Bài toán thể lực cho ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2022
Hôm 30/8 vừa qua, Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) đã tiến hành bốc thăm chia bảng ở giải đấu đang được chờ đợi nhất khu vực sẽ khởi tranh vào cuối tháng 12 năm nay - AFF Cup 2022.
Trong khi Thái Lan sẽ có trận tái đấu không hề dễ dàng với bại tướng của họ ở trận chung kết AFF Cup 2020 là Indonesia thì tuyển Việt Nam được đánh giá là rơi vào bảng đấu với các đối thủ 'mềm hơn' gồm Malaysia, Singapore, Myanmar cùng đội bóng 'láng giềng' Lào.
ĐT Việt Nam nằm ở bảng B tại AFF Cup 2022 |
Nếu duy trì được một phong độ tốt, tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin giành vé vào bán kết, cho dù cả Malaysia và Singapore đều không phải những đội bóng không có năng lực, trình độ, cũng như dễ bị đánh bại.
Với quyết tâm đòi lại những gì đã mất vào tay Thái Lan cách đây một năm, HLV Park Hang Seo và ĐT Việt Nam lúc này cũng đang nung nấu kế hoạch 'báo thù' tại giải đấu AFF Cup năm nay.
Trong suốt thời gian vừa qua, HLV Park và các cộng sự đã liên tục đi dự khán các trận đấu V-League, nhằm mục đích theo dõi phong độ các tuyển thủ, cũng như tìm kiếm thêm những nhân tố mới cho đội tuyển.
Song có một vấn đề mà tuyển Việt Nam cũng sẽ phải để ý và làm tốt ở kỳ AFF Cup sắp tới chính và vấn đề thể lực của các cầu thủ, bởi họ sẽ phải đối mặt với một lịch trình thi đấu vô cùng tốn sức để lên đỉnh khu vực.
Cũng giống như ở AFF Cup năm 2018, ĐT Việt Nam sẽ có trận đấu ra quân bằng chuyến làm khách trên sân vận động quốc gia Lào vào ngày 21/12. Sau đó họ đã được nghỉ 6 ngày trước khi bước vào trận đấu thứ hai gặp Malaysia trên sân nhà.
Song cũng từ đây, đoàn quân của HLV Park Hang Seo sẽ bước vào một chặng tourmalet vô cùng căng thẳng, khốc liệt mà nếu không có được sự chuẩn bị tốt về thể lực, cũng như biết cách xoay tua đội hình một cách hợp lý nhất thì họ rất có nguy cơ sẽ không có được những màn trình diễn như kỳ vọng.
Được biết ngay sau trận đấu với Malaysia tối 27/12, tuyển Việt Nam sẽ tức tốc lên máy bay sang Singapore để đá trận tiếp theo vào ngày 30/12 và sau đó là về nước đá nốt trận cuối vòng bảng gặp Myanmar vào ngày 3/1/2023.
ĐT Việt Nam đối mặt với một lịch thi đấu vô cùng khốc liệt |
Sau khi vòng bảng khép lại, các đội giành vé đi tiếp cũng sẽ chỉ có quãng thời gian ngắn ngủi 3 hoặc 4 ngày nghỉ ngơi kèm theo cả thời gian di chuyển giữa các nước để thi đấu bán kết vào các ngày 6 và 7/1. Trận bán kết lượt về sẽ được tổ chức vào ngày 9 và 10/1.
Các đội thắng trong hai cặp đấu bán kết sẽ bước vào trận chung kết lượt đi ngày 13/1 và lượt về ngày 16/1. Điều này đồng nghĩa với việc để bước lên ngôi vô địch, ĐT Việt Nam sẽ phải thi đấu liên tục 7 trận đấu liên tiếp tính từ trận gặp Malaysia tối 27/12 (bao gồm 3 trận vòng bảng, 2 lượt đi về vòng bán kết và 2 lượt đấu chung kết) chỉ trong quãng thời gian chưa đầy 3 tuần.
Với mật độ thi đấu chưa đến 3 ngày/trận, đã bao gồm cả thời gian nghỉ ngơi, tập luyện và di chuyển qua lại giữa các quốc gia, đây thực sự là một cơn ác mộng với tất cả các đội tuyển không chỉ với Việt Nam. Chính vì lí do đó, công tác chuẩn bị và hồi phục thể lực, cùng với tối ưu hoá khâu hậu cần di chuyển sẽ đóng vai trò bản lề trong thành bại giải đấu.
Trong quá khứ, thầy trò HLV Park Hang Seo từng thi đấu với tần suất 3 ngày/trận ở SEA Games hay tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 ở UAE. Tuy nhiên đó đều là những giải đấu tập trung, khác xa với việc các cầu thủ phải liên tục di chuyển thực sự rất mất sức giữa các quốc gia để thi đấu sân nhà/ sân khách.
Thêm nữa, với việc nằm ở bảng B diễn ra muộn hơn bảng A 1 ngày, điều này đồng nghĩa với việc ĐT Việt Nam sẽ có ít hơn một ngày nghỉ ngơi so với đối thủ trước khi bước vào trận bán kết lượt đi.
Do đó, họ rõ ràng cần sớm định đoạt tấm vé đi tiếp ngay ở lượt đấu thứ 3 với Singapore, tránh để kịch bản xấu nhất là tiếp tục tung đội hình mạnh nhất vào sân ở lượt đấu cuối diễn ra vào ngày 4/1/2023, dẫn tới việc hao tổn sức lực ở vòng bán kết.
Nhìn chung vấn đề thể lực sẽ là một thách thức rất lớn với ĐT Việt Nam trong hành trình chinh phục chiếc cúp khu vực lần này. Hơn lúc này hết, HLV Park Hang Seo sẽ phải vạch ra một lộ trình nâng cao thể lực cũng như có nhiều phương án xoay tua lực lượng, tránh việc để các trụ cột bị quá tải, có thể dẫn tới việc bị mất phong độ hoặc nặng hơn là dính chấn thương không mong muốn.
Tuyển Việt Nam cần làm mới chiến thuật tránh bị bắt bài
Với việc không thể chọc thủng lưới Indonesia ở vòng bảng AFF Cup 2020 diễn ra vào cuối năm ngoái, điều này đã cho thấy ĐT Việt Nam đã bị đối phương bắt bài cách chơi. Và rõ ràng để tránh tình huống như thế lặp lại, họ sẽ cần một lối chơi biến hóa hơn, khó đối phó hơn để đối thủ 'sập bẫy'.
Trong bối cảnh nhiều vị trí trên hàng công như Công Phượng, Đức Chinh... đều không có được phong độ cao, Tiến Linh mới trở lại còn một số gương mặt khác như Văn Toàn, Văn Thanh cũng liên tục gây thất vọng trong thời gian khoác áo tuyển vừa qua thì nhiệm vụ làm mới đội hình thi đấu tuyển Việt Nam sẽ cần được thầy Park đặt lên hàng đầu.
HLV Park Hang Seo cần làm mới lực lượng thi đấu của ĐT Việt Nam |
Khi mật độ thi đấu quá dày, rõ ràng đoàn quân áo đỏ sẽ không thể chỉ trông chờ vào một đội hình duy nhất. Thay vào đó, chúng ta sẽ cần thêm nhiều nhân tố mới, những quân bài tủ có thể tạo đột biến sau khi được tung vào sân.
Trong thời gian qua, đã có không ít gương mặt trẻ đã tỏa sáng rực rõ trong màu áo các đội tuyển Việt Nam cũng như ở CLB mà phải kể tới như Nhâm Mạnh Dũng, Phan Tuấn Tài, Khuất Văn Khang, Lương Duy Cương và thậm chí là Nguyễn Phi Hoàng - cầu thủ mới 19 tuổi đang chơi khá hay trong màu áo SHB Đà Nẵng.
Sự có mặt của những gương mặt trẻ đang trưởng thành nhanh chóng trong vòng một năm trở lại đây được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới cho tuyển Việt Nam. Đồng thời, nó cũng phần nào giúp thầy Park giải quyết được bài toán thể lực được nhận định sẽ rất đau đầu ở kỳ AFF Cup sắp tới.
Mặc dù Malaysia đang được đánh giá cao nhất trong số 4 đối thủ của tuyển Việt Nam ở bảng B, AFF Cup 2022 nhưng không vì thế mà chúng ta có thể xem nhẹ Singapore, đội bóng đang nắm giữ số lần vô địch đứng thứ nhì tại giải đấu.