- Hành trình của chú “ve sầu” Công Phượng
- Chất HAGL trong lòng Olympic Việt Nam
- U23 VN hạ Malaysia: Câu trả lời đanh thép của Miura
Vài năm nay, thầy Giôm và các học trò Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…từ lò đào tạo của HAGL nổi đình nổi đám ở các giải trẻ trong nước và khu vực.
Đến nỗi khi họ thi đấu nước ngoài mà không có truyền hình trực tiếp, chỉ với một tay máy nghiệp dư đưa lên mạng mà có tới hàng triệu người theo dõi. Thi đấu trong nước, truyền hình có, phát thanh có, mạng điện tử có, tình trạng cháy vé và chuyện sân không đủ chỗ không chỉ xảy ra ở Mỹ Đình, Thống Nhất, Cần Thơ mà cả Pleyku, Tân An…nghĩa là thầy Giôm và các cầu thủ HAGL đi tới đâu thì sự ồn ào, náo nhiệt kéo theo tới đó.
Thầy Giôm và các học trò cưng. |
Cơn sốt, “hay mọi nhẽ”…hay từ gì tương tự, thực ra đều không diễn tả hết nội hàm của câu chuyện này! Và gần đây, câu chuyện lại có thêm “chương” mới khi thầy trò ông Giôm lên chơi V. League 2015 và sau đó 7 thành viên xuất sắc nhất được gọi vào U23 của thầy Mưu. Có người nêu ý kiến “bê” nguyên cả đội, cả thầy cả trò ông Giôm lên, hay đến thế cơ mà, nay chưa thắng thì mai kia thắng, chuẩn bị dần đi là vừa. Vả lại có ai, đứa nào, ông nào hay hơn?
Nhưng thực tiễn thi đấu tại V. League qua 8 vòng và nhiều ý kiến qua lại, lại qua, ông Giôm vẫn làm việc của ông Giôm và ông Mưu cũng thế! Giai đoạn đầu, bài tập tăng cường thể lực cho một nền tảng thi đấu đỉnh cao vỏn vẹn 75/90 phút thi đấu của thầy Mưu khiến cho tất tần tật tóa đom đóm. Chấn thương, tập riêng, đi soi chụp và chữa trị và về lại đội nhà…khiến cho ai nấy đều nóng ruột, nhăn nhó, kêu ca và nghi hoặc.
Học trò thầy Giôm phần lớn không chịu nổi, mà không chỉ thế, lò Sông Lam, lò Long An…tiếng là thế đều thi nhau bật bãi. Đến giai đoạn thi đấu thử nghiệm, đội hình, sở trường, sở đoản lại bị xới tung lên. Quân ta không hiểu, quân địch càng không hiểu. Tận ngày thi đấu chính thức vẫn chuệch choạc, nghỉ ngơi tí chút rồi lại tập nặng.
Điều nhiều người mong đợi từ những Công Phượng, Tuấn Anh…chả thấy đâu, chỉ thấy tịt ngòi, bị cô lập, chỉ thấy phất bóng dài vô vọng, tạt cánh vu vơ. Hỏi 10 người thì 9 người thở dài, rằng chả ai làm như thế cả, khung chả ra khung, lối chơi mờ mịt, thủ kém, công cùn.
Và ngày ra quân đã đến!
Học trò xuất sắc nhất của thầy Giôm gồm Tuấn Anh, Công Phượng và Văn Toàn xuất trận, chơi đúng vị trí sở trường. Hay dở thực tế trên sân 90 +4 phút bù sẽ biết. Dĩ nhiên sau hơn 1 tháng rèn sức, luyện tài, dứt khoát các học trò thầy Mưu phải chơi theo cách của thầy dạy từ thuở mới đến: chơi nhanh, ít chạm, hướng khung thành nhanh gọn nhất có thể.
Thực tế cho thấy ở giữa sân khi không có Xuân Trường gánh trách nhiệm thu hồi bóng và nhân lên sự sáng tạo, Tuấn Anh chỉ thể hiện được rất ít những phẩm chất vốn có của một tiền vệ tổ chức. Trong khi đó, Công Phượng và Văn Toàn khi được chơi cao nhất và sát cạnh nhau, họ đã phô diễn được phẩm chất kỹ thuật trong các pha chạm bóng, phối hợp nhỏ và nhanh, đặc biệt là kỹ năng dứt điểm ở mọi góc độ.
Cả hai đều đọc tình huống tuyệt vời khi cùng nhau thoát xuống nhận cú chuyền dài của Ngọc Hải ở cuối hiệp 1. Đó là điều không thường thấy trong bài đánh của thầy Giôm. Khi đội bóng đang dẫn trước và yêu cầu phòng ngự được đặt lên trên hết, có vẻ như thầy Mưu cho phép Công Phượng – Văn Toàn được chơi hệt như cách của thầy Giôm đã dạy, nghĩa là được cầm bóng đột phá, kể cả rê dắt, nhanh chậm có chủ ý.
Cũng là để thấy các ông thầy đều là những nhà cầm quân tài giỏi, đã biết cách phát huy năng lực học trò giỏi, dù phương pháp huấn luyện hay triết lý có khác nhau thì cũng không hề triệt tiêu sức mạnh vốn có của cầu thủ. Nói thế cũng là cách chúng ta khâm phục và biết ơn thầy Giôm, thầy Mưu!
Xem thêm bóng đá Việt Nam mới nhất
Theo Vietnamnet