Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Lần đầu đá chính của Công Phượng ở Mito: Mờ nhạt thì đã sao?

Thứ Ba 02/08/2016 12:47(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong ngày có cơ hội được ra sân đá chính, Công Phượng đã nếm trải trọn vẹn sự khốc liệt của môi trường bóng đá đỉnh cao và có những bài học bổ ích.

Công Phượng xứng đáng... dự bị

Như vậy là cái ngày bao nhiêu CĐV Việt Nam trông đợi cuối cùng cũng đến, tiền đạo “con cưng” Công Phượng có trận đá chính đầu tiên trong màu áo CLB Mito Hollyhock tại vòng 26 của J-League 2. Sau gần 6 tháng có mặt trên đất Nhật Bản với vỏn vẹn chưa đầy 20 phút tính tổng số 3 lần vào sân từ băng ghế dự bị, cuối cùng Phượng đã có một lần đá chính. Và quả thật, sau màn trình diễn này người ta mới thấy đúng là Công Phượng xứng đáng... dự bị thật.

Để miêu tả một cách ngắn gọn và đầy đủ nhất về thứ bóng đá Công Phượng đang được nếm trải tại Mito Hollyhock, thì đó hình ảnh của các ĐT Việt Nam dưới thời HLV Toshiya Miura. Cũng như cựu thuyền trưởng tuyển Việt Nam, HLV Takayuki Nishigaya của Mito thuộc lớp những người tiếp thu triệt để tư tưởng bóng đá thực dụng của Châu Âu và áp dụng nó vào lối chơi của đội bóng.

Lan dau da chinh cua Cong Phuong Mo nhat thi da sao hinh anh
Mito Hollyhock chơi chặt chẽ và rất thực dụng

Mito với chất lượng cầu thủ thuộc vào diện trung bình ở J-League 2 nên họ cố gắng chơi một cách chặt chẽ nhất có thể và đưa bóng lên phía trên để phản công với tốc độ cao. Toàn đội luôn tích cực di chuyển và liên tục tranh chấp ở mọi vị trí. Sơ đồ sở trường của đội bóng này là 4-2-3-1. Ở trận đấu gặp đội áp chót Zweigen Kanazawa vừa qua, Công Phượng được xếp đá thay đội trưởng Keisuke Funatani và đúng với vị trí số 10 sở trường của anh.

Suốt trong hơn 50 phút có mặt trên sân, số lần có bóng của tiền đạo gốc Nghệ An đếm trên đầu ngón tay và anh chỉ kịp tung ra một cú sút vội vàng không trúng đích. Cũng dễ hiểu bởi với lối chơi như vậy của Mito thì cơ hội dành cho hàng công là cực hiếm chứ đừng nói tới một tiền đạo như Công Phượng. Trên thực tế, nếu xem đầy đủ toàn bộ trận đấu này sẽ dễ dàng nhận ra rằng Phượng cũng không quá tâm lý trong lần đầu đá chính mà chủ yếu do lối chơi chặt chẽ của cả Mito lẫn đối thủ.

Tuy vậy, cũng có thể dễ dàng nhận ra những điểm yếu của tiền đạo mang áo số 16 được bộc lộ trọn vẹn qua thời gian hiếm hoi anh được đá chính trên sân. Khi ở giải đấu “ao làng” như V-League, Phượng có nhiều thời gian cầm bóng vẽ vời nhưng còn chưa qua được các đàn anh kinh nghiệm hơn thì ở Nhật Bản mọi thứ khó khăn gấp bội phần.

Lan dau da chinh cua Cong Phuong Mo nhat thi da sao hinh anh 2
Công Phượng gặp khó khăn do thế trận chung của đội

Tình huống cựu tiền đạo HAGL bị phạm lỗi chỉ khoảng 2 giây sau khi vừa nhận bóng và đang bận nghĩ xem nên chuyền cho ai là minh chứng rõ nhất cho sự chênh lệch đẳng cấp. Trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp thực sư, tốc độ trận đấu diễn ra rất nhanh và điều đó đòi hỏi một cầu thủ phải có nền tảng thể lực dồi dào cũng như tư duy chơi bóng hiện đại. Đó là điều bóng đá Nhật Bản đang dạy cho Công Phượng.

Trớ trêu thay, khi Công Phượng vừa rời sân chưa lâu thì Mito Hollyhock liền có được 3 bàn thắng một cách khá dễ dàng. Điều này khiến cho những người không có cơ hội tiếp cận toàn bộ trận đấu đưa ra cách nhìn phiến diện rằng sự mờ nhạt của tiền đạo người Việt Nam gây ảnh hưởng lên lối chơi chung của toàn đội.

Trên thực tế, trước hay sau khi Công Phượng rời sân thì Mito vẫn duy trì lối chơi nhất quán như vậy. Hai bàn thắng đầu tiên của họ đến hoàn toàn theo tình huống, 1 bàn từ phạt góc cố định, một bàn là sai lầm cá nhân của cầu thủ đối phương, chứ không phải do sự thay đổi về thế trận.

Lan dau da chinh cua Cong Phuong Mo nhat thi da sao hinh anh 3
Anh phối hợp không ăn ý với người đá cặp Romero

Điều duy nhất Công Phượng nên cảm thấy buồn chính là cái cách tiền đạo đàn anh Kazuhiro Sato vào sân thay mình và tạo ảnh hưởng lên toàn đội. Cầu thủ 25 tuổi cho thấy sự kinh nghiệm cũng như nền tảng thể chất tuyệt vời khi góp công vào một bàn thắng và cũng trực tiếp ấn định tỷ số 3-0. Lúc Sato ghi bàn, camera của người Nhật đã rất tinh ý khi quay đến Công Phượng. Tất nhiên, vẻ mặt đó đượm buồn mặc dù xung quanh đồng đội và BHL của Mito đang ăn mừng.

Ở lại hay về nước?

Trận đấu này quả thực là minh chứng không thể rõ ràng hơn cho quyết định dùng người của HLV Nishigaya, rằng Công Phượng xứng đáng dự bị. Một cầu thủ đến từ nền bóng đá có đẳng cấp thấp hơn cần rất nhiều thời gian rèn luyện và làm quen với môi trường mới. Vào sân dần dần từ băng ghế dự bị sẽ là phù hợp nhất đối với Công Phượng vào lúc này. Trên thực tế nếu không có sự kiện mang tính quảng cáo là “ngày Việt Nam” ở tỉnh Ibaraki thì ngôi sao của U19 Việt Nam trước đây cũng sẽ chẳng được thử nghiệm như vậy.

Sau màn trình diễn này, giới truyền thông Việt Nam dù không kỳ vọng nhiều nhưng cũng tỏ ra khá thất vọng với sự thể hiện của Công Phượng. Những lời kêu gọi cầu thủ người Nghệ An về nước lại bắt đầu xuất hiện và rằng anh sẽ lại là ông hoàng nếu chơi tại V-League trong màu áo HAGL. Nhưng câu hỏi đặt ra là thống trị một giải đấu ao làng để làm gì khi trình độ chuyên môn gần như chẳng khác gì bóng đá “phủi” còn công tác tổ chức thì cực kỳ tệ hại. Đá chính trong một môi trường “độc hại” như V-League có lẽ còn chẳng bằng một phần của việc ngồi dự bị nhưng được tập luyện và học hỏi sự chuyên nghiệp của J-League 2.

Hơn thế nữa, Công Phượng còn rất trẻ và tiềm năng rất lớn. Chuyện một cầu thủ chân ướt chân ráo đến nền bóng đá cao cấp hơn lại được đá chính ngay có lẽ chỉ có trong viễn tưởng. Nhưng nếu kiên trì ở lại Mito chơi bóng, Phượng chắc chắn sẽ ngày càng học hỏi được nhiều hơn và trưởng thành hơn. J-League 2 là giải đấu có tới hơn 42 vòng và cơ hội ra sân cho Phượng vẫn còn rất nhiều, nhất là khi cuối mùa Mito có thể sẽ đạt mục tiêu trụ hạng.

Lan dau da chinh cua Cong Phuong Mo nhat thi da sao hinh anh 4
Thành công hay thất bại là nằm ở sự quyết tâm của Công Phượng

Nói rộng ra, đó là con đường chung cho cả những Tuấn Anh tại Yokohama FC và Xuân Trường tại Incheon United. Hiện tại họ chưa được tin tưởng cho đá chính, nhưng tất cả chỉ vì khả năng của họ chưa đủ mà thôi. Việc các sao trẻ của Việt Nam có thành công tại những nền bóng đá đẳng cấp cao hơn hay không, suy cho cùng, cũng chỉ chính bản thân họ mới trả lời được.

Không chỉ riêng Việt Nam, bóng đá thế giới chứng kiến rất nhiều trường hợp các thần đồng được ca ngợi “hoành tráng” nhưng sớm chết yểu khi phát triển lên con đường bóng đá đỉnh cao. Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường cũng có tiềm năng cực lớn và họ cũng đang phải đối mặt với thách thức thực sự trong sự nghiệp của mình. Trưởng thành hay quay về nước trong thất bại, đó là lựa chọn mà Công Phượng cũng như hai người đồng đội của mình phải gắng sức tìm ra đáp án.

Tường Minh

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X