Thứ Năm, 28/03/2024Mới nhất
Zalo

Màn trình diễn của những cầu thủ Việt xuất ngoại trước Quang Hải

Chủ Nhật 03/07/2022 07:02(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Trước Quang Hải, có không ít cầu thủ Việt Nam chọn ra nước ngoài thi đấu nhưng phần lớn trong số đó không đạt thành công như mong đợi.

Không phải cầu thủ đầu tiên xuất ngoại nhưng bản hợp đồng của Quang Hải với Pau FC lại nhận được rất nhiều sự quan tâm từ người hâm mộ. Sự quan tâm ấy là hết sức dễ hiểu nếu nhìn vào những bản hợp đồng ra nước ngoài thi đấu của cầu thủ Việt Nam trước đây.

1. Lê Công Vinh 

Năm 2009, Công Vinh khiến người hâm mộ bất ngờ khi cập bến CLB Leixoes theo bản hợp đồng 4 tháng. Bất chấp những thiệt thòi về thể hình, sức mạnh, Công Vinh vẫn biết cách gây ấn tượng với HLV trưởng nhờ tầm quan sát chiến thuật tốt, khả năng di chuyển hay.

Ngày 4/10/2009, Công Vinh trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu tại một giải VĐQG tại châu Âu khi đá trọn 90 phút trong chiến thắng của Leixoes trước UD Leiria. Dù chỉ ghi được 1 bàn sau thời gian khoác áo đội bóng Bồ Đào Nha nhưng chuyến xuất ngoại tới bán đảo Iberia để lại nhiều bài học giá trị cho Công Vinh, nhất là ở thái độ thi đấu, luyện tập.

Màn trình diễn của những cầu thủ Việt xuất ngoại trước Quang Hải 1
Công Vinh từng khoác áo CLB Leixoes tại Bồ Đào Nha

Leixoes không phải đội bóng nước ngoài duy nhất Công Vinh khoác áo. Năm 2013, tiền đạo này ký hợp đồng 4 tháng với Consadole Sappro (thời ấy còn đá tại J.League 2). 4 bàn thắng cùng 2 đường kiến tạo sau 11 trận đấu của Công Vinh khiến ban lãnh đạo Consadole hài lòng. Đội bóng này đề xuất bản hợp đồng 2 năm với Công Vinh nhưng tiền đạo này đã từ chối.

2. Nguyễn Công Phượng

Sau màn trình diễn ấn tượng ở các giải đấu trẻ, Công Phượng được gửi đi "du học" và Mito Hollyhock của Nhật Bản là điểm đến đầu tiên. Phải chờ tới hơn nửa năm, tiền đạo sinh năm 1995 mới có trận đấu đầu tiên cho Mito khi được HLV tung vào sân ở phút 87.

Sau những ngày tháng đáng quên tại xứ Mặt trời, Công Phượng một lần nữa xuất ngoại vào năm 2019, bến đỗ lần này là Incheon United. Tuy vậy, cầu thủ sinh năm 1995 chỉ có 5 lần ra sân và sớm nói lời chia tay với đội bóng Hàn Quốc để gia nhập STVV của Bỉ.

Màn trình diễn của những cầu thủ Việt xuất ngoại trước Quang Hải 2
Dù là Incheon United, Mito Hollyhock hay Sint- Truidense, Công Phượng đều không để lại dấu ấn

Một lần nữa, chuyến xuất ngoại của Công Phượng không đạt được kết quả như mong muốn khi không cạnh tranh được tại đội dự bị của STVV. Tổng cộng, những gì Công Phượng "tích lũy" được sau ba chuyến xuất ngoại chỉ là 20 trận đấu cùng 909 phút ra sân và 1 bàn thắng.

3. Lương Xuân Trường

Không chỉ có Công Phượng khoác áo Incheon United mà một đồng đội của cầu thủ này là Lương Xuân Trường cũng có thời gian thi đấu cho đội bóng xứ Hàn. Tiền vệ sinh năm 1995 trở thành cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên khoác áo Incheon United kể từ năm 1986.

Giống với Công Phượng (sau này), Xuân Trường không để lại bất cứ dấu ấn nào trong những ngày tháng khoác áo Incheon United. Thậm chí khi chuyển tới Gangwon, cầu thủ này cũng không được HLV trọng dụng và chỉ ra sân vỏn vẹn 1 lần.

Màn trình diễn của những cầu thủ Việt xuất ngoại trước Quang Hải 3
Dù có màn thể hiện tốt, Xuân Trường cũng không thể trụ lại Buriram

Buriram United là đội bóng hiếm hoi Xuân Trường có cơ hội cạnh tranh một vị trí đá chính. Trong thời gian thi đấu cho "gã nhà giàu" Thái Lan, tiền vệ quê Tuyên Quang ra sân 9 lần, có 1 bàn thắng cùng 1 kiến tạo, nhưng như vậy là chưa đủ để thuyết phục ban lãnh đạo Buriram.

4. Nguyễn Tuấn Anh

Tính riêng trong năm 2016, bầu Đức đã để ba cầu thủ xuất sắc của HAGL đi "tu nghiệp" của nước ngoài, trong đó Tuấn Anh mới là người xuất ngoại sớm nhất, trước cả Công Phượng hay Xuân Trường. Quãng thời gian đầu tại Yokohama FC, Tuấn Anh ít nhiều để lại dấu ấn, trong đó có bàn thắng trong khuôn khổ Cup Hoàng đế Nhật Bản.

Màn trình diễn của những cầu thủ Việt xuất ngoại trước Quang Hải 4
Tuấn Anh không thể hiện được nhiều trong màu áo Yokohama FC

Đáng tiếc là chấn thương gối hồi tháng 10/2016 khiến Tuấn Anh không được Yokohama FC gia hạn hợp đồng. Sau đó, sự nghiệp của tiền vệ quê Thái Bình liên tục bị gián đoạn bởi chấn thương và cầu thủ này chỉ thi đấu cho HAGL sau khi rời Yokohama FC.

5. Đoàn Văn Hậu

Sự nghiệp Văn Hậu thăng tiến cực kỳ nhanh và đạt được nhiều thành tích đáng kể dù tuổi đời còn rất trẻ. Năm 19 tuổi, cầu thủ của CLB Hà Nội đã là trụ cột của ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup. Không lâu sau khi đón sinh nhật tuổi 20, Văn Hậu chuyển tới thi đấu cho SC Heerenveen.

Tại Hà Lan, Văn Hậu được CLB tạo điều kiện để làm quen với môi trường bóng đá nước sở tại. Cầu thủ sinh năm 1999 ăn tập cùng đội U21, U23 và được ra sân tại cup QG Hà Lan. Chỉ sau khoảng ba tháng thi đấu tại Heerenveen, Văn Hậu tiến bộ rất nhanh và thể hiện phong độ ấn tượng ở SEA Games 30.

Màn trình diễn của những cầu thủ Việt xuất ngoại trước Quang Hải 5
Chuyến xuất ngoại tới SC Heerenveen của Văn Hậu kết thúc trong nhiều nuối tiếc

Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ với Văn Hậu cho tới đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, hệ thống giải Hà Lan đóng băng và toàn bộ cầu thủ gần như phải ngừng mọi hoạt động tập luyện. Hợp đồng cho mượn hết hạn, Văn Hậu trở lại CLB Hà Nội trong nhiều tiếc nuối của người hâm mộ. 

6. Đặng Văn Lâm

Ít ai biết rằng Văn Lâm từng thi đấu ở khá nhiều đội bóng nước ngoài trước khi thật sự gây được tiếng vang trong màu áo CLB Hải Phòng. Năm 2019, Muangthong United bỏ ra số tiền lên tới 500 nghìn USD để chiêu mộ Lâm "tây" theo bản hợp đồng 3 năm.

Tại Muangthong, Văn Lâm đã chứng minh được năng lực thực sự khi trở thành sự lựa chọn số 1 của Muangthong trong suốt hai mùa giải. Năm 2021, Văn Lâm chuyển tới khoác áo đội bóng chơi tại J.League 1 là Cerezo Osaka và trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu ở hạng cao nhất bóng đá xứ Mặt trời mọc.

Màn trình diễn của những cầu thủ Việt xuất ngoại trước Quang Hải 6
Đặng Văn Lâm không thể cạnh tranh suất bắt chính tại Cerezo Osaka

Tưởng như chuyển tới Cerezo sẽ là bước tiến trong sự nghiệp của Văn Lâm nhưng sự thật lại không như mong đợi. Thủ môn sinh năm 1993 từ chỗ trụ cột của Muangthong trở thành sự lựa chọn thứ 3 trong khung gỗ Cerezo Osaka và gần như không có cơ hội ra sân.

7. Nguyễn Hữu Khôi

Nếu lấy danh hiệu tập thể làm thước đo cho sự thành công của một cầu thủ thì Nguyễn Hữu Khôi mới là người thành công nhất khi thi đấu ở nước ngoài. Tiền đạo sinh năm 1991 góp công lớn trong chức vô địch giải hạng 4 Hàn Quốc của Siheung City năm 2021 trước khi trở về Việt Nam khoác áo Quảng Ninh.

Màn trình diễn của những cầu thủ Việt xuất ngoại trước Quang Hải 7
Nguyễn Hữu Khôi là cầu thủ Việt Nam duy nhất giành chức vô địch ở nước ngoài

Thành công khi thi đấu ở Hàn Quốc nhưng Hữu Khôi không thể tìm chỗ đứng trong màu áo một đội bóng mạnh ở V.League. Sau khi Than Quảng Ninh giải thể, Hữu Khôi trở lại phố biển Nha Trang khoác áo CLB Khánh Hòa thi đấu ở giải hạng nhất năm 2022.

Có thể thấy việc xuất ngoại thi đấu là thử thách lớn với mọi cầu thủ. Quang Hải cũng không ngoại lệ, tuy vậy, trong "nguy" luôn có "cơ" và với công tác chuẩn bị kỹ càng, tiền vệ sinh năm 1997 được kỳ vọng sẽ thành công trong màu áo Pau FC.

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X