Theo thông báo ban đầu của VFF, trận đấu HN.T&T-SHB.ĐN sẽ diễn ra vào lúc 18h30 chiều nay, nhưng cuối giờ chiều qua, theo đề xuất từ phía HN.T&T, BTC giải đã đẩy giờ thi đấu từ 18h30 lên 17h00, động thái được hiểu là HN.T&T muốn lôi kéo thêm khán giả tới sân cũng như thu hút sự quan tâm của người xem qua truyền hình bằng việc điều chỉnh lại giờ thi đấu để tránh khung giờ vàng của các nhà đài, và cũng không làm ảnh hưởng quá nhiều tới kế hoạch vui chơi cuối tuần của các khán giả đang trong độ tuổi thanh niên.
Chỉ riêng chi tiết đó thôi cũng đủ thấy HN.T&T chịu khó chăm chút và đầu tư như thế nào để lôi kéo thêm người ủng hộ cho đội ngũ CĐV vốn còn rất khiêm tốn của mình. Vào mỗi cuối tuần mà HN.T&T đá trên sân nhà ở V-League, đặc biệt là với những trận cầu đinh với các đối thủ mạnh, người ta không còn xa lạ với hình ảnh có hàng đoàn xe máy diễu hành trên đường phố Thủ đô cùng với cờ quạt, kèn trống, băngrôn để quảng bá cho HN.T&T.HN.T&T ăn mừng chức vô địch V-League 2010 với khán đài trống hoác sau lưng
Tuy nhiên, có sự khác biệt là trong khi các đội bóng khác hầu như đều không mất chi phí, hoặc nếu có thì chỉ là một phần không đáng kể cho công tác quảng bá này, bởi có rất nhiều CĐV ruột của họ sẵn sàng tổ chức diễu hành để quảng bá miễn phí giúp đội bóng của mình, thì HN.T&T lại phải thuê người để làm công việc này. Sở dĩ nói thế là bởi đội ngũ diễu hành của HN.T&T trên đường phố Thủ đô chỉ có một số rất ít là CĐV thực thụ của CLB này (mà nghe nói lại là CĐV… ăn lương), còn phần lớn đều là các bác tài xe ôm hoặc bà nội trợ, và trông cung cách diễu hành và phất cờ uể oải của họ thì chẳng có dấu hiệu nào cho thấy sự hâm mộ và khát khao của những CĐV đích thực, điều rất dễ nhận ra với các CĐV ở Hải Phòng hay Nghệ An.
Đấy cũng có thể coi là bi kịch của HN.T&T, một đội bóng có sự thăng tiến nhanh chóng bậc nhất trong lịch sử V-League, và hiện tại vẫn là thế lực đáng kể nhất ở giải VĐQG, nhưng cho đến tận bây giờ vẫn không sao quy tụ nổi vài nghìn CĐV trung thành cho mỗi trận đấu trên sân nhà. Nói đến chuyện này lại chợt nhớ tới cảnh tượng cách đây 2 năm, khi HN.T&T đoạt chức vô địch V-League 2010 sau trận thắng N.SG ở vòng 25, nhưng trừ người nhà của cầu thủ, BHL cũng như lãnh đạo HN.T&T thì số CĐV nán lại sân Hàng Đẫy để ăn mừng cùng HN.T&T chỉ lèo tèo tới mức có thể đếm được bằng mắt thường.
Trong khi đó, ở vòng 26 V-League 2010 diễn ra sau đó một tuần, V.Hải Phòng tuy chỉ giành HCB, nhưng các CĐV đất Cảng đã ăn mừng tưng bừng và phấn khích như thể họ mới chính là nhà quán quân thực thụ của V-League. Sự khác nhau này cho thấy một sự thật rằng bóng đá chuyên nghiệp bây giờ dù bị yếu tố tiền bạc chi phối rất nhiều, nhưng vẫn có những giá trị truyền thống không hề suy suyển qua tháng năm, chẳng hạn như tình yêu và lòng trung thành của các CĐV.
Không biết có bao giờ lãnh đạo và cầu thủ HN.T&T thử tự đặt câu hỏi xem vì sao đội bóng của mình chơi đẹp mắt như thế, hiệu quả như thế, có nhiều tuyển thủ QG như thế, nhưng lại thất bại với một nhiệm vụ tưởng như rất đơn giản ngay trên sân nhà, đấy là lôi kéo khán giả tới sân để chia sẻ cảm xúc với đội bóng sau mỗi thất bại hay chiến thắng. Phải chăng câu trả lời là HN.T&T tuy đá đẹp thật đấy, mạnh thật đấy, nhưng với người hâm mộ bóng đá Thủ đô thì sợi dây gắn kết giữa họ với HN.T&T là vô cùng lỏng lẻo, và có chăng chỉ là cái từ “HN” viết tắt trong tên gọi của họ mà thôi.
Thêm một lý do nữa, tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” mà HN.T&T đang can dự trực tiếp cũng bị xem là một trong những nguyên nhân khiến CLB này không nhận được sự ủng hộ của những khán giả mong muốn sự trung thực và công bằng. Mà chẳng phải chỉ có khán giả, ngay cả HLV và các cầu thủ đang làm việc ở V-League hiện tại tuy đều thừa nhận sức mạnh của HN.T&T, nhưng đồng thời họ cũng cho rằng nếu tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” tiếp tục được duy trì về lâu về dài sẽ mang lại hậu quả không tốt cho bóng đá VN.
Thế nên nhiệm vụ chinh phục trái tim khán giả của HN.T&T xem ra vẫn còn gian truân lắm, và nó sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với việc CLB này tìm cách gặt hái thành tích trên sân cỏ.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)