- Tổng quan V-League 2016: Ai vượt Becamex Bình Dương, vượt ai HAGL?
- Làn sóng trẻ V-League 2016: Tươi sáng và đáng chờ đợi
- Hà Nội T&T đột ngột chia tay HLV trưởng trước ngày khai mạc V-League 2016
Bóng đá Việt Nam (BĐVN) năm 2015 khép lại với rất nhiều tiêu cực, bạo lực và những câu chuyện dở khóc, dở cười. Trong ngày khởi tranh V-League 2016, những người làm bóng đá và NHM nước nhà rất mong được nhìn thấy nhiều tín hiệu khởi sắc.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, câu chuyện “giầy lớn, giầy nhỏ” của cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang vẫn được nhắc đi, nhắc lại để bàn luận về việc đi trước nhưng về sau của BĐVN. Đó là một ngày đẹp trời năm 1959, sau khi thắng oanh liệt Nhật Bản, tuyển miền nam Việt Nam đã đón nhận một món quà bất ngờ từ đội chủ nhà: Một đôi giầy nhỏ được đặt gọn gàng trong một chiếc hộp thủy tinh. Lúc bấy giờ, Xứ Phù Tang ví bóng đá Nhật chỉ là đôi giày nhỏ so với đôi giầy có kích cỡ thật là BĐVN. Rồi đến những năm cuối thế kỷ XX, Nhật Bản và những nước làng giềng trong khu vực vẫn nhìn BĐVN bằng những ánh mắt thèm thuồng. Thèm những giải đấu chất lượng chuyên môn cao, những khán đài chật kín người và tình yêu bóng đá của NHM được lan truyền qua từng đường làng, ngõ xóm…
Bóng đá Việt Nam từng khiến Nhật Bản phải nể phục |
Nhưng giờ đây thì giày nhỏ đã lớn rồi, còn giầy lớn thì đã mục, đã rách. Nếu như Nhật Bản trở thành cường quốc bóng đá hàng đầu châu lục thì Việt Nam vẫn đang loay hoay thoát ra khỏi “ao làng” ĐNÁ. Vài năm trở lại đây, BĐVN đang học tập theo mô hình phát triển của Nhật Bản từ ĐTQG cho tới Giải VĐQG. Từ việc thuê chuyên gia, Trưởng ban tổ chức, cho tới trọng tài người Nhật… song V-League vẫn được xem là giải đấu có trình độ rất kém so với khu vực chứ chưa nói gì đến so sánh với J-League của Nhật. Không chỉ thua kém về mặt chất lượng, công tác tổ chức mà sức hút của V-League cũng giảm dần theo thời gian. Và trong năm 2016 này, V-League vẫn sẽ tiếp tục phát triển theo mô hình của Nhật Bản với biết bao kỳ vọng mới.
Đã lâu lắm rồi, các CLB bóng đá Việt Nam mới được cái Tết Nguyên Đán trọn vẹn. Nhưng vui xuân mới không quên nhiệm vụ, mùa bóng mới V-League 2016 sẽ khởi tranh vào hôm nay với biết bao thay đổi của những người làm bóng đá. Đầu tiên cần phải kể tới việc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thay tướng với ông Cao Văn Chóng lên làm TGĐ thay ông Phạm Ngọc Viễn. Sở dĩ ông Chóng được chú ý hơn cả bởi sau khi tiếp quản chiếc ghế nóng, nguyên TGĐ của công ty cổ phần bóng đá Bình Dương đã tuyên bố một câu xanh rờn: “Nếu không làm tốt, tôi sẽ tự từ chức”.
(Bongda24h.vn) – Cho dù mùa giải V-League 2016 vẫn còn khoảng 24 giờ đồng hồ nữa mới khởi tranh nhưng các danh hiệu và vị trí chung cuộc đã được giới chuyên...
Thế mới thấy được rằng, ông Chóng rất tự tin bởi năng lực lãnh đạo của mình. Chả thế mà ngay sau khi thay tướng, VPF đã mạnh dạn đặt ra mục tiêu sẽ thu về lượng tiền dự trù hơn 131 tỉ đồng, trong đó có tới 30 tỉ đồng là bản quyền truyền hình, hỗ trợ các CLB 22 tỉ đồng, chia lửa với VFF 10 tỉ đồng và thu về lợi nhuận 1.8 tỉ đồng trong mùa bóng 2016. Đây rõ ràng là một con số đáng mơ ước nếu nhìn vào năm 2015, VPF đạt doanh thu 101 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ là con số 245 triệu đồng nhỏ bé. Với tân TGĐ Cao Văn Chóng, VPF đang có những cái nhìn hết sức lạc quan. Ngày còn làm việc tại Bình Dương, ông Chóng được biết đến là người rất giỏi kiếm tiền cho CLB với những bản hợp đồng tài trợ béo bở. Và giờ đây tại VPF, rất nhiều người đang trông chờ vào màn “tỏa sáng” ngoạn mục của ông Chóng.
Nhưng đó là câu chuyện của vấn đề tài chính, điều mà NHM quan tâm hơn cả là BĐVN liệu có khởi sắc trong mùa giải 2016 sau nhiều năm bết bát với đầy rẫy tiêu cực, bạo lực và những câu chuyện dở khóc dở cười. Tiêu cực và bạo lực, đó dường như là câu chuyện được nhắc đi, nhắc lại nhan nhản tại nền BĐVN trong nhiều năm qua chứ không riêng gì mùa giải 2015. Kỷ luật có, hình phạt dù nặng hơn nhưng những vết hoen ố này vẫn không hề thuyên giảm. Ngoài ra, trong năm 2015, câu chuyện khiến báo chí tốn nhiều giấy mực nhất lại đến từ vụ Ngọc Hải phạm lỗi với Anh Khoa để rồi bản thân cầu thủ xứ Nghệ phải đứng ra chi trả mọi chi phí điều trị. Đó có lẽ là quyết định có “một không hai” của BĐVN, nền bóng đá vẫn đang được nhắc đi, nhắc lại với hai từ “chuyên nghiệp”.
V-League 2016 khởi tranh với biết bao hy vọng mới |
Bắt đầu từ mùa bóng năm nay, VPF tiến hành cung cấp bảo hiểm cho tất cả các cầu thủ, giám sát, trọng tài. Ngoài ra, VPF tiếp tục cuộc chiến chống tiêu cực khi cùng phối hợp với Công ty Sportradar, bằng khả năng nghiệp vụ và sử dụng công nghệ cao, sẽ phát hiện các trường hợp bất thường trên sân cỏ… Đây là một bước đi mới của các nhà “cầm cân nảy mực” trong cuộc chiến chống lại tiêu cực và bạo lực trên sân cỏ. Thế nhưng, tất cả vẫn chỉ nằm trên bàn giấy, còn hiệu quả từ những kế hoạch này ra sao vẫn là một câu chuyện dài đáng bàn. Tất nhiên cũng phải thừa nhận rằng, VPF đang cố gắng làm tất cả để giúp mang lại cho nền BĐVN những dấu hiệu tích cực trong mùa bóng 2016.
Những năm qua, NHM đã phát ngán với V-League. Thậm chí, rất nhiều người đã đổ xô đi xem những giải đấu phong trào, bóng đá phủi… thay vì lặn lội đến sân để thưởng thức những màn đấu võ, những trận đấu sặc mùi gian lận. Đây chắc chắn là những hình ảnh mà không một ai muốn thấy bởi đơn giản V-League chính là căn bản để phát triển các ĐTQG. V-League 2016 đang tới gần và NHM vẫn không ngừng hy vọng từng ngày, từng giờ vào một giải đấu trong sạch, hấp dẫn…
Hữu Trưởng