thể chất luôn là yêu cầu cơ bản nhất. Ở kỷ nguyên bóng đá hiện đại, không một đội bóng nào có thể thành công mà không sở hữu nền tảng thể chất xuất sắc. Cội rễ cho mọi ý niệm về chiến thuật, mọi hoạt động trong trận đều xuất phát từ thể chất của từng cầu thủ.

“Thể chất” cũng là một yếu tố rất rộng, bao hàm nhiều đặc tính ở cầu thủ. Dễ thấy nhất là thể hình, tầm vóc. Sau đó là đến sức bền, khả năng tăng tốc, khả năng thăng bằng và các yếu tố liên quan tới thần kinh vận động của cầu thủ. Thậm chí, cả khả năng tập trung, phản xạ hay ra quyết định cũng phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng thể chất của từng cá nhân.

Nền tảng nào cho sự phát triển của ĐT Việt Nam 1
 ĐT Việt Nam gặp bất lợi về thể chất khi ra sân chơi châu lục

Thể hình là thiệt thòi lớn nhất của ĐT Việt Nam khi bước ra sân chơi châu lục. Tại Asian Cup 2023, ĐT Việt Nam nằm trong nhóm cầu thủ có thể hình thấp bé nhất, với chiều cao trung bình thấp nhất và cân nặng xếp thứ hai từ dưới lên. Không khó để nhận ra cầu thủ Việt Nam vất vả ra sao trong những pha đua tốc, những tình huống không chiến hay những lần đuổi bóng trước đối thủ.

Nói vậy không có nghĩa là cứ phải to cao mới đá bóng hay. Hai đội vào chung kết Asian Cup 2023 chỉ xếp lần lượt ở thứ hạng 15 (Jordan) và 17 (Qatar) trên tổng số 24 đội ở thông số về chiều cao. Ở chiều ngược lại, đội có chiều cao tốt thứ hai - Trung Quốc cũng nhanh chóng ra sân bay với ba trận vòng bảng nhạt nhòa.

Nhưng như đã nói, nền tảng thể chất không chỉ có mỗi chiều cao cân nặng. Muốn khỏa lấp bất lợi về mặt chiều cao, cầu thủ cần phải thể hiện vượt trội ở những khía cạnh khác. Trở lại câu chuyện của cầu thủ Việt Nam, việc cải thiện tầm vóc, hay rộng hơn là nâng cao nền tảng thể chất cho cầu thủ không phải chuyện có thể thực hiện trong một sớm một chiều.

Muốn nâng cao tầm vóc, thể chất của cầu thủ Việt, cần làm tốt từ công tác đào tạo trẻ, hay chính xác hơn là tuyển chọn nguồn cầu thủ đầu vào. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng và tập luyện cũng rất quan trọng. Cách “đi tắt đón đầu” để giải bài toán thể hình, thể lực có lẽ là tích cực tìm kiếm nguồn cầu thủ Việt kiều - như trường hợp của Nguyễn Filip. 

Nền tảng nào cho sự phát triển của ĐT Việt Nam 2
Việt Anh là cầu thủ hiếm hoi của ĐT Việt Nam có thể hình tốt

Tuy vậy, cách thức này không phải giải pháp lâu dài. Và như đã nói, thể chất mới chỉ là bài toán đầu tiên trong quá trình xây dựng và phát triển một đội bóng. Một nền tảng thể chất đủ tốt phải là cơ sở để cầu thủ bồi đắp nền tảng kỹ chiến thuật thực chiến.

Nền tảng kỹ chiến thuật

Không biết từ bao giờ, người hâm mộ Việt Nam bị gieo vào tiềm thức quan điểm rằng cầu thủ Việt Nam “có kỹ thuật tốt dù không sở hữu thể hình to cao”. Đây là lối nhận xét thiếu cơ sở, đầy tính cá nhân và hết sức phiếm diện. “Kỹ thuật” trong bóng đá bao hàm gần như mọi hoạt động, chuyển động của cầu thủ trong trận. Di chuyển, chuyền, nhận hay phá bóng...tất cả đều phản ánh kỹ thuật cá nhân của người thực hiện.

Điều tích cực (duy) nhất của ĐT Việt Nam sau Asian Cup 2023, như phần đa người hâm mộ nhận xét là…khả năng đỡ bước một của cầu thủ. Mỉa mai thay, một nền bóng đá đặt mục tiêu dự World Cup trong tương lai gần, lại "được" khen là có tiến bộ ở một trong những kỹ thuật cơ bản, nếu không muốn nói là sơ đẳng nhất của bóng đá.

Kỹ thuật của từng cầu thủ sẽ quyết định chất lượng từng pha bóng của cá nhân ấy, đó là phòng ngự - tấn công tới kiểm soát - phản công. Chiến thuật, dù cao siêu hay đơn giản được vận hành ra sao, sẽ phụ thuộc vào kỹ thuật của từng cá nhân trong đội bóng.

Nền tảng nào cho sự phát triển của ĐT Việt Nam 3
ĐT VIệt Nam vẫn còn thi đấu thiếu định hướng ở Asian Cup 2023

Sau Asian Cup 2023, HLV Troussier bị chỉ trích bởi ý đồ thi đấu “tấn công, kiểm soát bóng” của ông không mang lại thành tựu so với lối chơi phòng ngự phản công vốn bị coi là “thiếu tính tổ chức” (nhưng mang lại chiến thắng) của người tiền nhiệm. Trước đi đi sâu vào vấn đề, cần làm rõ hai định nghĩa. Liệu “tấn công, kiểm soát bóng” là gì và thế nào là “phòng ngự phản công”?

Ngay cả những đội bóng vốn tôn thờ lối đá tấn công như Hà Lan, Tây Ban Nha cũng không thể nào xua quân dồn ép đối thủ trong suốt cả trận và ngược lại. Câu chuyện không phải là HLV áp dụng chiến thuật nào cho đội bóng, mà cầu thủ sẽ làm gì khi có bóng. Khi không có bóng di chuyển ra sao hay mục tiêu của từng đường bóng là gì.

Trong bài phỏng vấn với tờ Qoly của Nhật Bản, tân HLV Daiki Iwamasa của Hà Nội FC có nhận xét rằng cầu thủ Việt Nam chưa thể tạo thành một khối đội hình hướng đến khung thành đối phương. Tại Asian Cup, ĐT Việt Nam cũng chỉ biết “kiểm soát bóng” theo cách “luân chuyển bóng” chứ chưa thể đưa bóng đến khung thành đối thủ. 

comment leftTrước Nhật Bản, ĐT Việt Nam luân chuyển bóng và có ý thức về việc dùng các đường chuyền kết nối với nhau, có thể nói họ chiến đấu tốt. Tuy nhiên, kiểm soát bóng của Việt Nam chỉ là luân chuyển bóng thôi, chứ chưa thể hướng đến khung thành đối phương.
Daiki Iwamasa - HLV Hà Nội FC
comment right

Nói cách khác, ĐT Việt Nam thiếu đi định hướng thi đấu cụ thể, nên cầu thủ không biết làm gì ngay cả khi có bóng trong chân. Con người của ĐT Việt Nam cũng chưa đủ hoàn thiện (về mặt kỹ thuật) để phục vụ toan tính chiến thuật.

Muốn nâng cao sức cạnh tranh của cầu thủ, trước hết cần cải thiện hai nền tảng trên. Và muốn làm điều đó, cầu thủ cần một nền tảng thi đấu cũng như đào tạo “có định hướng”.

Cần định hướng để xây dựng nền tảng

Để cải thiện nền tảng của cầu thủ Việt Nam cần sự chung tay của cả một hệ thống bóng đá. Cội rễ cho sự phát triển của một đội tuyển phải nằm ở công tác đào tạo trẻ. Ngay từ quá trình tuyển trạch, đào tạo ban đầu, cần xác định rõ đâu là định hướng thi đấu của đội tuyển, qua đó mới có thể rèn giũa từng mầm non của một nền bóng đá. Phát triển thể hình, sức mạnh thể chất cần và phải lãnh nhiệm vụ đi đầu trong hành trình “gõ đầu trẻ”.

Sau đó, tới độ tuổi chuyên nghiệp, cầu thủ phải được làm quen, hay thậm chí là “nhồi vào đầu” định hướng thi đấu ở cấp độ ĐTQG. Tín hiệu đáng mừng là ngày càng nhiều đội V.League từ bỏ lối triển khai bóng theo kiểu phất dài cho tiền đạo ngoại chạy chỗ ghi bàn. Thay vào đó, các đội đã có xu hướng đá kiểm soát, triển khai bóng từ sân nhà.

Nền tảng nào cho sự phát triển của ĐT Việt Nam 4
Các đội bóng V.League cần làm tốt hơn việc phát triển cầu thủ

Quãng thời gian HLV ĐTQG làm việc cùng cầu thủ rất ngắn và ngắt quãng, chính vì thế, các CLB cần đảm bảo rằng cầu thủ của mình phải làm tốt từ những yêu cầu nhỏ nhất. Thậm chí, giải VĐQG, nhỏ hơn là các CLB, nên tạo ra một môi trường tương đồng với ĐTQG. Như vậy, mỗi đợt hội quân, cầu thủ sẽ nhanh chóng và dễ dàng tiếp thu những ý đồ và định hướng chiến thuật từ HLV.

Thực tế, Thai League đã làm rất tốt điều này khi các CLB hàng đầu Thái Lan đều hỗ trợ rất tốt cho ĐTQG. Không phải ngẫu nhiên, ĐT Thái Lan vẫn là đội bóng số 1 Đông Nam Á suốt thời gian qua. Thành tích của hai đội trong vòng 5 năm trở lại đây đang nghiêng về phía Việt Nam, nhưng nếu đặt sức mạnh của hai đội tuyển (hay hai nền bóng đá lên bàn cân), Thái Lan vẫn vượt trội hoàn toàn.

Muốn có thành công thì cần có cả nền tảng lẫn định hướng và cả hai đều đòi hỏi thời gian. Mong rằng trong năm mới Giáp Thìn, ĐT Việt Nam - hay rộng hơn là cả nền bóng đá nội sẽ dần tháo gỡ từng vấn đề để bóng ma quá khứ thôi ám ảnh.

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X