HAGL mùa này đi theo biểu đồ hình sin. Phong độ lên xuống thất thường của đội bóng này khiến các CĐV luôn sống trong cảm giác trái chiều. Sau chuỗi thăng hoa là thất vọng, còn khi NHM buồn chán nhất, thì họ lại thi đấu bùng nổ. Tính đến hết vòng 17, HAGL đã 4 lần đi theo kịch bản như vậy.
Theo lý giải của những người quan sát, HAGL biểu hiện phong độ thất thường chính là vì họ không có sự chuẩn bị tốt. Khi trao ấn kiếm vào tay Dusit, BLĐ HAGL đã hơi dễ dãi trong vấn đề chuyên môn. Chỉ đến khi, vị tướng trẻ mới treo giày không chịu được áp lực của người đứng mũi chịu sào, HAGL mới có thay đổi.Chức vô địch V.League 2009 dường như đã quá tầm tay của HLV Chatchai và các học trò
Tuy nhiên, nỗ lực cứu vãn sau đó của họ cũng chưa phải toan tính hợp lý. Ông thầy Chatchai Paholpat được mời về trong bối cảnh gượng gạo. Hợp đồng với CLB chủ quản ở quê nhà Thái Lan chưa dứt, nên cựu HLV trưởng HAGL ở V.League 2007 đã có thời gian “không thể liên lạc” kéo dài hơn 1 tháng. Điều đáng nói ở chỗ, thời điểm này đội bóng được điều khiển dưới tay HLV Dusit (nhưng mang chức danh trợ lý) lại thi đấu rất thành công. Chuỗi trận toàn thắng kéo dài đến 5 trận giúp HAGL nhẩy những bậc tam cấp trên BXH. Thành công của Dusit khiến nhiều người ngạc nhiên và tự hỏi, liệu HAGL có nên trao quyền cho HLV Chatchai nếu ông này quay lại?
Nhưng rồi, vị tướng 62 tuổi trở lại phố Núi cũng là lúc Dusit yên vị với vai trò trợ lý cho chính ông thầy từng dẫn dắt anh ở cả Tuyển Thái lẫn HAGL.
Bất ngờ lại xẩy ra. Đội chủ sân Pleiku bắt đầu chuỗi trận không như ý với những cuộc đọ sức ít dấu ấn, ít điểm số. Đâu đó, người ta bắt đầu đặt câu hỏi.
Nhưng lại một lần nữa, khi sự nghi ngờ lên đến đỉnh điểm, HAGL lại thăng hoa và lao một mạch về phía trước với tốc độ phi mã. Kết thúc giai đoạn 1, HAGL “ngồi” ở vị trí thứ Nhì trên BXH và tái thiết cơ hội đoạt chức vô địch. Tất nhiên, với thành tích như thế, cái ghế của HLV Chatchai và hình ảnh của ông được cứu vãn.
Đang băng băng trên đường đua, HAGL đột ngột khựng lại sau quãng nghỉ giữa giai đoạn. Ba trận thua liên tiếp gần đây trước cả đối thủ trực tiếp lẫn gián tiếp khiến cơ hội chạm tay vào Cúp của họ trở nên mờ mịt. Giờ, khi đã nhận đến 7 trận thua và tụt xuống vị trí thứ 7, kém đội đầu bảng SHB.ĐN 13 điểm thì khả năng tạo bất ngờ phút chót của HAGL không được đánh giá cao. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, sự thất thường của đội bóng phố Núi còn có thể là cơ hội để các đội bóng khác tận dụng. Hay nói cách khác, tầm ảnh hưởng của HAGL chỉ tạo ra tác dụng với những đội trong nhóm “giẫy giụa” mà thôi.
Thêm một lý do “bên lề” khác, nhưng không kém phần quan trọng: Đội vô địch V.League trong 9 mùa giải vừa qua không bao giờ là đội có sự thay đổi HLV giữa chừng. HAGL lại là một trong những trường hợp thay tướng sớm nhất. Vậy thì, khát vọng tìm lại hào quang xưa của đội bóng phố Núi chỉ có thể làm lại ở mùa sau?
Điểm nhấn: Vô địch? Khó lắm!
HAGL lên ngôi vô địch V.League 2003 với thành tích toàn thắng trên sân nhà. Thảm cỏ Pleiku khi đó được xem là thánh địa của đội bóng phố Núi, giúp họ giành tối đa 33 điểm sau 11 trận thắng. Đấy là một phần quan trọng, một quỹ điểm khả quan nhất trong chiến tích vô tiền khoáng hậu của 1 đại biểu hạng Nhất vừa thăng hạng đoạt ngay chức vô địch V.League. Mùa này, HAGL mới có 4 trận thắng sân nhà (thua 2, hòa 1) trong tổng số 7 trận đã đấu. Xem ra, giấc mơ vô địch của họ không thể bắt đầu bằng thành tích sân nhà kém cỏi này.
(Theo báo Bóng Đá)