Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng thư ký LĐBĐ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phú đang đảm nhiệm vị trí Phó Ban Y học LĐBĐ Việt Nam và Trưởng phòng Y học thể thao LĐBĐ Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Phú được đánh giá là người có bề dày kinh nghiệm trong công tác quản lý khi từng đảm nhiệm các chức danh: Trưởng khoa Y học thể thao-Vật lý trị liệu, Bệnh viện Thể thao Việt Nam; Bí thư chi bộ các khoa Lâm sàng, Đảng bộ Bệnh viện Thể thao VN; Phó giám đốc Bệnh viện Thể thao; Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao.
Ông Nguyễn Văn Phú cũng được biết đến là một trong những cán bộ tham gia tích cực vào hoạt động bóng đá quốc tế trên vai trò Ủy viên Ban Y học LĐBĐ châu Á (AFC) và nhiều sự kiện chuyên môn về Y học thể thao trong nước và quốc tế. Ông Nguyễn Văn Phú chính thức bắt đầu công việc trên cương vị Tổng thư ký LĐBĐ Việt Nam từ ngày 23/11/2024 cho đến hết nhiệm kỳ của LĐBĐ Việt Nam khóa IX.
Ông Nguyễn Văn Phú làm Tổng thư ký LĐBĐ Việt Nam |
Cũng trong Đại hội, ông Trần Quốc Tuấn – Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam nhấn mạnh Đại hội Thường niên là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm tổng kết, đánh giá các công việc đã triển khai trong năm 2024, cũng như thông qua kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025 với quyết tâm triển khai hiệu quả các mục tiêu của bóng đá Việt Nam trên tinh thần Đại hội LĐBĐ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2022-2026): “Xây dựng nền bóng đá phát triển bền vững”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội LĐBĐ Việt Nam khóa IX nhiệm kỳ 2022- 2026, trong năm hoạt động 2024, Ban chấp hành, Thường trực BCH, các Tổ chức thành viên và các đơn vị trực thuộc LĐBĐVN đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, khắc phục khó khăn, lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động phát triển bóng đá, trong đó tập trung thực hiện 6 mục tiêu chính:
Một là: Tiếp tục bám sát và triển khai các nhiệm vụ trên cơ sở “Đề án phát triển bóng đá Việt Nam hướng đến World Cup 2026- 2030”, “Đề án phát triển bóng đá phong trào giai đoạn 2020- 2030” và Đề án “Chương trình mục tiêu phát triển nguồn lực (đào tạo VĐV) hướng tới Asian Cup 2027, World Cup 2030 và Olympic 2032” của LĐBĐVN.
Hai là: Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho phát triển bóng đá trẻ, bao gồm bóng đá nam, bóng đá nữ và futsal; tiếp tục nghiên cứu tăng cường số lượng trận đấu cho các cầu thủ trẻ, qua đó duy trì sự ổn định trong việc tạo nguồn lực kế cận cho các đội tuyển quốc gia.
Ba là: Tăng cường các giải pháp về chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao thành tích của các Đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia và các đội tuyển trẻ, Futsal… đạt thành tích tốt tại các giải đấu quốc tế.
Đại hội thường niên LĐBĐ Việt Nam |
Bốn là: Nâng cao chất lượng công tác tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp QG nhằm gia tăng giá trị cho các Giải đấu; tiếp tục phối hợp với FIFA để mở rộng áp dụng công nghệ VAR tại các giải đấu nhằm đảm bảo tính công bằng, chống các hiện tượng tiêu cực và nâng cao chất lượng chuyên môn. Việc tăng cường áp dụng công nghệ VAR tại các trận đấu là để đảm bảo tính chính xác và hỗ trợ các trọng tài trong việc điều hành, tạo sự công bằng cho các CLB trong quá trình thi đấu;
Năm là: Tiếp tục mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường hội nhập để tạo thêm nguồn lực cho phát triển bóng đá Việt Nam. Tập trung triển khai hiệu quả các nội dung trong Bản thỏa thuận hợp tác đã ký kết với các liên đoàn: Nhật Bản, Saudi Arabia, UAE, Qatar, LaLiga… nhằm tăng cơ hội phát triển về chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho bóng đá Việt Nam.
Sáu là: Tiếp tục chú trọng tăng cường các giải pháp để đảm bảo sự ổn định về nguồn tài chính cho các hoạt động bóng đá, đặc biệt là nguồn lực dành cho các Đội tuyển quốc gia với sự đầu tư có trọng điểm, nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn.