Thứ Bảy, 02/11/2024Mới nhất
Zalo

Khó khăn kinh tế đưa cầu thủ về giá trị thực

Thứ Năm 10/10/2013 07:51(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Khó khăn kinh tế ảnh hưởng lớn đến các CLB trong nước, khiến bóng đá quốc nội lao đao. Dù vậy, cũng chính trong lúc này, không phải không có tín hiệu tốt, đó là việc cầu thủ được trả về đúng với giá trị thực của họ.

Khó khăn của các đội bóng thể hiện rõ nhất trong mùa giải 2013. Hàng loạt CLB cắt giảm chi tiêu, thậm thí giải tán. Rõ nhất là 2 “thiếu gia” một thời của bóng đá nội là Navibank Sài Gòn và XM Xuân Thành Sài Gòn.

Đầu năm nay, Navibank Sài Gòn rút lui khỏi bóng đá, vì không thể chịu nổi mức chi mà theo họ là gần hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Người láng giềng của Navibank Sài Gòn là XM Xuân Thành Sài Gòn cố gắng tồn tại đến gần cuối mùa, nhưng thấy rõ là XM Xuân Thành Sài Gòn cũng cắt giảm tối đa chi phí.

Khó khăn kinh tế khiến cầu thủ nổi tiếng như Antonio cũng khó kiếm việc
Khó khăn kinh tế khiến cầu thủ nổi tiếng như Antonio cũng khó kiếm việc

Quỹ lương của đội giảm đến 54% so với năm 2012. Cùng lúc đó, đội bóng của bầu Thụy sẵn sàng chia tay hàng loạt trụ cột, những người không chịu giảm lương, hoặc đã giảm, nhưng mức lương vẫn còn quá cao so với yêu cầu của đội bóng (Kesley, Antonio, Quang Hải, Đặng Văn Robert…).

Mà không chỉ có XM Xuân Thành Sài Gòn, nhiều anh nhà giàu khác cũng giảm chi tiêu đáng kể trong mùa giải 2013. Số này có V.Hải Phòng, Hà Nội T&T, V.Ninh Bình – đều là các đội nức tiếng giàu có ngày nào, nhưng vẫn phải giảm lương cầu thủ.

Riêng V.Ninh Bình còn nhiều lần đối diện với cảnh nợ lương, khiến cầu thủ la làng, còn ông bầu Hoàng Mạnh Trường của đội này mấy lần đòi bỏ bóng đá, vì chán với các yêu sách của các cầu thủ. Khó khăn bủa vây các đội bóng nội, kể cả các đội bóng nhà khiến sân chơi trong nước lao đao. Nhưng trong khó khăn ấy, không phải là không có mặt tích cực. Đặc biệt là chuyện cầu thủ được trả về đúng với giá trị thực của họ.

Trước đây, khi đến với các đội bóng, giới quần đùi áo số đưa ra hàng loạt yêu cầu về lương, về tiền lót tay, tiền thưởng. Nhưng hiện tại thì chuyện này đã giảm đáng kể. Những khoản lót tay trên dưới chục tỷ đồng/người kiểu Công Vinh (14 tỷ - từ Hà Nội T&T về CLB Hà Nội năm 2012), Phước Tứ (12 tỷ, từ Thanh Hóa về XM Xuân Thành Sài Gòn năm 2011), Quang Hải (9 tỷ - từ K.Khánh Hòa đến Navibank Sài Gòn năm 2011)… hầu như không còn. Thậm chí, có thời điểm cầu thủ về đội bóng mới mà không có tiền lót tay, chỉ mong có chỗ thi đấu.

Và ngoại trừ B.Bình Dương vẫn chi tiền vô tội vạ, thì tất cả các đội bóng khác đều không còn chạy theo các cuộc đua giá. Ông bầu Đoàn Nguyên Đức (HA Gia Lai) chính là người cảm nhận rõ nhất sự thay đổi này. Nếu như cuối năm 2011, bầu Đức từng phát biểu “cầu thủ bây giờ rất mất dạy!” vì hễ có nơi trả cao giá là lại sẵn sàng đạp đổ những thỏa thuận vừa đạt được trước đó, thì mới đây, cũng chính ông Đức cho biết: “Bây giờ khi siết chặt các đội bóng, chỉ còn những đội nghiêm túc tồn tại thì cầu thủ hết dám làm giá. Anh không đá thì anh thất nghiệp và anh phải đá nghiêm túc hơn mới mong có chỗ nhận”.

Các khoản thưởng sau mỗi trận thắng cũng vơi dần. Không thể phủ nhận thực tế là có thời giới cầu thủ ra yêu sách với các ông bầu, phải có thưởng mới chịu đá tích cực, dù họ đã được ăn lương tháng để phục vụ người hâm mộ. Bây giờ thì các khoản thưởng ở các đội bóng rất chừng mực, thậm chí nhiều đội còn không thưởng, bởi đâu dư tiền mà chi bạc trăm, bạc tỷ cho mỗi trận đấu như trước.

Đúng là những khó khăn về kinh tế đang làm oằn vai các ông bầu bóng đá nội. Dù vậy, trong khó khăn, người ta chợt nhận ra đá, ra vàng. Các ông bầu không còn đủ sức vung tay quá trán như trước, điều đó dẫn đến việc cầu thủ bây giờ cũng hết dám làm eo với đội bóng chủ quản.

Điều đó nói cho cùng cũng là điều tốt cho bóng đá Việt Nam, khi cầu thủ được trả về đúng với giá trị thực của họ, trong khi chính các đội bóng, chính các ông bầu cũng nhận ra rằng nếu làm theo kiểu cũ, nếu không siết chặt hầu bao thì trước sau gì cũng giải tán đội.

Bóng đá bây giờ có cái gì đó rất giống với chứng khoán hay bất động sản, qua rồi cái thời “phát triển bong bóng”, sau thời giá ảo là về lại giá thực. Mà phàm ở đời, thực luôn tốt hơn ảo!

(Theo Dân Trí)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X