Thứ Năm, 28/03/2024Mới nhất
Zalo

Ljupko Petrovic: Tân HLV của Thanh Hoá và ký ức vô địch C1 bị lãng quên

Thứ Hai 05/12/2016 19:47(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h.vn) – Tháng 10/1990, giữa cái lạnh cắt da cắt thịt chỉ khoảng 5 độ C tại Belgrade, Walter Smith, trợ lý của CLB Rangers (Scotland), người đã HLV trưởng Graeme Souness cử đến thành phố lớn bậc nhất của Liên bang Nam Tư này, đã đến xem giò Sao Đỏ Belgrade dưới sự dẫn dắt của HLV Ljupko Petrovic, trước thềm cuộc đối đầu giữa hai đội tại vòng 2 cúp C1 châu Âu. Smith trở lại Glasgow, thủ phủ của Scotland, ít ngày sau đó, với báo cáo ngắn gọn: “Chúng ta xong đời rồi.”

Và Walter Smith đã không sai.

Với sự sụp đổ của “Bức màn sắt”, một ranh giới chia cắt hai miền Đông và Tây Âu, vào những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, rất nhiều cầu thủ cũng như các đội bóng xuất chúng đã bị lãng quên trong lịch sử bóng đá thế giới, vốn được hình thành chủ yếu dựa trên quan điểm và những ghi chép của phương Tây. Đơn giản bởi giữa thời buổi loạn lạc ấy, những người chép sử thường không có dịp chứng kiến các đội bóng Đông Âu thi đấu.

Ljupko Petrovic Tan HLV cua Thanh Hoa va ky uc vo dich C1 bi lang quen hinh anh goc
Sao Đỏ Belgrade những năm 90, 91 là tập hợp của những cầu thủ tài năng

Một trong những đội bóng đó là Sao Đỏ Belgrade (Red Star Belgrade), đội đã đánh bại Marseille, đội bóng được coi là dải ngân hà của những năm đầu thập niên 90, trong trận chung kết diễn ra tại Bari, Italia năm 1991. Thật là lạ lẫm khi chúng ta nói rằng một đội bóng từng vô địch cúp C1 châu Âu (nay là Champions League) lại bị rơi vào quên lãng trong sử sách, nhưng Sao Đỏ vẫn là một ví dụ tiêu biểu.

Nếu chúng ta thử Google theo từ khoá “những CLB bóng đá hay nhất mọi thời đại”, kết quả sẽ cho ra những kết quả như Real Madrid của những năm 1960, lối chơi tấn công tổng lực của Ajax những năm 70 hay Liverpool của Bob Paisley, AC Milan của Arrigo Sacchi. Cùng lắm sẽ là sự hiện diện của Celtic năm 1967 hay Nottingham Forest những năm 79, 80. Nhưng tuyệt nhiên sẽ không có bất cứ một dòng nào dành cho Sao Đỏ Belgrade của Ljupko Petrovic giai đoạn 1990/91. Đáng nhẽ ra, họ phải được nhớ đến như là biểu tượng khẳng định bóng đá Đông Âu có thể làm được những điều kỳ vĩ như thế nào.

Những nhà chuyên môn đã từng theo dõi Sao Đỏ thi đấu thời điểm đó đã nhận định rằng lối chơi của họ có nhiều điểm tương đồng với gegenpressing mà Barcelona, Borussia Dortmund, Bayer Leverkusen hay Liverpool đang sử dụng ở thời điểm hiện tại. Họ tạo ra áp lực cực lớn lên đối thủ ngay từ tuyến giữa và khi cướp được bóng, sẽ tổ chức phản công nhanh nhất có thể.

Sao Đỏ là đội bóng từng có sự phục vụ của Miodrag Belodedici, một libero từng được đặt biệt danh là “chú hươu” vì những cú tắc bóng hết sức mềm mại và thanh tao. Belodedici là cầu thủ đầu tiên đoạt hai chức vô địch châu Âu ở hai đội bóng khác nhau vì trước đó anh cũng từng giúp Steaua Bucharest đánh bại Barcelona tại chung kết cúp C1 năm 1986. Sau đó Belodedici đã quyết định chạy trốn khỏi quê hương Romania và chế độ độc tài Nicolae Ceausescu tàn ác, để chuyển sang Belgrade đầu quân cho Sao Đỏ, nơi anh trở thành trụ cột hàng thủ đội bóng Serbia.

Ljupko Petrovic Tan HLV cua Thanh Hoa va ky uc vo dich C1 bi lang quen hinh anh goc 2
Tiền vệ Prosinecki với chiếc cúp C1 trên tay

Một trong những cầu thủ không thể quên của Sao Đỏ chính là Robert Prosinecki, tiền vệ tấn công có kỹ thuật và nhãn quan tuyệt vời. Anh được coi như là cầu thủ tài năng nổi trội hơn cả so với 21 cầu thủ còn lại trong đội, để rồi nhanh chóng chuyển đến Real Madrid và Barcelona những năm sau đó. Prosinecki là sợi dây kết nối hiệu quả với cặp tiền đạo Dejan Savicevic và Darko Pancev, những người về thứ hai ở cuộc đua giành Quả bóng vàng châu Âu năm 1991, chỉ sau sát thủ Jean-Pierre Papin.

Savicevic nổi tiếng khi anh đi vào ngôi đền của những huyền thoại tại AC Milan, nhưng trước đó, tiền đạo này cũng đã chứng minh tốc độ tuyệt vời và khả năng sáng tạo khi được chơi bên cạnh Pancev, người được mệnh danh là một chú rắn hổ mang bành vì khả năng dứt điểm chết choc. Pancev thậm chí đã vượt qua Papin để giành danh hiệu Chiếc giày vàng châu Âu năm 1991.

Mảnh ghép cuối trong đội hình tấn công tuyệt vời của Sao Đỏ những năm 1991 chính là Sinisa Mihajlovic, tiền vệ trái với khả năng sút phạt hiểm hóc và lối chơi không biết mệt mỏi. Mihajlovic có lẽ cũng là cái tên quen thuộc hơn cả với bóng đá đương đại khi ông là người duy nhất thành công trên cương vị HLV, theo người thầy Ljupko Petrovic.

Thanh Hoá bất ngờ chiêu mộ HLV từng vô địch C1
(Bongda24h.vn) – CLB FLC Thanh Hoá vừa bất ngờ công bố danh tính tân HLV trưởng của họ cho V.League 2017 và đó là một cái tên hết sức nổi tiếng trong quá khứ,...

Tuy nhiên, việc tập trung vào các cá nhân khi nói về thành công của Sao Đỏ năm 1991 là thiếu công bằng với những người còn lại. Họ là một tập thể gắn kết ở mọi góc gách, với tinh thần đồng đội hoà hợp đến từng chi tiết.

Mùa giải cúp C1 châu Âu 1990/91, họ khởi động chiến thắng với tổng tỷ số 5-2 trước nhà vô địch Thuỵ Sĩ, Grasshopper để hẹn gặp Glasgow Rangers tại vòng 2. HLV Graeme Souness, huyền thoại của Liverpool, khi đó đã rất cẩn trọng khi phải cử trợ lý bay dọc đường kính châu Âu để xem giò đội quân của HLV Ljupko Petrovic. Quyết định đó cuối cùng trở nên thừa thãi, bởi kết quả mà Walter Smith thu về là nhiệm vụ bất khả thi đối với Rangers.

Thời điểm đó, Rangers đang thống trị bóng đá Scotland và luôn kiểm soát mọi trận đấu mà họ tham gia. Nhưng Souness thừa nhận rằng điều đó đã biến mất ở hai lượt trận với Sao Đỏ. Ông hoàn toàn bất ngờ và giận dữ vì sự vượt trội về tài năng và kỹ thuật của đội bóng đến từ Liên Bang Nam Tư. Prosinecki là ngôi sao trong chiến thắng 3-0 trước 75 nghìn khán giả tại Marakana ở lượt đi trước khi hai đội hoà nhau nhẹ nhàng 1-1 tại Glasgow 2 tuần sau đó.

Sao Đỏ vào tứ kết và lần này, họ đón tiếp đối thủ nằm cùng bên bờ của Bức Màn Sắt, đương kim vô địch Đông Đức Dynamo Dresden. Ở trận lượt đi, cũng là màn ra mắt đầu trường châu Âu của tiền vệ Mihajlovic, cầu thủ khi đó mới 22 tuổi, đội quân của Ljupko Petrovic đã không cho đối thủ cơ hội nào với thắng lợi 3-0 trước 80 nghìn khán giả nhà, trước khi tái lập tỷ số tương tự ở trận lượt về.

Thế nhưng sức mạnh của Sao Đỏ mới thực sự được thừa nhận khắp châu Âu năm đó khi họ đánh bại gã khổng lồ Bayern Munich tại bán kết. HLV Petrovic đã chỉ đạo các học trò áp sát đối thủ ngay khi đối phương nhận bóng ở khu vực giữa sân, một cách cuồng nhiệt và không do dự. Ngược lại, mỗi khi có bóng, họ tạo ra lối chơi trực diện và luôn tạo ra nguy hiểm lên khung thành đối thủ. Trận lượt đi diễn ra đúng với toan tính của Petrovic khi các học trò của ông giành chiến thắng 2-1 tại Munich bằng hai pha phản công mẫu mực được kết thúc bởi Pancev và Savicevic.

Tuy vậy, “Hùm xám” Bayern Munich đã chứng minh bản lĩnh với việc dẫn trước Sao Đỏ 2-1 cho đến phút cuối cùng của trận lượt về, nhưng tình huống đá phản lưới nhà của đội trưởng Augenthaler cùng sai lầm từ thủ thành Aumann đã khiến họ gục ngã trước niềm vui vô bờ bến của khán giả Belgrade. Sao Đỏ đi đến trận chung kết tại Bari, Italia với tổng tỷ số 4-3, đối diện đội bóng của những siêu sao, Olympique Marseille.

Ljupko Petrovic Tan HLV cua Thanh Hoa va ky uc vo dich C1 bi lang quen hinh anh goc 3
Ljupko Petrovic và Sao Đỏ Belgrade lên ngôi vô địch châu Âu bằng chiến thuật đột phá

Thời điểm đó, đội bóng thành phố cảng lớn nhất nước Pháp sở hữu trong tay dàn sao gồm Abedi Pele, Chris Waddle, Jean-Pierre Papin, Jean Tigara và cả một cựu tiền vệ của Sao Đỏ, đó là Dragan Stojkovic. Đây là một nhiệm vụ được cho là bất khả thi đối với Sao Đỏ, đội bóng ở thời điểm đó chỉ là tập hợp của những cầu thủ đôi mươi.

Trước thách thức đến từ hàng công huỷ diệt của Marseille, HLV Ljupko Petrovic đã bất ngờ xoay ngoắt 180 độ để biến Sao Đỏ trở thành một đội bóng phòng ngự đổ bê tông và chờ đợi loạt đá penalty. Đây có lẽ được coi như là một trong những trận chung kết cúp châu Âu tẻ nhạt và buồn chán nhất lịch sử, khi hai đội bóng sở hữu nhiều cầu thủ tấn công xuất sắc, đều không tấn công.

Mọi người có thể cho rằng ông Petrovic đã có quyết định ngờ nghệch, bởi khả năng thắng penalty dựa nhiều vào may rủi thế nào. Nhưng nhà cầm quân khi đó mới chỉ 44 tuổi đã có lý nếu chúng ta biết rằng tất cả các trận đấu ở giải vô địch Liên bang Nam Tư, nếu có kết quả hoà, sẽ phải tiến đến loạt đá penalty để phân định đội thắng, thua. Nói cách khác, các cầu thủ của Sao Đỏ được tập luyện đá penalty mỗi ngày, mỗi tuần và hiểu rõ sức ép khi đặt trái bóng và dứt điểm ở khoảng cách 11 mét so với khung thành.

Chiến thuật đó đã phát huy tác dụng khi cả 5 cầu thủ của Sao Đỏ đều hoàn thành nhiệm vụ trên chấm penalty. Prosinecki, Binic, Belodedici, Mihajlovic và Pancev không mắc bất cứ sai sót nào để giúp Sao Đỏ Belgrade lần đầu tiên lên đỉnh châu Âu với tỷ số 5-3 trên loạt đá luân lưu. Đây được coi là chiến thắng lịch sử đối với bóng đá Đông Âu cũng như Liên ban Nam Tư, nếu biết rằng thời điểm đó tại vùng đất này diễn ra những sự kiện loạn lạc như thế nào.

Ljupko Petrovic Tan HLV cua Thanh Hoa va ky uc vo dich C1 bi lang quen hinh anh goc 4
HLV Ljupko Petrovic trong ngày ra mắt người hâm mộ bóng đá Việt Nam

Chiến tích của Sao Đỏ Belgrade cho thấy sự đoàn kết một lòng của họ, khi mà đất nước Nam Tư thực sự đang bị chia cắt. Nhưng đáng buồn thay, đội bóng ấy cũng bị xé lẻ trong năm sau đó. Người hâm mộ thậm chí còn không có dịp chứng kiến những người con ưu tú của họ thi đấu cho đội tuyển Liên bang Nam Tư khi đội bóng này bị loại khỏi EURO 1992 vào giờ chót, tất nhiên là bởi sự sụp đổ về mặt chính trị của đất nước này. Prosinecki chuyển tới Real Madrid còn Pancev, Mihajlovic và Savicevic cũng lần lượt đến Italia để đầu quân cho Inter, Roma và AC Milan. 6 cầu thủ khác cũng quyết định rời đội bóng và khiến cho Sao Đỏ Belgrade chỉ còn là dĩ vãng chỉ vài tháng sau khi họ lên đỉnh châu Âu.

Một kỷ nguyên mới đã kết thúc ngay khi nó chỉ vừa mới bắt đầu. Như một lẽ tất yếu, HLV Ljupko Petrovic cũng ra đi. Kể từ đó, ông đã đi qua tới cả chục đất nước, dẫn dắt gần hai chục đội bóng và nơi nào ông cũng chỉ gắn bó một hoặc cùng lắm là hai, ba năm. Đầu năm 2016, khi được Levski Sofia mời trở lại dẫn dắt, Petrovic được giới thiệu bởi chủ tịch đội bóng của Bungaria rằng: “Người đàn ông này liệu tôi có gần phải giới thiệu nữa không?”

Ljupko Petrovic, cho dù đã ở tuổi 69, nhưng ông vẫn được coi là một gã thợ hàn, đến bất cứ nơi nào trên thế giới để thực hiện một nhiệm vụ ngắn hạn, nhưng cụ thể và giàu tham vọng. “Ljupko” có thể thành công, có thể thất bại, nhưng uy tín của ông sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng. Những toan tính lịch sử trong trận chung kết cúp C1 châu Âu năm 1991 có thể đã bị vùi vào tro tàn của sự sụp đổ nơi bóng đá Đông Âu, song đó vẫn là một sự thật không thể chối cãi. Và giờ đây, Ljupko Petrovic có mặt tại mảnh đất xứ Thanh của đất nước hình chữ S xa xôi, cũng là để làm sống dậy lịch sử ấy. FLC Thanh Hoá đang sở hữu một chứng nhân lịch sử cùng một lời hứa hẹn về lối chơi bóng cống hiến tại V.League 2017 của những vị lãnh đạo đội bóng. Nghe thì hơi quá lạc quan nhưng với Ljupko Petrovic, hãy cùng chờ xem!

Hàn Phi – (Theo Thể Thao Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X