Kể từ khi tạo ra chấn động trong làng bóng đá Việt ở lễ tổng kết V.League 2011, ông bầu Nguyễn Đức Kiên được ghi nhận là một người cầm "lá cờ đầu" làm cuộc cách mạng trong quản lý bóng đá.
Nhưng bên cạnh đó, ít nhất đã có 2 lần bầu Kiên bị mất điểm. Một là câu chuyện về cái tên giải khi cái tên Super League do chính bầu Kiên khởi xướng đã "chết yểu" sau 5 vòng đấu và buộc phải dùng tên cũ là V.League. Hai là câu chuyện xung quanh hợp đồng với cầu thủ Đinh Thành Trung để rồi phần kết là dù rất "căm" nhưng bầu Kiên vẫn phải để cầu thủ này ra đi.
Nhưng những điều ấy chẳng thấm tháp gì nếu cả 2 đội Hà Nội của ông đều "rủ nhau xuống hạng". Đó mới là cú đánh thật nặng, giáng trực tiếp uy tín của ông bầu Nguyễn Đức Kiên trong làng bóng đá. Thực chất vấn đề không phải là chuyện xuống hạng (giống như thắng thua trong bóng đá) mà chính là một lời khẳng định về cách làm bóng đá, thái độ rất thiếu chuyên nghiệp trong hầu hết thành phần đội bóng, đi ngược với mục đích "bóng đá nhà nghề" mà ông Kiên theo đuổi.
Bầu Kiên trực tiếp làm HLV cũng không ăn thua
Người ta không thể quên rằng, chỗ đứng thực sự của CLB BĐ Hà Nội là giải hạng Nhất. Họ ở lại được chính vì cuộc chuyển giao, mua suất của HP.HN. Việc thêm Công Vinh không đảm bảo cho CLB BĐ Hà Nội lột xác. Và như tất cả đã thấy, so với mùa giải trước, họ hầu như chẳng thay đổi gì, ngay cả khi họ đổi ghế HLV.
Vẫn là một CLB hời hợt, chẳng có tham vọng gì và gần như cũng chẳng mấy quan tâm đến chuyện sống chết, trụ hay xuống hạng.
Lại nhớ một năm trước, hình ảnh ông bầu Thụy xin số điện thoại bầu Kiên sau hội nghị các ông bầu họp với thái độ cực kỳ cầu thị. Bây giờ, câu chuyện đã khác. Đội bóng của bầu Thụy có khả năng vô địch trong khi đội bóng của bầu Kiên có khả năng xuống hạng.
Cách làm của ông Thụy, đôi khi hơi kỳ quặc kiểu cải lương văn vở và cũng chẳng ai bảo mô hình của SG.XT đang đi là theo kiểu nhà nghề, chuyên nghiệp. Ấy thế mà SG.XT lại có thể quyết định được ngôi vô địch. Thậm chí bầu Thụy còn có thể tuyên bố thích hay không thích vô địch. Thành ra, ngay cả chuyện ông bầu này chẳng hứa thưởng hay hò hét cầu thủ phải "quyết tâm" vô địch thì người ta cũng thấy bình thường.
Khi ông Thụy chẳng cần đưa cà-rốt thì ông Kiên đã phải dùng "cây gậy". Phải cực cay cú, bầu Kiên mới gom cả đội mắng xối xả ngay sau trận thua N.Sài Gòn: "Nhục. Đá như thế thì quá nhục, các anh có cảm thấy lương tâm mình bị cắn rứt không?". Nếu "nhục" thì có lẽ ông chủ đội bóng mới cảm thấy, hoặc những CĐV trung thành ít ỏi cảm thấy nhục.
Cầu thủ, có lẽ là không.
Còn "lương tâm" - nó là thứ quá xa xỉ đối với bóng đá. 10 năm bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn chỉ là đứa trẻ bú bầu sữa doanh nghiệp. Và vì thế, cái gọi là lương tâm trong bóng đá - vẫn chưa mọc răng.
(Theo VTC)