Thứ Năm, 14/11/2024Mới nhất
Zalo

Hạ chỉ tiêu SEA Games 29 và nỗi sợ "không hoàn thành nhiệm vụ"

Thứ Sáu 30/12/2016 14:46(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Gần 60 năm không giành nổi tấm HCV môn bóng đá SEA Games nhưng cho đến thời điểm này, bóng đá Việt Nam vẫn không dám đặt mục tiêu cao nhất ở đấu trường khu vực.

Trong buổi tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 vào hôm qua, bóng đá có 2 vấn đề gây tranh cãi. Một là futsal không nằm trong 10 sự kiện thể thao, văn hóa tiêu biểu năm 2016. Hai là hạ chỉ tiêu cho đội U22 dự SEA Games 29 từ HCV xuống HCB. Nếu như futsal gây buồn lòng cho vài người trong nghề thì việc giảm chỉ tiêu đội U22 khiến cả làng bóng đá thất vọng. Như thế có nghĩa sau gần 60 năm, sau biết bao lần cay đắng thì chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ. Vẫn không dám hướng đến ngôi vương, dù đó chỉ là ngôi vương ở “ao làng”.

Từ U21 Quốc tế nhìn về SEA Games 29: Mèo lại hoàn mèo
Trước khi giải U21 Quốc tế diễn ra, chúng ta vẫn cực kỳ tự tin về mục tiêu giành vàng tại SEA Games 29. Nhưng rồi thì tất cả đã trở lại mặt đất sau màn trình...

Quay trở lại thời điểm cách đây 3 năm, khi lứa U19 Việt Nam gây tiếng vang lớn trong năm 2014. Gần như toàn bộ NHM, lãnh đạo VFF đều nói về tấm HCV SEA Games 29, giải đấu mà lứa cầu thủ tài năng Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn vào độ chín. Thậm chí Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức còn tuyên bố rất rõ rằng mục tiêu phải là ngôi cao nhất. Nếu thất bại, toàn bộ lãnh đạo VFF sẽ phải nghỉ. Để chuẩn bị cho kế hoạch đó, Liên đoàn đã đưa HLV Hữu Thắng lên nắm quyền cùng chính sách trẻ hóa đội tuyển. Sau thất bại tại AFF Cup 2016, VFF cũng đã quyết định đưa U22 Việt Nam trở thành nòng cốt ĐTQG.

Ha chi tieu SEA Games 29 va noi so khong hoan thanh nhiem vu hinh anh
Từ kế hoạch giành vàng cách đây 3 năm, U22 Việt Nam chỉ cần giành HCB

Tuy nhiên không lâu sau đó, Tổng cục TDTT đã bất ngờ hạ chỉ tiêu giành vàng cho U22 Việt Nam vào hôm qua. Tức là tại giải đấu sắp tới, nếu lọt vào chung kết là thầy trò HLV Hữu Thắng đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”. Không hiểu tiêu chí của ngành thể thao là gì bởi chúng ta đã nhanh chóng giành HCB tại SEA Games 1995, 4 năm sau khi hội nhập trở lại. Hơn 20 năm sau, bóng đá nước nhà đã lên chuyên nghiệp được 16 năm, đầu tư quá nhiều công sức và tiền bạc nhưng mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ. Cần phải xem lại việc hạ chỉ tiêu tại SEA Games 29 có phải là “đúng quy trình” phát triển hay không? Hay chỉ là sự hèn nhát vì sợ “không hoàn thành nhiệm vụ”?

HLV U21 Thái Lan: “U21 HAGL không có tư duy chơi bóng”
HLV Srithano của U21 Thái Lan vừa có đánh giá rất bất ngờ về hai đội chủ nhà tại giải U21 Quốc tế 2016.

Trong buổi tổng kết của Tổng cục TDTT, việc không chạy đua vào top 3 tại SEA Games 29 là đúng vì nên tập trung và các môn thể thao cơ bản thuộc hệ thống Olympic. Tuy nhiên việc hạ chỉ tiêu của bóng đá Nam, môn thể thao vua thì quả là không ổn. Thậm chí chúng ta có thể đưa ra một so sánh nhỏ để hiểu được sự khác biệt của hai việc trên. Nếu đoàn TTVN có giành cả trăm HCV như những năm trước nhưng bóng đá thất bại thì chắc chắn là không thể nói thành công. Nhưng ngược lại chúng ta chỉ giành vài cái HCV bơi lội, điền kinh và nhất là bóng đá thì đó là vàng 10, quan trọng hơn sẽ khiến tất cả NHM vui sướng, tự hào. Đó là mới tiêu chí đo thành công chứ không phải hàng chục HCV có như không từ đá cầu, lặn hay…. đánh bài.

U22 Viet Nam tiep tuc cam hoa U22 Mexico o tran thu 2
Bóng đá Việt Nam không thiếu tài năng nhưng không có định hướng phát triển

Quay trở lại với môn thể thao vua, việc hạ chỉ tiêu bóng đá Nam SEA Games 29 không khác gì một sự “đầu hàng” trước khi ra trận. Bởi ở vạch xuất phát chúng ta đang không thua kém các đối thủ. Chưa kể từ giờ đến tháng 8 năm sau vẫn là khoảng thời gian để U22 Việt Nam có một sự chuẩn bị tốt nhất cho giải đấu tại Malaysia. Như thế có nghĩa, những người đứng đầu hoàn toàn “buông xuôi” từ lúc này. Không có bất kỳ kế hoạch cụ thể nào để giúp thầy trò HLV Hữu Thắng đạt thành tích tốt nhất. Tại sao không đưa ra nước ngoài tập huấn dài hạn? Không mời nhiều đội mạnh về giao hữu để các cầu thủ trẻ trưởng thành? Thay vì phó mặc toàn bộ cho “ông trời” như bây giờ. Các cầu thủ trở về địa phương, CLB, đa số sẽ ngồi dự bị, mất cảm giác bóng. Khi đó kể cả hội quân trước cả tháng trời vẫn không đủ để tạo ra sức bật cho SEA Games 29.

Dư âm U21 Quốc tế: Mở to mắt mà học Thái Lan
U21 HAGL và U21 Việt Nam được đánh giá rất cao tại giải U21 Quốc tế nhưng rồi đều lỡ hẹn với trận chung kết. Quan trọng hơn, qua giải này chúng ta đã thấy ở...

Vì tấm vé dự World Cup U20, Myanmar đã cho đội trẻ thi đấu ở giải VĐQG như một CLB trong 2 năm. Malaysia đã đầu tư cho đội U22 từ 3 năm nay để săn vàng trên sân nhà. Thái Lan ở đẳng cấp cao hơn khi họ có hệ thống lối chơi đồng nhất từ CLB đến ĐTQG. Còn bóng đá Việt Nam thì sao? Có tài năng đấy nhưng không có hướng phát triển. Lứa U19 rất tài năng 2014 giờ đã “mất tích” gần hết. Lứa U19 năm 2016 tạo kỳ tích dự World Cup nhưng là nằm ngoài dự tính của VFF. Bây giờ, chúng ta không vạch ra hướng đi rõ ràng cho đội U22 mạnh lên. Thay vào đó chỉ lo “không đạt chỉ tiêu”, lo “không hoàn thành nhiệm vụ”, lo Thái Lan mạnh hơn mình… Với cách làm như thế, giấc mơ vàng SEA Games có lẽ mãi chỉ là giấc mơ mà thôi.

Doãn Công (Theo Thể Thao Việt Nam)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X