Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Lượt đi V-League 2013: Khán giả đừng là hiện tượng

Thứ Năm 06/06/2013 17:53(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

V-League khép lại nửa chặng đường với nhiều tín hiệu mừng lo lẫn lộn. Khán giả đến sân đông hơn, chất lượng bóng đá có tiến triển, những sự cố lớn ít hơn, sự trở lại của các đội bóng không chỉ được đầu tư bằng tiền, mà mang theo cả giá trị cộng đồng. Nhưng nhìn tổng thể, con đường chuyên nghiệp thật sự của bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều gập ghềnh khúc khuỷu.

Đang nổi lên như là kẻ ngổ ngáo nhất, Đồng Nai đang tô điểm thêm phần thi vị cho V-League 2013. Một trong những lý do quan trọng góp phần làm nên chiến tích bất ngờ của đội bóng miền Đông Nam Bộ đến lúc này chắc chắn là “Cầu thủ thứ 12”.

Các khán đài V-League kín chỗ hy vọng không chỉ là hiện tượng nhất thời
Các khán đài V-League kín chỗ hy vọng không chỉ là hiện tượng nhất thời

1. Trong những trận đấu ở Đồng Nai tại Biên Hòa mùa này, chưa bao giờ lượng khán giả đến sân dưới một vạn người. Nếu sự tồn tại của bóng đá gắn liền với cổ động viên thì sân Đồng Nai là mơ ước của rất nhiều đội bóng ở Việt Nam. Khán giả Đồng Nai nhiệt thành đến nỗi, do không có dàn đèn nên các trận đấu phải diễn ra lúc trời còn nắng gắt (khoảng 15h30), nhưng để có cho mình một chỗ ngồi đẹp, từ trước đó cả tiếng đồng hồ, nhiều cổ động viên đã rồng rắn đến sân và có người đã say nắng đến ngất xỉu.

Sự nhiệt tình đó của người hâm mộ giúp thầy trò huấn luyện viên Trần Bình Sự không ít lần thăng hoa trên mặt sân này. Thành tích của Đồng Nai hết lượt đi với một vị trí an toàn trên bảng tổng sắp phần lớn nhờ vào điểm tựa sân nhà. Ông Trần Bình Sự không ngần ngại cho biết: “Đội bóng Đồng Nai có được thành tích tốt hiện nay phần lớn cũng nhờ sự động viên của khán giả. Nếu không có các cổ động viên cổ vũ, chắc chắn Đồng Nai khó mà có thành tích như hôm nay”.

Với một tập thể không ngôi sao và kinh phí ít ỏi, Đồng Nai phải dựa vào sức mạnh tinh thần từ nhiều nguồn để đứng vững trên đôi chân của họ. Thế nhưng, đã có những biểu hiện đuối hơi của đội bóng này trong giai đoạn cuối lượt đi. Bằng chứng là việc để thua đối thủ trực tiếp Kiên Long Kiên Giang 1-2 trên sân nhà mới nhất. Đó là trận thua thứ hai của thầy trò ông Sự trên sân nhà ở lượt đi. Những trận thua có thể làm giảm lượng cổ động viên.

Một cổ động viên của Đồng Nai cho biết: “Hoạt động của cổ động viên Đồng Nai chủ yếu là tự phát. Cứ mỗi trận đấu trên sân nhà, nhiều người lại í ới gọi nhau đến sân để xem cho vui chứ chưa có ý thức gì cổ vũ cho đội nhà. Chính vì tự phát nên nếu đội bóng có thành tích tốt thì khán giả đến sân ngày càng đông. Như trận đấu với Becamex Bình Dương, khán giả ngót nghét kín sân với hai vạn người. Nhưng sau trận thua B.BD, khán giả cũng đến sân ít đi trùng với thành tích đi xuống của câu lạc bộ”.

Trường hợp của sân Đồng Nai cũng không có gì lạ với bóng đá Việt Nam. Năm ngoái, một đội bóng đang chơi ở V-League là Tập đoàn cao su Đồng Tháp cũng phải chứng kiến cảnh khán đài trống trơn khi thành tích thi đấu không như mong đợi. Sau những trận thua và hòa liên tiếp cuối mùa giải, thầy trò huấn luyện viên Trần Công Minh phải chơi trên sân nhà vắng lặng. Từ chỗ khán đài có khi chật kín với hai vạn người xem/trận, cuối mùa giải mỗi trận đấu của TĐCS.ĐT ở Cao Lãnh chỉ có khoảng 3.000-5.000 khán giả. Năm đó, TĐCS.ĐT cay đắng chia tay V-League. Ở Đồng Tháp, người hâm mộ có hẳn một hội cổ động viên chuyên nghiệp, nhưng không cứu vãn được thành tích đội nhà, khác hẳn với sự tự phát của người Đồng Nai.

2. Mới đây, những ai chứng kiến câu lạc bộ Kawasaki Frontale đến Bình Dương đá giao hữu mới thấy được nhiều điều đáng học hỏi từ các cổ động viên Nhật Bản. Dù là một trận giao hữu xa xôi không nhiều ý nghĩa, vẫn có khoảng 70 cổ động viên lặn lội theo đội nhà. Và dù chỉ có 70 cổ động viên, họ thực sự đã khiến cổ động viên chủ nhà phải lép vế hoàn toàn về khoản khuấy động cuộc chơi.

Đội bóng Nhật mang bản sắc chuyên nghiệp từ sân cỏ đến khán đài. Thành công của bóng đá Nhật đến từ mối quan hệ tương hỗ giữa câu lạc bộ và cổ động viên. Đội bóng tôn trọng khán giả bằng cách chơi hết mình và tất nhiên, sẽ được người hâm mộ bù đắp xứng đáng. Ở khoản chuyên nghiệp, do thua xa người Nhật nên bóng đá Việt Nam phải mời chuyên gia Nhật sang để cố vấn. Dù đã chuyên nghiệp chục năm qua, nhưng sân Đồng Nai vẫn chưa có dàn đèn. Thế nên, cầu thủ và cổ động viên vẫn phải phơi mình dưới cái nắng nóng như thiêu đốt hoặc đội mưa để thử thách bản thân trong các trận đá bóng. Không những thế, chất lượng mặt sân, phòng thay đồ nhỏ hẹp cũng như các khán đài sân Đồng Nai là điều khiến ai cũng phàn nàn. Sắp tới đây, sân Đồng Nai sẽ có dàn đèn hiện đại nhất Việt Nam với giá trị đến 20 tỉ đồng. Nhưng CĐV chắc gì đã đến sân đông hơn khi lượt về diễn ra trong thời điểm mùa mưa, khán đài A có cũng như không. 

Hy vọng các cổ động viên Đồng Nai không vì sự thiếu chuyên nghiệp của những người làm bóng đá tỉnh nhà mà quay lưng với câu lạc bộ. Nếu tình yêu bóng đá và sự tự phát của cổ động viên Đồng Nai không được duy trì bằng hình ảnh các khán đài chật kín ở lượt đi, thầy trò huấn luyện viên Trần Bình Sự cũng khó ca khúc khải hoàn cuối mùa giải.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X