Thứ Ba, 05/11/2024Mới nhất
Zalo

Kinh nghiệm quản lý ở các CLB bóng đá Việt Nam: Thành bại tại… CEO

Thứ Ba 02/10/2012 08:13(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Từ ngày BĐVN chuyển mình lên chuyên nghiệp, đã xuất hiện chức danh Giám đốc điều hành (CEO) ở các CLB. CEO trong làng bóng đá Việt có người làm tay ngang, có người được đào tạo bài bản… Nhưng thước đo cuối cùng vẫn là sự thành công của các CLB. Trong bối cảnh tài chính khó khăn hiện nay, rõ ràng CEO đóng vai trò quan trọng trong sự thành bại của cả đội bóng.

“Cánh tay nối dài”của các ông bầu

CEO là chữ viết tắt của Chief Executive Officer. Nói một cách dễ hiểu, CEO là người quản lý và điều hành cao nhất của một Công ty hay một tập đoàn kinh doanh. Và cụ thể trong bài viết này là các Công ty Cổ phần bóng đá (CPBĐ) chuyên nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Hội (trái) và ông Phạm Phú Hòa - hai trong số những CEO thành công nhất của bóng đá Việt Nam
Ông Nguyễn Quốc Hội (trái) và ông Phạm Phú Hòa - hai trong số những CEO thành công nhất của bóng đá Việt Nam

Ông Phạm Phú Hòa (Phó TGĐ Công ty CPBĐ chuyên nghiệp Việt Nam - VPF) cũng từng được xem là một CEO “tuổi trẻ tài cao” của ĐT.LA. Nói ông Hòa là “cánh tay nối dài” của bầu Thắng cũng chẳng sai. Hồi còn tại vị, ông Hòa gần như quản lý tất cả các công việc của ĐT.LA…

Nói về bí quyết thành công, ông Hòa tiết lộ: “Làm gì thì làm, đã là CEO thì phải có quyền hành trong tay, chịu trách nhiệm về mọi thứ, chứ không phải ông chủ cứ có tiền là can thiệp sâu vào công việc. Tôi cho rằng, mối quan hệ với cầu thủ cũng phải xác định đúng. Đặc biệt là chuyện lương, thưởng phải minh bạch, anh mà bùng nhùng sẽ khiến họ phân tâm, dẫn đến không chơi bóng được. Dĩ nhiên, CEO phải là người có tầm nhìn chiến lược cho đội bóng, chứ không phải làm kiểu tư duy ngắn ngày…”.

CEO thời… “bão giá”

Làm bóng đá phải có tiền, thậm chí rất nhiều tiền, nhưng không phải có tiền là mua được tất cả. Nói cách khác, thành công của một đội bóng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì đội bóng ấy vẫn cần phải được quản lý một cách hệ thống. Nói nôm na, CLB bóng đá cũng giống như một chiếc máy tính, cần lập trình khoa học.

Nhìn vào các đội bóng Việt Nam gần đây, dễ nhận thấy đứng đằng sau thành công ấy, ngoài các ông bầu, thì các nhà quản lý đóng một vai trò rất quan trọng. Khó có thể đúc kết được bí quyết thành công của những CEO nói trên, bởi BĐVN có những đặc thù riêng.

Tuy nhiên, tựu trung lại, việc quản lý đội bóng đã được nâng lên tầm nghệ thuật. Tức là để có được thành công, CEO phải có sự cộng hưởng của các yếu tố như: tính nhạy bén với thời cuộc, tầm nhìn chiến lược… Thậm chí, có CEO đạt được thành công là nhờ chiến thuật “tâm lí”, hay phép đắc nhân tâm và cách ứng xử trong văn hóa giao tiếp…

Nói về điều này, ông Nguyễn Quốc Hội (Chủ tịch CLB HN.T&T) từng thổ lộ: “Phải xác định, đội bóng là một ngôi nhà chung của tất cả mọi người. Tất nhiên, ngoài chuyện tiền bạc phân minh thì một nhà quản lý phải sắm vai người kết nối các thành viên lại với nhau, bởi đoàn kết chính là sức mạnh. Trong thời buổi khó khăn, tiêu một đồng của đội bóng cũng phải biết xót và coi như đó là tiền của mình. Đã qua rồi cái thời cứ thích là quăng tiền mua danh. Mọi giá trị phải được xây dựng trên nền tảng chắc chắn và CEO nhận trách nhiệm đưa bóng đá trở lại với đúng giá trị thật của nó”.

Trưởng đoàn bóng đá HA.GL, ông Nguyễn Tấn Anh thì cho rằng: “Trong thời buổi khó khăn, CEO rất quan trọng bởi họ đưa ra định hướng cho rất nhiều con người. Cá nhân tôi nghĩ rằng, có nhiều yếu tố để mang tới thành công cho một CEO, nhưng quan trọng nhất là sự quyết đoán và tính nhạy bén với thời cuộc. Bên cạnh đó, ngoài việc tiêu tiền một cách hiệu quả, CEO còn phải nghĩ ra cách kiếm tiền cho đội bóng. Bởi, nguồn tiền mà ông chủ bơm cho bóng đá không phải là vô tận”.

Với những chia sẻ nói trên, có thể thấy CEO đang có một vị trí rất quan trọng đối với sự phát triển của các CLB. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, ông chủ các đội bóng cần có những con người có tầm nhìn chiến lược để bẻ bánh lái đi đúng hướng. Bởi có một sự thật, rất nhiều CLB đã phải trả cái giá rất đắt cho việc sử dụng CEO theo kiểu “ngẫu hứng qua cầu”.

CEO thời bão giá, rõ là đang “đắt giá” hơn bao giờ hết!

(Theo báo Bóng Đá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X