Nguy cơ HAGL xuống hạng mà người ta dự báo kể từ đầu mùa ắt hẳn phải có cơ sở. Chẳng phải vì thầy trò HLV Graechen yếu kém hay ít kinh nghiệm gì đâu. Họ lao đao là bởi muốn đi theo con đường chuyên nghiệp của riêng mình, tất nhiên điều đó lạc lõng ở cái V-League còn lắm sự nghiệp dư này.
Sau 6 trận đấu ở vòng 19 V-League 2015, khả năng HAGL xuống hạng đang là cao nhất bởi họ đã rơi xuống vị trí cuối bảng, kém Đồng Nai 1 điểm. Một kết quả không bất ngờ, thậm chí là theo đúng “quy luật” mà những người tham gia đấu trường số 1 của bóng đá Việt Nam toan tính từ trước. Vì sao ư? Bởi đơn giản bầu Đức đã tự lựa chọn cho HAGL con đường đi chuyên nghiệp của riêng mình, họ hướng tới lối chơi đẹp, phục vụ NHM, không đặt nặng thành tích. Con đường mà đội bóng phố Núi chọn nó ghập ghềnh, gian khó tới mức mà bầu Đức đã tuyên bố “HAGL xuống hạng cũng không sao”. Tất nhiên đấy là phát biểu để bảo vệ cho con đường đi làm bóng đa sạch, đẹp của đội chủ sân Pleiku, còn trong thâm tâm thì chẳng ai muốn xuống hạng cả. Nhưng khổ nỗi lối đi mà HAGL lựa chọn đi ngược lại với 13 CLB còn lại, 13 đội bóng vẫn sống theo tư duy nghiệp dư suốt bao năm nay. Vì thế HAGL tại V-League 2015 hoàn toàn lạc lõng và nếu nói thầy trò HLV Graechen bị đánh hội đồng cũng chẳng sai.
Ở cái V-League 2015 đầy thị phi này, người ta đâu có thanh cao như suy nghĩ của bầu Đức và những cầu thủ trẻ tại Hàm Rồng. Đôi khi thành tích đội bóng chẳng cần đến cái gọi là thực lực, chuyên môn mà đơn giản chỉ cần có “mối quan hệ tốt” là sẽ trụ hạng thành công. Ông ba Đức muốn đi theo con đường riêng là một chuyện, thế nhưng cả thầy và trò HLV Graechen cũng mất phương hướng trong lần đầu chơi tại V-League. Công Phượng và các đồng đội chỉ biết căng mình ra đá từng trận một, thế nhưng họ vẫn chẳng thể tránh được vị trí cuối bảng. Còn các đội bóng khác dù là yếu hơn HAGL, thậm chí họ có những trận thua “tan nát” thế nhưng số điểm của họ vẫn luôn nhiều hơn thầy trò ông “Giôm”. Ví dụ như Đồng Tháp cũng toàn cầu thủ trẻ như đội bóng phố Núi, đã từng thua Hà Nội T&T tới 0-7, ấy thế mà đến giờ này họ đã có được 20 điểm và yên tâm trong cuộc chiến trụ hạng. Vì sao như? Vì ở sân Cao Lãnh xen kẽ lứa cầu thủ trẻ vẫn còn những bậc đàn anh nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra lãnh đạo của Đồng Tháp đã quá quen với những cuộc đua trụ hạng như thế này. Họ có đủ kinh nghiệm tạo ra các mối quan hệ để tích lũy được số điểm cần có.
V-League quá khắc nghiệt với những cầu thủ trẻ phố Núi |
Chẳng riêng gì đội bóng xứ Bưng Biền mà hầu hết các CLB tại V-League 2015 đã thuộc lòng công thức này để tồn tại suốt bao năm qua. Còn với HAGL, với thầy trò HLV Graechen lần đầu trải nghiệm V-League thì chẳng hề biết tới điều đó. Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường chưa có tiếng nói trong làng cầu thủ nước này. HLV Graechen thì còn “bi đát” hơn khi ông vừa là người nước ngoài, vừa chẳng có mối quan hệ nào với các đội còn lại. Vì thế mới có chuyện, đội nào gặp HAGL cũng đã hết mình, đá “chết bỏ” khiến cho những đứa trẻ nhà bầu Đức phải vất vả giành giật từng điểm số trong cuộc chiến chống xuống hạng. Cùng với tuyên bố đầy ngông cuồng “chấp ngoại binh” của tỷ phú ngành gỗ hồi đầu mùa thì các đối thủ càng “ngứa mắt” hơn, càng có lý do để “đánh hội đồng” HAGL tại V-League 2015. Có lẽ giờ này thì Công Phượng và các đồng đội đã hiểu tại sao trận nào họ cũng phải bung hết sức lực nhưng kết quả lại không được như mong đợi. Còn các đối thủ khác vẫn đá nhởn nhơ nhưng vẫn đứng trên HAGL trong cuộc chiến trụ hạng.
Trong trận đấu giữa Cần Thơ và Hải Phòng ở 18 V-League 2015, đối chủ chính của HAGL là thầy trò HLV Vũ Quang Bảo đã có chiến thắng quý như vàng trước đội bóng nằm trong top dẫn đầu. Thế nhưng ngay sau trận đấu thì dư luận và BTC đã “tuýt còi” vì thái độ thi đấu của đội bóng thành phố cảng. Một trận đấu mà HLV Trương Việt Hoàng bất ngờ “cất” 6 trụ cột với lý do chấn thương và thẻ phạt. Có ai mà biết được là các trụ cột ấy có thật sự chấn thương hay không? Những cầu thủ bị thẻ phạt có phải là chiêu “tẩy thẻ” hay không? Mọi thứ càng trở nên đáng ngờ khi Hải Phòng đã thắng Cần Thơ tại Lạch Tray ở lượt đi. Nhưng rồi sau khi họp BTC, xong xuôi tất cả lại về, không có ai bị xử phạt, chỉ nhắc nhở về tinh thần thi đấu, còn Cần Thơ thì vẫn cứ lấy trọn 3 điểm để tạm thoát khỏi nhóm nguy hiểm. V-League là thế đấy, nhiều khi nhìn vậy mà không phải vậy. Những trận đấu mà người ta vẫn nói là cơ chế “xin cho” vẫn xuất hiện nhan nhản ở giai đoạn cuối mùa. Những đội bóng đã trụ hạng và không có nhu cầu tranh chấp ngôi vô địch thì chuyện thua vài ba trận cũng chẳng ảnh hưởng gì.
Việc HAGL xuống hạng đã hiển hiện trước mắt và có lẽ đây là quy luật tất yếu khi họ đi ngược lại với phần còn lại. Bóng đá xứ ta là vậy! Muốn đá đẹp, đá thanh cao như thầy trò HLV Graechen thì chẳng thể có đất sống.
Doãn Công