Sau khi để thua HA.GL ngay trên sân nhà đồng nghĩa với việc HN.T&T đánh mất cơ hội vô địch trước một vòng đấu, dù rất thất vọng nhưng bầu Hiển vẫn xuống sân động viên và an ủi các cầu thủ. Còn sau trận thua của CLB BĐ Hà Nội trước N.SG và qua đó đẩy CLB BĐ Hà Nội rơi vào tình thế hiểm nghèo, bầu Kiên quát mắng các cầu thủ của mình một trận đâu ra đấy và còn đưa ra hình thức kỷ luật bằng cách bắt cầu thủ phải ăn ở tập trung tại CLB chứ không cho về nhà, và tuyên bố sẽ phạt 500 triệu đồng với những ai vi phạm.
Cùng là biện pháp ứng xử sau thất bại của 2 đội bóng đều đóng quân ở Thủ đô, nhưng lại có thể nói lên rất nhiều điều. Với cách làm của bầu Hiển, cầu thủ HN.T&T dù có chán nản và thất vọng đến mấy thì cũng vẫn còn niềm tin ở trận đấu cuối cùng với SG.XT để lấy lại những gì đã mất.
Còn với các cầu thủ CLB BĐ Hà Nội, có thể họ đã chai sạn với cơn thịnh nộ hay cả những hình thức kỷ luật của bầu Kiên, nhưng nếu bảo họ hoàn toàn không có chút phản ứng nào trước những lời mắng mỏ từ phía ông chủ của mình thì chưa hẳn đã chính xác. Có điều là nếu cầu thủ nào đó của CLB BĐ Hà Nội cảm thấy còn một chút ý chí chiến đấu, hoặc ít nhất là lòng tự trọng, để quyết tâm làm được một điều gì đó trước V.Hải Phòng ở trận đấu cuối cùng trong mùa giải, thì hẳn cảm giác ấy cũng đã biến mất sau trận lôi đình của bầu Kiên.Công Vinh có lẽ chưa từng thi đấu cho đội bóng nào thờ ơ với thắng, thua như CLB BĐHN
Ai cũng thấy rằng trong hoàn cảnh “tang gia bối rối” như thế, mắng mỏ, trách cứ hay đe nẹt, dọa dẫm tuyệt đối không phải là cách làm phù hợp. Ca dao xưa chẳng phải đã có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời - Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê” đấy sao?
Tất nhiên cầu thủ và ông bầu thì không thể có quan hệ ngang hàng như chồng với vợ, và từ suy nghĩ của bầu Kiên thì cũng có thể hiểu được tại sao ông bầu này lại phẫn nộ đến thế trước màn trình diễn vô hồn của các cầu thủ, vì đây không phải là lần đầu tiên CLB BĐ Hà Nội thi đấu như vậy ở mùa bóng năm nay.
Thế nhưng, không biết có bao giờ bầu Kiên tự đặt mình vào vị trí của cầu thủ dưới quyền để suy nghĩ xem, tại sao trong ngần ấy năm làm bóng đá, tất cả các đội bóng mà ông từng sở hữu, CLB nào cũng như nắm cát khô rời rạc, lòng người chẳng bao giờ quy về một mối như thế?
Cách làm bóng đá của bầu Hiển có thể không xứng đáng được xem là hình mẫu lý tưởng của bóng đá VN, vì sau mỗi chiến thắng hay chiến tích của HN.T&T đều là tiền và rất nhiều tiền, nhưng như vậy không có nghĩa là đội bóng của bầu Hiển chỉ biết đến có tiền.
Thái độ thất vọng, tâm trạng tiếc nuối, vẻ mặt bàng hoàng và cả những giọt nước mắt mà các cầu thủ và BHL HN.T&T thể hiện ngay trên sân Hàng Đẫy sau 2 trận đấu liên tiếp không thành công trước K.KH và HA.GL ở vòng 24 và 25 V-League 2012 vừa qua là bằng chứng cho thấy cảm xúc thực sự của họ.
Tức là, cầu thủ HN.T&T cũng thi đấu vì danh dự, vì ý thức nghề nghiệp, vì sự tôn trọng của khán giả và đồng nghiệp chứ không đơn thuần chỉ vì những liều doping tiền của bầu Hiển. Nói một cách hình ảnh thì bầu Hiển có thể chi tiền để đem lại niềm vui, nụ cười cho cầu thủ HN.T&T, nhưng sự đau khổ hay thất vọng mà họ thể hiện sau mỗi trận đấu không thành công thì chẳng tiền bạc nào có thể mua được.
Bóng đá với các ông bầu có thể là sở thích, là đam mê, nhưng với cầu thủ thì lại là nghề mưu sinh, là “nồi cơm”, là bộ mặt của chính họ. Thế nên, việc các cầu thủ CLB BĐ Hà Nội cảm thấy dửng dưng đến vô cảm vì thất bại của đội nhà, trong khi ông bầu lại nổi cơn tam bành thịnh nộ, thì đấy là một chuyện rất không bình thường.
Điều đó cho thấy bóng đá với các cầu thủ CLB BĐ Hà Nội dường như không còn là niềm vui, không còn là nghề nghiệp mưu sinh, và thậm chí không được là bổn phận hay nghĩa vụ, mà như thể đấy là một công việc họ bị cưỡng ép phải làm nên chỉ thực hiện quấy quá cho xong mà chẳng thèm quan tâm đến kết quả cũng như phản ứng của người khác.
Khi một ông bầu dù yêu bóng đá đến cuồng nhiệt nhưng lại không thể truyền tải ngọn lửa đam mê ấy vào suy nghĩ và hành động của từng cầu thủ dưới quyền thì phải chăng đấy là một ông bầu thất bại với tình yêu của chính mình? Mà trong tình yêu, bất kể biện pháp níu kéo hay ràng buộc nào khi con tim không còn chung nhịp đập thì chẳng khác nào sự tra tấn!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)