Sự rút lui ồ ạt chỉ trong một thời gian ngắn khiến bóng đá Việt Nam rơi vào cảnh khủng hoảng trầm trọng.
Vì rất nhiều lý do mà các ông bầu đã phải rút lui. Trường hợp nói lời chia tay đầu tiên chính là của bầu Long và bầu Tuấn ở Hòa Phát. Ở những lượt cuối mùa giải 2011, trong trận đấu gặp Hải Phòng trên sân Lạch Tray, với lý do quá bức xúc bởi cách điều hành thiên vị cho đội chủ nhà của tổ trọng tài, bầu Long và bầu Tuấn đã tuyên bố bỏ bóng đá. Việc chia tay của hai ông bầu này thực sự khiến nhiều người tiếc nuối bởi sau nhiều thi đấu, Hòa Phát là một trong những đội có cách làm bài bản, chuyên nghiệp. Cả bầu Long và bầu Tuấn cũng là những người làm bóng đá rất tâm huyết.
Bầu Trường nhanh chóng bỏ bóng đá sau vài mùa bóng với Ninh Bình
Quyết định chia tay với bóng của hai ông bầu này không biết có phải là sáng suốt hay không, nhưng nó đã “châm ngòi” cho một loạt sự rút lui sau đó. Sự bỏ cuộc của các ông bầu luôn có những lý do khác nhau. Bầu Kiên bị bắt dẫn đến sự giải thể của hai CLB Hà Nội và trẻ Hà Nội. Bầu Kiên cũng chính là người mua lại toàn bộ cơ ngơi của Hòa Phát Hà Nội, trong đó có cả nhân sự đội bóng này. Với cách làm bài bản, không chạy theo thành tích, cho đến giờ cách làm bóng đá của bầu Kiên vẫn được nhiều người khen ngợi.
Sau khi mùa giải năm nay kết thúc, cuộc tháo chạy của các ông bầu mới lên đến đỉnh điểm. Đầu tiên là sự rút lui của bầu Hiển với cái cớ là để tránh bị mang tiếng “một ông chủ hai đội bóng”. Tuy nhiên, bầu Hiển vẫn tài trợ cho Hà Nội T&T và Đà Nẵng, nên sự ảnh hưởng của ông bầu này tới hai đội bóng vẫn rất lớn.
Bóng đá phía Bắc thực sự ảm đạm. Sau bầu Long, bầu Tuấn, bầu Kiên và bầu Hiển, đến lượt bầu Trường của Ninh Bình mới đây cũng rút lui khỏi vị trí Chủ tịch CLB. Lý do bầu Trường lý giải về quyết định của mình là vì ông quá thất vọng với cách hành xử của các cầu thủ, sau khi toàn đội tiến hành đình công để đòi lương thưởng. Cách làm bóng đá của bầu Trường vốn chẳng giống ai. Khi mà ông bầu này không còn hứng làm bóng đá, thì chuyện rút lui và thậm chí là giải tán CLB chỉ được quyết định trong nháy mắt.
Cũng ngẫu hứng và chịu chơi như bầu Trường, cuối cùng bầu Thụy đã chia tay Sài Gòn Xuân Thành. Sau hai năm làm bóng đá, những gì để lại của bầu Thụy chỉ là những kiểu PR đánh bóng tên tuổi, thay vì phát triển bóng đá một cách căn cơ. Thành tích đáng kể mà ông bầu này lập được không lâu trước khi rút lui là việc mua lại đội bóng Navibank Sài Gòn nhanh nhẹn như mua mớ rau, để rồi rất nhanh sau đó giải tán luôn đội này. Sự ra đi của bầu Trường và bầu Thụy, vốn được dự báo từ sớm và chẳng ai thấy tiếc nuối.
Trong cơn bão tài chính, ít ai ngờ bầu Lê Tiến Anh của Khánh Hòa cũng phải rút lui, khiến đội bóng này giờ bị mất tên trên bản đồ bóng đá. Trước đó, bầu Thọ của Navibank Sài Gòn cũng “bỏ của chạy lấy người”, bán vội đội bóng chỉ với 21 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ chưa đầy hai năm, đã có tới 8 ông bầu bỏ bóng đá vì nhiều lý do khác nhau. Bóng đá Việt Nam vốn phụ thuộc quá nhiều vào các bầu sữa của các ông bầu nên khi họ rút lui, ngay lập tức rơi vào cảnh khủng hoảng. Theo Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, đã đến lúc, bóng đá phải sống từ khán giả, từ quảng cáo, bản quyền... thay vì cứ mãi “nhảy sóng”, đánh đu với các ông bầu như hiện nay.
(Theo Vnexpress)