4 bàn thắng, tính cho đến thời điểm này của mùa giải 2012, chuỗi những con số có liên quan trực tiếp đến sự nghiệp “quần đùi áo số” của Huỳnh Quốc Anh, cầu thủ tưởng chừng đã mất hết sau vụ án tiêu cực tại SEA Games 2005 của một nhóm tuyển thủ và bản thân đứa con của Bắc Trà My (thị trấn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam, quê hương của Quốc Anh) đã phải trải qua quãng thời gian rất đáng quên trong chốn lao tù.
Không ai muốn những điều tồi tệ và việc nhắc đến nó, hay đôi khi chỉ là sự khơi gợi, cũng có thể khiến con người ta cảm thấy nhói đau, hổ thẹn. Nhưng quá khứ là thứ không thể phủ nhận và với những người đàn ông giàu nghị lực, nó còn là động lực để hướng về phía trước. Khi đã chiến thắng được nghịch cảnh rồi thì cứ đường hoàng mà đi.
Sụp đổ
Đó là những ngày đầu năm 2006, khi Quốc Anh có lệnh bắt và tạm giam, từ chuyên án tiêu cực của ĐT U23 VN trên đất Philippines, SEA Games 23, môn bóng đá nam. Trại giam T16 thuộc Bộ Công an ở tận Hà Tây (cũ) xa xôi vốn chưa từng xuất hiện trong tiềm thức của một đứa con ngoan trò giỏi, gia đình lại cơ bản như Huỳnh Quốc Anh, thì lúc này nó đã là nơi để mà nghiền ngẫm, ân hận. Không một ai trong số họ vào thời điểm đó, biết được ngày mai ra sao.
Cũng chỉ là cân đường, hộp sữa, nhưng rất đều đặn hàng tháng, mưa phùn gió bấc, chúng tôi có khi lấy danh người thân của Quốc Anh để tìm vào T16 với những con đường ngoằn ngoèo và cánh đồng lúa tưởng chừng như bất tận. Vào khoảng tháng Tư, lúa cũng đã thơm mùi sữa rồi.Huỳnh Quốc Anh (áo cam) đang lấy lại được phong độ tốt nhất của mình
Mối quan hệ con người và con người, hay cũng không biết vì cái gì nữa, chúng tôi cứ đi thăm nuôi như thế. Không tính toán, chẳng vụ lợi, mà chỉ mong một ngày mai, những đứa em lầm được lạc lối ấy có cơ hội làm lại.
Rồi cũng đến ngày Quốc Anh (và đồng đội) được tại ngoại, cầm đơn ngược xuôi Nam Bắc theo lệnh triệu tập của cơ quan điều tra, cũng đến ngày ra tòa chịu án. Hình ảnh đám cầu thủ đa phần đều mới mười chín đôi mươi trong bộ đồ áo sơ-mi quần Tây hệt như học sinh cấp 3, đứng lố nhố trong phòng xét xử Tòa án TP.HCM, rồi giật bắn mình lên, giọng lí nhí kèm theo đó, khi được Tòa nhắc tên…, cho đến thời điểm này vẫn là một dấu ấn khó phai với người viết. Người trẻ có thể phạm sai lầm, nhưng thật không thể tin được, họ lại chọn cách ấy.
Chuyện bây giờ cũng cũ rồi, và chắc chắn nó là một bài học quá đắt giá cho Quốc Anh, cũng như các đồng đội lỡ tay nhúng chàm. Chỉ một điều chắc chắn rằng, từ vị thế người hùng, được kỳ vọng, lâm vào cảnh lao lý và phải làm lại từ con số không (thậm chí là âm), quả thực không đơn giản. Nhưng chàng trai trẻ quê Bắc Trà My lại có một ý chí rất kiên định. Không đá bóng được nữa thì đi học, tìm việc khác để làm và thực tế Quốc Anh cũng từng đi học mấy lớp phụ đạo về vi tính, ngoại ngữ… Nhưng trái bóng tròn cứ quấn chặt lấy đôi chân, níu kéo và như thể nó là định mệnh rồi, không thoát ra được.
Quốc Anh trở lại, không phải con số 6 ở đằng sau lưng quen thuộc nữa, mà là số 10, cho đến lúc này là số 32… Chẳng biết các con số vô tri ấy có ý nghĩa gì không, nhưng rõ cầu thủ vẫn được (hay bị) mang danh “quần đùi áo số” đấy thôi. Với Huỳnh Quốc Anh, đó là những câu chuyện đời nối tiếp nhau, rất dài.
Và số một
Trước khi dính chàm, Quốc Anh đã là số một trong vai trò một chuyên gia chạy cánh, bám biên, ở bình diện các ĐTQG cũng như CLB. Và giờ, hơn nửa thập niên qua đi, với đầy đủ những thăng trầm của nghiệp “quần đùi áo số”, Quốc Anh vẫn là số một so với những người chơi cùng vị trí. Nhận xét ấy là có căn cơ, chứ không hề cảm tính. Tất nhiên, chẳng có điều gì tự nhiên đến cả. Ngoài năng khiếu thiên bẩm, để thành danh được với cái nghề này, cần có sự khổ luyện và cả đức hy sinh.
Bàn thắng mở tỷ số ghi vào lưới SLNA ở trận đấu bù diễn ra chiều qua (SHB.ĐN thắng đậm 4-0) đã là lần lập công thứ 4 của Quốc Anh ở V-League mùa này. Con số không quá ấn tượng, nhưng với một chuyên gia chạy cánh, với trách nhiệm hỗ trợ tấn công và phòng ngự, nhưng không mang chức năng ghi bàn, quả thật là rất khả quan. Một suất trên ĐT Việt Nam cho trận giao hữu với ĐT Mozambique mới đây là sự thừa nhận tuyệt đối sau những nỗ lực không mệt mỏi của Quốc Anh.
Kỹ năng leo biên, ngoặt bóng vặn sườn ở tốc độ cao, cùng những quả tạt hay cứa lòng chân thuận (phải) vào trong của Huỳnh Quốc Anh là không có bản sao trên sân cỏ quốc nội. Quan trọng nhất là nó rất hiệu quả. “Vua phá lưới V-League” 3 năm liền Gaston Merlo hay Nicolas và cả Ngọc Thanh hẳn đã được hưởng lợi rất nhiều từ đối tác Huỳnh Quốc Anh, trước khi cầu thủ đeo số áo 32 tự làm lợi cho mình bằng những bàn thắng kiểu mẫu. Cú cứa lòng từ ngoài vạch 16m50 rung mành lưới B.BD hay pha băng cắt vào trong với tốc độ của VĐV điền kinh, phá bẫy việt vị, để đón đường chọc khe của Minh Phương trước khi hạ gục thủ môn Viết Nam của SLNA…, là điển hình. Pha phối hợp đem lại bàn mở tỷ số ở sân Vinh chiều qua mang hơi hướng “tiqui-taca” của Barca, với Xavi (Minh Phương) là người chuyền bóng, còn Iniesta (Quốc Anh) di chuyển, đón bóng và ghi bàn.
Có từng là tội đồ, hay người hùng, thì Quốc Anh vẫn thế. Lầm lì và rất ít khi biểu lộ cảm xúc, ngoại trừ đó là những người thân đứng đối diện. Đôi mắt đen và sâu, nụ cười tươi và cả cái chất giọng Quảng Nam chân chất, nhưng tếu táo, không lẫn vào đâu được…, Quốc Anh gói ghém tất cả cho cái thế giới nhỏ bé của mình, cái thế giới vốn không có những ồn ào, thị phi hay bất kỳ sự tung hô quá đà, không cần thiết.
Thì đấy mới là Huỳnh Quốc Anh.
(Theo Thể Thao Văn Hoá