Tất cả đều vẫn chưa quên câu phát biểu của bầu Thụy (Chủ tịch CLB SG.XT, Nguyễn Đức Thụy – PV), rằng: “Tôi chơi bóng đá, chứ không làm bóng đá”. Đấy là thời điểm SG.XT ra mắt báo giới, người hâm mộ, sau khi chính thức chuyển khẩu vào TP.HCM và sở hữu cả dàn sao.
Nhưng, bầu Thụy không bao giờ là người đầu tiên dùng từ “chơi bóng đá”. Trước ông cả nửa thập niên, đồng hương Hoàng Mạnh Trường cũng đã từng. Khi bóng đá vẫn được ví như tằm ăn rỗi và sống nhờ bầu sữa doanh nghiệp, đó quả là những thú tiêu khiển xa xỉ.Để duy trì sự nghiệp, Văn Phong phải chuyển từ Nha Trang về Hải Phòng chơi bóng.
Anh hùng rơm
Một câu chuyện bên lề và rất cũ. Đó là thời điểm những năm 2008-2009, khi V.NB giành vé lên chuyên và được liệt vào hàng ngũ đại gia, bầu Trường đã tự tay bấm máy gọi cho thủ môn Thế Anh (đang thuộc biên chế B.BD và sắp hết hợp đồng), rủ về V.NB “chơi” vài mùa. Thế Anh đã ngạc nhiên như thế nào khi người xuống mở cửa là bầu Trường (tại tư dinh của ông ở TP.HCM), thì còn ngạc nhiên hơn với câu hỏi: “Cậu là ai và muốn gặp ai”? Thế là đủ hiểu rồi!
Nhưng, ngay cả chuyện ông chủ không biết hết mặt cầu thủ, dù đó có là cầu thủ bạc tỷ mà mình mua về cũng là chuyện… bình thường. Bởi họ, những ông chủ của các doanh nghiệp lớn phải bận trăm công nghìn việc, thì giờ đâu mà đến sân thưởng lãm hay thăm hỏi đội bóng? Và nữa, họ chỉ “chơi” thôi, chứ không “làm” bóng đá. Một khi đã là cuộc chơi, là thú tiêu khiển, ông chủ còn đam mê thì chơi, hết đam mê thì… giải tán.
Giờ, bầu Trường vừa chính thức rời bỏ cương vị Chủ tịch CLB để nhường lại ghế cho ông GĐĐH Phạm Văn Lệ. Trước đó, bầu Thụy thảo cả văn bản (kèm theo chữ ký và con dấu) tặng lại SG.XT cho địa phương mà đội bóng đang đặt trụ sở là TP.HCM. Vẫn bầu Thụy thời điểm đầu mùa giải 2012, cũng từng có ý định bỏ của chạy lấy người, rao bán, sang tên đổi chủ ở chính đội bóng này, bởi ông “mê golf hơn bóng đá”.
Bóng đá Việt Nam thời kỳ quá độ lên chuyên, không thiếu những anh hùng rơm. Chính họ là tác nhân trực tiếp thổi giá cầu thủ vượt xa so với giá trị thật bằng các cuộc đấu tiền để thể hiện chất chơi.
Trách tại con đường
Bài học nhãn tiền cho cung cách làm bóng đá chuyên nghiệp khoán trắng cho các CLB, từ khâu đào tạo trẻ, đến việc để tự các CLB đấu với nhau, tự “bình ổn giá”..., đã thấy rồi. Khi bong bóng vỡ, các ông chủ lần lượt bỏ cuộc chơi, kéo theo đó là rất nhiều sự đổ vỡ khác như các giải đấu chuyên nghiệp thiếu hụt số lượng, phải chắp vá, phải thay đổi hệ thống thi đấu và phải lùi thời điểm khai cuộc… Tương lai bóng đá Việt Nam là một bức tranh màu xám.
Tuy nhiên, vấn đề thời sự lúc này không phải là đi tìm nguyên nhân, tại sao và như thế nào từng người tình cứ bỏ bóng đá ra đi, mà là tìm cho ra giải pháp tiếp theo để hạn chế những tổn thất (vật chất, cũng như tinh thần, niềm tin). Bởi chắc chắn với đà này, khi rất nhiều đội bóng bị xóa sổ, nhiều địa phương từng đi đầu trước đây trở thành vùng trắng bóng đá, đào tạo trẻ cũng sẽ bị triệt tiêu và đầu ra cho các ĐTQG sau này tất sẽ thiếu hụt nghiêm trọng.
Bài toán đặt ra là, liệu VPF và VFF có sẵn sàng phối hợp cùng CLB để giải quyết tận gốc những tồn tại, sẵn sàng làm lại thậm chí là từ con số không hơi méo một tí, hay cố bám víu, chắp vá để thành hình các giải đấu mà không biết rõ tên gọi của nó là gì?! Bóng đá, vui và thoải mái mới chơi được, chứ o ép dễ sinh ức chế, rồi chẳng giải quyết được gì. Không loại trừ khả năng sẽ có đội bóng bỏ cuộc giữa chừng, nếu mùa giải 2013 tiếp tục diễn ra trong hoàn cảnh này.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)