Thứ Năm, 19/09/2024Mới nhất
Zalo

Làn sóng Việt kiều có đủ để ĐT Việt Nam vươn tầm?

Chủ Nhật 11/08/2024 19:48(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
V.League 2024/25 hứa hẹn sẽ là mùa giải các Việt kiều được chú ý một cách đặc biệt cùng dấu hỏi về khả năng đóng góp cho ĐT Việt Nam trong tương lai.

Các Việt kiều đang trở về…

Sự xuất hiện của bộ đôi Patrik Lê Giang – Filip Nguyễn kể từ mùa giải 2023 là những tấm gương để các Việt kiều khắp nơi hy vọng vào một tương lai tươi sáng khi trở về quê hương thi đấu. Kể từ sau bộ đôi này, một vài đội bóng cũng đã trao cơ hội cho các cầu thủ có dòng máu Việt thử sức. Những cái tên như Ryan Hà, Lamothe Pierre, Viktor Le,… lần lượt nối gót bộ đôi kể trên để trình làng V.League. 

Kể từ mùa giải tới, VPF quyết định tăng số suất Việt kiều ở mỗi đội lên 2 cầu thủ. Điều này càng mở rộng cơ hội để các đội bóng tại V.League mạnh dạn hơn trong việc chiêu mộ những cầu thủ có gốc gác Việt Nam trở về quê hương thi đấu. 

Làn sóng Việt kiều có đủ để ĐT Việt Nam vươn tầm 1
Hiệu ứng từ Jason Quang Vinh Pendant có thể kéo thêm nhiều Việt kiều về nước thử sức

Bản hợp đồng mang tên Jason Quang Vinh Pendant giống như “phát súng hiệu” cho các Việt kiều sẽ tiếp tục đổ bộ về V.League. Hiện tại, cũng có rất nhiều đội bóng đang tiến hành thử việc các Việt kiều nhằm chuẩn bị lực lượng cho mùa giải mới. Một số cái tên tiêu biểu như Kaelin Nguyễn (Hải Phòng), Kean Trần (Thành phố Hồ Chí Minh), Legley Adou Minh (Hà Tĩnh),… 

Sự hiện diện của những cầu thủ này hứa hẹn sẽ đem lại một luồng gió mới cho V.League. Tuy nhiên, những đóng góp cụ thể mà họ có thể đem lại cho các đội bóng vẫn là một dấu hỏi tương đối lớn. 

Chất lượng chuyên môn của các Việt kiều?

Chính sách kêu gọi các Việt kiều về V.League đã có trong nhiều năm nay. Đã có những cái tên trở về thi đấu nhưng không nhiều trong số đó có thể để lại dấu ấn. Cái tên Việt kiều đọng lại trong tâm trí người hâm mộ nhiều nhất có lẽ là Lee Nguyễn. Thế nhưng, những màn tỏa sáng của cầu thủ từng chơi bóng tại MLS cũng đã lùi xa vào dĩ vãng cách đây gần chục năm. 

Kể từ sau Lee Nguyễn, những Việt kiều trở về và thực sự tỏa sáng chỉ nằm ở vị trí thủ môn như Văn Lâm – Filip Nguyễn – Patrik Lê Giang. Ngoài ra, không có bất kỳ cầu thủ nào chơi ở những vị trí phía trên thực sự tỏa sáng khi trở về Việt Nam thi đấu như cách mà Lee Nguyễn từng làm được. 

Hầu hết các Việt kiều chỉ chơi bóng ở những nền bóng đá không quá cao, ở những hạng đấu thấp (thường là hạng 2, 3 thậm chí là hạng 4 ở các quốc gia châu Âu). Họ chỉ thực sự nghĩ tới chuyện trở về Việt Nam khi không còn cơ hội phát triển thêm tại các giải đấu đó. 

Làn sóng Việt kiều có đủ để ĐT Việt Nam vươn tầm 2
Các cầu thủ Việt kiều về nước thử sức đã thực sự chất lượng hay chưa?

Chất lượng chuyên môn của họ cũng không cao so với mặt bằng chung của châu Âu hay so với các giải VĐQG hàng đầu châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Thậm chí, không ít Việt kiều có chuyên môn… “chẳng hơn” những cầu thủ diện “top 2” tại V.League. 

Nếu thực sự có chuyên môn tốt hơn nội binh, các Việt kiều vẫn gặp khó trong việc hòa nhập với văn hóa và điều kiện thi đấu, tập luyện tại V.League. Những cầu thủ trở về từ châu Âu vẫn đang gắn bó với Việt Nam như Mạc Hồng Quân, Martin Lò, Adriano Schmidt, Văn Lâm cũng cần ít nhất 2-3 mùa giải mới thực sự hòa nhập được với các cầu thủ bản địa cả trong tập luyện lẫn sinh hoạt hàng ngày. 

Trong quá khứ, khi chưa có suất riêng dành cho các Việt kiều chưa có quốc tịch, các cầu thủ này vẫn phải thi đấu với tư cách ngoại binh. Đương nhiên, nếu so với các cầu thủ đến từ châu Phi, Brazil, các Việt kiều thường chịu lép vế. Vì thế, các HLV có xu hướng sử dụng ngoại binh – những người có thể chất vượt trội và có thể “gánh team” ngay lập tức thay vì chờ đợi một Việt kiều phải mất 2-3 mùa giải mới có thể thích nghi và tỏa sáng. 

Việc tách biệt Việt kiều chưa có quốc tịch với ngoại binh là điều hợp lý để các đội bóng tìm kiếm, trao cơ hội và thời gian cho các cầu thủ “con lai” có thể thích nghi và hòa nhập với bóng đá Việt Nam. Điều này cũng giúp các Việt kiều yên tâm hơn khi trở về nơi họ coi là quê hương thứ hai để tìm kiếm cơ hội thi đấu và cống hiến cho ĐTQG khi hoàn tất các thủ tục xin nhập quốc tịch. 

Đội tuyển Việt Nam gia tăng sức mạnh?

“Những chiến binh Sao vàng” đã có những thay đổi tích cực trong lối chơi khi sở hữu Nguyễn Filip ở vị trí trấn giữ khung thành. Điều tương tự cũng có thể đến với cái tên Jason Quang Vinh Pendant. Tuy nhiên, một hai “cánh én” chưa thể làm lên mùa xuân. 

Việt Nam cần thêm rất nhiều những Nguyễn Filip hay Jason Quang Vinh Pendant để thực sự thăng hoa. Nhìn sang ĐT Indonesia, họ chỉ thực sự vượt qua Việt Nam khi có 2/3 đội hình là những cái tên trở về từ châu Âu. Dàn dự bị của họ cũng là những cầu thủ bản địa xuất sắc đang thi đấu cho những đội bóng hàng đầu Indonesia hay thậm chí là đã xuất ngoại chơi bóng. 

Bên cạnh việc phát huy nguồn “tài nguyên” sẵn có, bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn các Việt kiều trở về thi đấu tại V.League. Đây đang là điều kiện gần như bắt buộc để những cầu thủ này có thể xin nhập quốc tịch và đủ điều kiện thi đấu cho ĐT Việt Nam. 

Filip va Jason
HLV Kim Sang Sik cần nhiều hơn những Nguyễn Filip, Jason Quang Vinh Pendant

Chỉ khi có hàng chục, thậm chí hàng trăm Việt kiều về nước thi đấu, HLV Kim Sang Sik mới có thể sàng lọc và lựa chọn những cái tên đủ đẳng cấp, phù hợp với triết lý của mình lên chơi cho ĐT Việt Nam. Từ đó, sức mạnh của đội tuyển Việt Nam mới thực sự được củng cố và gia tăng trong cuộc đua với các đội tuyển trong khu vực trước khi mơ tới việc vươn ra châu lục cùng tấm vé tham dự VCK World Cup. 

Việc “mở cửa” để các Việt kiều trở về thi đấu tại V.League là tín hiệu đáng mừng, giúp nâng tầm V.League cũng như gia tăng sức mạnh cho ĐT Việt Nam trong tương lai gần. Thế nhưng, điều đó chỉ thực sự thành hiện thực nếu mọi bên liên quan cùng nhau chung tay thực hiện. Nếu không, việc các Việt kiều trở về thi đấu tại V.League cũng chỉ là một “cái mác”… cho oai.

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X