Thất bại của đội tuyển Việt Nam tại bán kết AFF Cup 2014 có thể kéo theo hệ lụy là V-League mùa sau sẽ tiếp tục vắng khán giả. Và cũng đừng quên giải đấu này cho đến giờ vẫn chưa tìm được nhà tài trợ.
Nguy cơ vắng khán giả
Có lẽ chính những người điều hành bóng đá nội từng kỳ vọng vào chuyện đội tuyển Việt Nam thi đấu tốt tại AFF Cup 2014, hòng tạo hiệu ứng đưa khán giả trở lại các sân bóng trong nước. Cho đến trước trận bán kết lượt về, chuyện đó dường như đã đến, niềm tin đã được khôi phục. Nhưng hỡi ôi, thất bại trước Malaysia trên sân Mỹ Đình có thể xóa sạch tất cả. Cũng đừng quên rằng cho đến giờ này, 3 giải đấu chuyên nghiệp hàng đầu của bóng đá nội là V-League, cúp quốc gia và giải hạng Nhất quốc gia vẫn chưa có nhà tài trợ.
Thế hệ cầu thủ hiện tại vẫn chưa đủ sức trở thành thần tượng của người hâm mộ |
Công tác tìm nhà tài trợ mới, sau khi nhà tài trợ cũ rút lui chẳng dễ dàng gì, bởi chỉ còn hơn nửa tháng nữa là V-League 2015 sẽ khai mạc, nhưng tên nhà tài trợ mới vẫn chưa được công bố. Nếu đội tuyển Việt Nam thành công, khán giả có thể đến với các sân bóng đông hơn, nhờ niềm tin được khôi phục, mà khán giả đến sân đông cũng có nghĩa là sức hút với các doanh nghiệp sẽ lớn. Dù vậy, sau AFF Cup 2014, nhiều khả năng mọi thứ vẫn như cũ.
Người hâm mộ có thể vẫn chưa thấy gì đáng để kéo họ đến với các sân bóng. Thế hệ cầu thủ hiện tại vẫn còn những khoảng trống về mặt trình độ, so với lứa thế hệ vàng của những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Hoàng Bửu, Đỗ Khải… hay thế hệ từng vô địch AFF Cup 2008 của Minh Phương, Tài Em, Quang Thanh, Như Thành… Nguy cơ vắng khán giả còn hiển hiện ở chỗ giải đấu diễn ra trong bối cảnh mà người ta không dám chắc là con số 14 đội bắt đầu V-League năm nay, có phải là con số sẽ cùng nhau về đến đích hay không?
Hàng loạt đội bóng khó khăn về mặt tài chính, hàng loạt đội bóng khủng hoảng về mặt nhân sự. Điều này cũng dễ thấy thôi, ngay đến đội tuyển quốc gia còn không kiếm nổi mười mấy gương mặt có trình độ, đủ để làm nên chuyện ở AFF Cup khi mà cơ hội đã gần kề, thì bóng đá nội tầm mức CLB dĩ nhiên thiếu vắng nhân tài đến mức nào.
Lứa Công Phượng và các đồng đội có đủ sức lôi khán giả đến sân?
Còn một nhóm cầu thủ khác cũng đang được kỳ vọng tạo nên sức sống cho V-League 2015, đấy là lứa U19 của bầu Đức, vốn được quảng cáo cực kỳ rầm rộ trong suốt cả năm. Dù thành tích trên đấu trường quốc tế của lứa cầu thủ này thật ra chỉ có chừng có mực, nhưng nhờ công nghệ tiếp thị hình ảnh quá tốt, nên Công Phượng và các đồng đội cho đến giờ mặc nhiên được xem là thần tượng của một lớp khán giả thích công nghệ lăng-xê.
Nhưng Công Phượng và các đồng đội có đủ sức thu hút người xem ở V-League hay không phụ thuộc rất lớn vào sự thể hiện của họ trên sân bóng. Có thể một vài trận đầu, người ta đến sân vì sự tò mò. Nhưng về lâu về dài, lứa U19 của bầu Đức phải chứng minh được rằng họ đủ trình độ để đá ở V-League. Đã có không ít lo ngại cho việc môi trường V-League khắc nghiệt sẽ khiến cho các cầu thủ trẻ của bầu Đức khó đá, vì môi trường ấy khác hẳn với những giải đấu trẻ mà họ trải qua liên tiếp trong năm qua.
Cũng ở giai đoạn chuẩn bị vừa rồi, không phải không có những lo lắng dành cho họ, khi mà HA Gia Lai phải loay hoay tìm người đá cặp với Công Phượng, cũng như bản thân đội bóng phố núi phải gấp rút tìm vị trí yếu để bổ sung người. Nếu Công Phượng và các đồng đội không thể trụ vững tại V-League, có thể thêm một lần nữa hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ cảm thấy hụt hẫng, hụt hẫng nhất ở chỗ sản phẩm mà họ chứng kiến không được như lời quảng cáo.
Thành ra, rất mong lứa U19 của bầu Đức thành công, để người hâm mộ bóng đá nội vẫn còn thấy có chi tiết đáng xem trên sân cỏ nội, để những người yêu bóng đá Việt Nam không phải thêm một lần đau vì những gì mà họ kỳ vọng không thể đáp ứng sự kỳ vọng đó.
Theo Dân Trí