Thứ Bảy, 23/11/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá Việt Nam: Khi các đội tuyển bị xem nhẹ

Thứ Ba 10/11/2015 11:53(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h.vn) – Việc các nhà lãnh đạo quan tâm đến bóng đá nhiều hay ít cũng được thể hiện qua số trận giao hữu của đội tuyển quốc gia hay quá trình chuẩn bị cho các trận đấu của họ. Về điểm này thì VFF đang thực sự gặp vấn đề.

Đội tuyển Việt Nam trong năm nay chỉ đá cả thảy 6 trận đấu. Điều đó là nghịch lý bởi trung bình, các đội tuyển quốc gia từ lớn đến nhỏ đều đá khoảng 10 đến 15 trận đấu mỗi năm. Lý do được đưa ra là năm nay không có AFF Cup còn bảng đấu của Việt Nam tại vòng loại World Cup 2018 chỉ có 4 đội, ít hơn so với các bảng khác 1 đội, nên số trận đấu chính thức của thầy trò HLV Miura cũng giảm đi đáng kể. Nhưng dù có đưa ra giải thích như nào thì cũng là bất hợp lý bởi nguyên tắc một đội tuyển quốc gia phải đá hơn 10 trận trong năm là bất di bất dịch. Nếu không có nhiều giải đấu chính thức thì Liên đoàn sẽ phải mời những đội bóng khác về đá giao hữu trong khoảng thời gian này. Thái Lan đã chơi cả thảy 16 trận, Singapore, Myanmar đá 12 trận, Malaysia đá 11 trận. Ngay cả đội tuyển Lào cũng được chơi 13 trận còn Campuchia thậm chí đá tới 14 trận trong năm 2015, đó là chưa kể những trận đấu tại vòng loại World Cup sắp tới của họ.


Khi doi tuyen quoc gia Viet Nam bi xem nhe hinh anh
Đội tuyển Việt Nam có quá ít trận đấu trong năm 2015

Bóng đá Việt Nam có mối quan hệ tương đối thân thiết với rất nhiều Liên đoàn bóng đá khác, trong đó ông Trần Quốc Tuấn cũng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Vì thế mà thật khó để nói rằng vì quen biết hạn hẹp mà chúng ta không thể mời nhiều đối thủ về giao hữu. Việc không coi trọng các trận giao hữu của VFF khiến cho đội tuyển Việt Nam phải chịu thiệt rất nhiều. Giả dụ như vào tháng 11 này, theo dự định chúng ta sẽ đá vòng loại World Cup 2018 với Indonesia, nhưng đội bóng đất nước vạn đảo đã bị cấm thi đấu quốc tế, VFF đã chuyển sang mời Kuwait nhưng trận đấu này đã bị hủy vì lý do tương tự. Sau đó thì VFF cũng hủy luôn cả đợt tập trung sắp tới, một hành động thực sự rất thiếu chuyên nghiệp bởi không có một liên đoàn nào trên thế giới làm như vậy.

Hơn nữa cách thức chuẩn bị cho các trận đấu của VFF cũng rất hời hợt. HLV Toshiya Miura chỉ có 6 ngày để triệu tập cầu thủ, rèn thể lực, chiến thuật và di chuyển trước khi thi đấu với đội tuyển Đài Loan (Trung Quốc). Trong khi Thái Lan dành tới 3 tuần chuẩn bị cho trận đấu tương tự. Với những quốc gia khác, đội tuyển quốc gia luôn là ưu tiên hàng đầu nhưng có vẻ như tại Việt Nam, điều đó không hề chính xác. Có nhiều thời gian chuẩn bị hơn đồng nghĩa với việc có thể lực tốt hơn và một đấu sách phù hợp hơn trước đối thủ. Chúng ta từng suýt thua tại Đài Loan (Trung Quốc) vì nguyên nhân đó. Rõ ràng, khâu chuẩn bị cho các trận đấu đang không được VFF chú trọng.

Tối nay HLV Miura trở lại Việt Nam, chốt vụ Công Phượng
(Bongda24h.vn) – Theo tiết lộ của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, HLV Toshiya Miura sẽ quay trở lại Việt Nam vào khoảng 8h30 tối nay, chấm dứt chuỗi ngày nghỉ phép...

Điều đó không chỉ xảy ra ở đội tuyển quốc gia mà ngay cả ở các lứa trẻ. Đội tuyển U23 tới đây sẽ đá giao hữu 3 trận trước thềm vòng chung kết U23 châu Á và cũng là vòng loại cuối cùng của Olympic 2016. Tuy nhiên đối thủ của thầy trò HLV Miura trong 2 trận đấu tiên đều là đội bóng nghiệp dư của Nhật, JFL selection, tức là tập hợp của những cầu thủ nghiệp dư. Nói là tập hợp nhưng thực tế danh sách các cầu thủ chỉ được lấy từ 3 đội bóng đang chơi ở giải hạng tư của Nhật là Renofa Yamaguchi FC, Verspah Ota và Kagoshima FC, cùng một HLV cũng đang dẫn dắt một đội ở giải đấu này. HLV Miura từng nói rằng cầu thủ Việt Nam không bằng các cầu thủ nghiệp dư của Nhật, nhưng liệu mời họ về thi đấu có phải một quyết định sáng suốt? Ít nhất là việc mời các đối thủ có tên tuổi hơn cũng giúp cho bóng đá Việt Nam có thêm những mối quan hệ. Năm nay, Thái Lan đã đá giao hữu với Cameroon, Afganistan, Triều Tiên và Bahrain, những đội bóng rất có tiềm lực.

Doi tuyen quoc gia Viet Nam bi VFF xem nhe o cac tran giao huu hinh anh 2
VFF không quan tâm đến các trận giao hữu của đội tuyển Việt Nam

Từ đội tuyển quốc gia đến U23 và đến cả một giải đấu giao hữu như U21 Quốc tế báo Thanh Niên cũng chẳng mời được những “hàng xịn”. Bên cạnh U21 Singapore mang sang đội hình mạnh nhất, U21 Myanmar vắng đi rất nhiều trụ cột từng giúp họ lọt vào vòng chung kết U20 World Cup hồi mùa hè vừa qua. Trong khi đó U21 Thái Lan cử đội U19 Muangthong United, tất nhiên là thiếu vắng những cầu thủ xuất sắc nhất bởi họ đã được gọi lên đội 1. Thay vào đó, đội bóng này mời một số cầu thủ từ các đội hạng 2, hạng 3 về để thay thế tạm, nhằm mang nhãn hiệu đúng là U21 Thái Lan.

Tầm quan trọng của các trận đấu giao hữu đang không được đánh giá đúng mực bởi những người làm bóng đá Việt Nam. Về mặt chuyên môn, nó giúp cho HLV truyền đạt triết lý bóng đá của mình cho các cầu thủ, giúp họ thi đấu mạch lạc và gắn kết hơn trong từng đường lên bóng. Tất nhiên là đội tuyển vốn được triệu tập theo nhiều đợt trong năm, sẽ không thể chơi ăn ý như các CLB, vì thế mà việc họ chỉ được thi đấu cùng nhau 6 trận trong năm sẽ càng khiến cho lối chơi của họ trở nên rời rạc. Vì thế mà ngay cả Pep Guardiola có về Việt Nam thay ông Miura bây giờ thì ông cũng chẳng thể nào truyền dạy lại được triết lý tiki-taka cho các học trò vì quá ít trận giao hữu cũng như quá trình chuẩn bị cho các trận đấu luôn rất ngắn ngủi. Ngoài vấn đề chuyên môn, giao hữu nhiều cũng giúp bóng đá Việt nam tăng tình đoàn kết với các liên đoàn bóng đá khác, thể hiện sự chuyên nghiệp trong cách vận hành cũng như là cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng FIFA.

Hàn Phi

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X