Một lần nữa phạm trù lối chơi của Olympic Việt Nam không được đánh giá cao, dù trận thua 0-2 trước Olympic Nhật Bản là chấp nhận được về mặt kết quả.
Đối đầu với ứng cử viên vô địch U23 châu Á, HLV Miura đã bố trí đội hình với 5 hậu vệ nhằm tăng cường sự chắc chắn cho hàng phòng ngự. Tuy vậy, HLV Nguyễn Hữu Thắng không đồng tình với đấu pháp này vì 2 lý do.
Cựu HLV của SLNA phân tích: “Thế giới đã khai tử đội hình 5-4-1 từ lâu. Nó phản ảnh một tư duy chiến thuật kiểu cũ là phòng ngự co cụm, bị động, trong khi bóng đá hiện đại đề cao sự chủ động cả trong tấn công và phòng ngự. Quan điểm phổ cập bây giờ là để tăng cường khả năng phòng ngự, anh có thể kéo thấp đội hình, sử dụng quân số đông ở khu trung tuyến để giảm tải cho tuyến phòng thủ”.
Điểm sáng của Olympic Việt Nam là sự lăn xả của các hậu vệ. Ảnh: Zing |
HLV Nguyễn Hữu Thắng tiếp tục chia sẻ về lý do thứ hai: “Lối chơi quen thuộc của Olympic Việt Nam là 4-4-2. Nếu tôi nhớ không nhầm, HLV Miura mới chỉ một lần cho các cầu thủ thi đấu bằng đội hình 5-4-1 trong trận đá tập với Đồng Nai. Bỏ sở trường, dùng sở đoản cũng là điều tối kị”.
Kết quả trận đấu thua 0-2 của các học trò HLV Miura trước đối thủ mạnh như Olympic Nhật Bản có thể tạm chấp nhận được về mặt tỷ số. Nhưng điều rất dễ nhận thấy là sự thất thế hoàn toàn của hàng tiền vệ và sự lẻ loi của Công Phượng trên tuyến đầu khiến hàng phòng ngự thường xuyên bị đặt dưới sức ép lớn.
“Một khi đá kiểu tử thủ như thế, việc chúng ta bị thủng lưới chỉ là vấn đề thời gian. Không thể trông chờ vào những tình huống phất dài lên cho Công Phượng được. Cậu ta không phải là siêu nhân để đi bóng qua 4-5 hậu vệ, nhất là khi Olympic Nhật Bản ở đẳng cấp khác hẳn Olympic Malaysia hay Olympic Macau. Khả năng phối hợp của chúng ta trong trận này cũng không tốt”, HLV Nguyễn Hữu Thắng bày tỏ suy nghĩ của ông.
Lật ngược lại chiến thắng 2-1 trước Olympic Malaysia, cựu trung vệ thuộc thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam cho rằng kết quả đó có được là do Olympic Việt Nam tận dụng cơ hội tốt hơn đội bạn, chứ không phải các học trò của HLV Miura chơi hay hơn.
Cựu HLV của SLNA không phải là nhân vật đầu tiên phê phán lối chơi của Olympic Việt Nam. Trước đó, nhiều chuyên gia khác cũng nhận xét không thấy đâu là mảng miếng trong cách vận hành chiến thuật ở đội bóng của HLV Miura.
HLV Nguyễn Hữu Thắng tâm sự: “Tôi không đặt vấn đề so sánh Olympic Việt Nam và U19 Việt Nam, đấy là 2 phạm trù hoàn toàn khác biệt. Lối đá chỉ biết tấn công, không biết phòng ngự của đội tuyển U19 cũng không phải sự lựa chọn tối ưu trong mọi trận đấu. Nhưng điều chúng ta chờ đợi là lối chơi tổng lực cả trong tấn công và phòng ngự đã và đang không diễn ra ở Olympic Việt Nam”.
Điểm sáng trong cuộc chạm trán Olympic Nhật Bản là tinh thần lăn xả của các cầu thủ. Là người được gán cho biệt danh “trung vệ thép” khi còn thi đấu, HLV Hữu Thắng đánh giá rất cao màn thể hiện của 2 hậu bối ở SLNA là Ngọc Hải và Mạnh Hùng. Ở lần hiếm hoi được bố trí đá thòng, Mạnh Hùng cho thấy anh không chỉ là mẫu hậu vệ càn lướt mà còn sở hữu khả năng phán đoán cừ. Trong khi đó, Ngọc Hải tiếp tục chứng tỏ vai trò của một chốt chặn đáng tin cậy.
“Nhiều người nói về Công Phượng nhưng tôi nghĩ sự chắc chắn của hàng phòng ngự với những cái tên như Ngọc Hải, Mạnh Hùng hay Tiến Dũng mới là nền tảng trong lối chơi của Olympic Việt Nam”, cựu HLV SLNA chia sẻ.
HLV Nguyễn Hữu Thắng nói tiếp: “Sự lăn xả của Ngọc Hải và Mạnh Hùng làm tôi nhớ đến thời mình còn khoác áo đội tuyển Việt Nam gần 20 năm trước. Khi đó, chúng ta cũng thường đá với đội hình 5 hậu vệ. Còn bây giờ, không ai đá như vậy nữa”.
Xem thêm các tin bong da Viet Nam mới nhất
Theo Zing