Sau trận U23 Việt Nam 0-2 U23 Nhật Bản vào tối qua, điều khiến người ta tò mò nhất không phải là thất bại của đội bóng áo đỏ. Thay vào đó chiến thuật của HLV Miura mới là điều gây tranh cãi hơn cả.
Trước trận U23 Việt Nam 0-2 U23 Nhật Bản, tất cả đều dự đoán về một trận đấu khó khăn dành cho thầy trò HLV Miura. Trước một đội bóng có rất nhiều cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu và J-League thì U23 Việt Nam chỉ còn một cách đá duy nhất là phòng ngự phản công. Thế nhưng phòng ngự như nào mới là điều quan trọng, bởi trong quá khứ dù chúng ta có đá với chiến thuật “10 hậu vệ” thì vẫn thua đậm trước những đội bóng hàng đầu châu lục như Nhật, Hàn hay Australia. Hôm qua tại Shah Alam, ông Miura có 4 sự thay đổi trong đội hình xuất phát so với trận gặp U23 Malaysia là Đức Lương, Văn Thanh, Đức Huy và Minh Long, đồng thay đổi hoàn toàn lối chơi của đội tuyển.
Ban đầu ai cũng nghĩ HLV Miura cho U23 Việt Nam quay lại thời kỳ “đồ đá” với cách sắp xếp 3 trung vệ. Thậm chí sau trận đấu, cựu thuyền trưởng của SLNA là Nguyễn Hữu Thắng đã thẳng thừng chỉ trích chiến lược gia người Nhật với cách đá 5-4-1 vì đây là chiến thuật mà thế giới đã bỏ từ lâu. Thậm chí nhiều độc giả đã cho rằng đội bóng áo đỏ đã chơi tử thủ một cách xấu xí và dễ dàng chấp nhận thất bại trước người Nhật. Thế nhưng chúng ta cần phải thực tế rằng, khoảng cách giữa 2 nền bóng đá là quá lớn, nếu cố dâng lên tìm bàn thắng thì còn thua nhanh và thua đậm hơn tỷ số 0-2. Thất bại 0-7 của U19 VN trước đây trước đội bóng xứ mặt trời mọc là một minh chứng cho điều đó. Vì thế cách chọn đá số đông, hạn chế bàn thua của HLV Miura vào tối qua là hoàn toàn chính xác. Thậm chí với nhiều người nếu may mắn hơn trong các pha cố định và đá tập trung ở phút cuối thì đội bóng áo đỏ đã có thể nghĩ tới 1 kết quả khả quan hơn.
HLV Miura là người thức thời với bóng đá hiện đại |
Quay lại vấn đề là chiến thuật của HLV Miura trong trận gặp U23 Nhật Bản là cổ hủ hay hiện đại. Nhiều “chuyên gia” khẳng định U23 Việt Nam đã chơi với 5 hậu vệ trong sơ đồ 5-4-1, tuy nhiên thực tế không hoàn toàn như vậy. Chúng ta đã ra sân với 3 trung vệ là Ngọc Hải, Mạnh Hùng và Tiến Dũng nhưng Văn Thanh và Đức Lương thì không hẳn là hậu vệ cánh. Đó là những cầu thủ sẽ phải bao quát hết cả hành lang mà mình phụ trách. Chính xác thì U23 Việt Nam đã chơi với sơ đồ 3-6-1 trong suốt trận đấu với U23 Nhật Bản bởi Đức Lương và Văn Thanh, sau đó là Tấn Tài đã nhiều lần dâng lên hỗ trợ tấn công bằng những pha leo biên. Thật ra đây cũng chính là công thức mà Olympic Việt Nam đã chơi tại Asiad 17 và tạo ra cơn “địa chấn” trước ông lớn Olympic Iran. Hôm qua, ông Miura cũng nung nấu về một kết quả bất ngờ tương tự nhưng do U23 Nhật Bản thi đấu quá kỷ luật nên không thành công.
Chiến thuật 3-6-1 của U23 Việt Nam tại Shah Alam tối qua thực chất cũng chỉ là biến thể của 3-5-2 rất phổ thông hiện nay (MU, Juve, Chelsea vô địch Champions League 2012…). Tuy nhiên do U23 Nhật Bản quá mạnh nên ông Miura chỉ để 1 mình tiền đạo Công Phượng trên hàng công. Chính cách tập trung số đông ở vị trí giữa sân khiến cho những ngôi sao đẳng cấp cao của đội bóng áo xanh không thể thực hiện những pha phối hợp theo ý mình. Cả 2 bàn thua của U23 Việt Nam trong trận này đều chỉ là sự thiếu tập trung trong thời điểm cuối mỗi hiệp đấu (phút 43 và 90).
Ông Miura là người nhiều năm tu nghiệp ở Đức trước khi bước vào sự nghiệp cầm quân, vì vậy chúng ta không cần phải băn khoăn trong cách dụng binh của ông thầy người Nhật. Thực tế khi dẫn dắt ĐTVN, Olympic trong năm 2014 và U23 bây giờ, vị thuyền trưởng 51 tuổi vẫn theo đuổi lối chơi hiện đại, ít chạm và mang đậm tính tập thể. Nếu không có tài dụng binh của ông Miura thì U23 Việt Nam đã nguy to tại vòng loại U23 châu Á lần này bởi quá nửa trụ cột vắng mặt vì chấn thương. Vì thế hãy tin tưởng ông Miura thay vì cách "lo bò trắng răng" thiếu thực tế như những chuyên gia bóng đá nội vẫn mạnh miệng hiện nay.
Xem thêm tin tức bóng đá Việt Nam mới nhất
Doãn Công