Đá bóng với thầy “Giôm”
Liên tục các năm 2010 – 2011, các VCK U21 QG và quốc tế – Cúp Báo Thanh Niên liên tục được tổ chức tại Pleiku, Gia Lai, chúng tôi có điều kiện tốt hơn để tiếp cận Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG, tiếp xúc và chơi bóng cùng HLV Guillaume Graechen, qua các trận giao hữu giữa Liên quân HLV – trọng tài – PV với Cựu cầu thủ Gia Lai, hoặc có đôi khi là lứa đầu tiên (loại 2) của Học viện HA.GL Arsenal JMG. Tất nhiên, Guillaume Graechen không bỏ qua những dịp may như thế bao giờ.
Guillaume Graechen |
Không có một sự nghiệp thi đấu vẻ vang, nhưng Guillaume Graechen sở hữu kỹ thuật cá nhân hoàn hảo, tinh thần chiến đấu tuyệt vời. Mặc dù tính chất các trận đấu chỉ là giao hữu, song trước sự chứng kiến của rất đông các học trò, thầy “Giôm” không ngần ngại tung “cước”, với những cú vào bóng mạnh và rát. Thể lực sung mãn của ông thầy sinh năm 1977 này cũng là một điểm sáng, “Giôm” di chuyển liên tục, thu hồi, xin bóng, tổ chức các đợt tấn công cho đội bóng của mình và khá… hiếu chiến.
Chúng tôi không cho rằng, Guillaume Graechen muốn thể hiện mình, mà nếu có, ông muốn các học trò của mình nhìn vào thầy, để ít nhất ngẫm ra điều gì đó. Vào thời điểm đó, lứa cầu thủ đầu tiên (loại 1) của Học viện mới chỉ 13 – 14 tuổi và thậm chí mới tập mang giầy, đội đá giao hữu với chúng tôi cũng thuộc lứa đầu, nhưng nhóm 2 (hay loại 2) do HLV Đinh Hồng Vinh đứng lớp. Bóng đá với “Giôm” không đơn thuần là nghệ thuật trình diễn, mà nó còn là một cuộc chiến thực sự của đàn ông.
Thế nên, nếu ai cho rằng Guillaume Graechen thích thoả hiệp hơn đối đầu (trên sân) có lẽ đã có chút nhầm lẫn. “Giôm” là người duy mỹ, vị nghệ thuật, nhưng tốt hơn là nghệ thuật trình diễn nên đi cùng với thành quả, với chiến công. Guillaume Graechen có thể khá hóm hỉnh, nhưng khi vào việc, ông thầy người Pháp lại cực kỳ nguyên tắc… Việc bầu Đức vẫn giữ “Giôm” trong cabin BHL U19 Việt Nam, thậm chí là HA.GL ở V-League 2015, hiệu quả đến đâu thì còn phải chờ, nên khoan võ đoán đã.
Và chuyện từ phòng họp báo
“Nếu như trước đây, mỗi lần Tuấn Anh ra chân, sẽ có vài… con chim bị bắn. Tôi cho rằng, trận đấu tới đây của ĐT U19 Việt Nam, các bạn nên mang sẵn mấy cái ô, bởi trời sẽ mưa”, HLV Graechen tán dương một cách đầy hài hước sau bàn thắng của cậu học trò ruột vào lưới U19 Myanmar ở bán kết giải Đông Nam Á mở rộng 2014 mới đây. Một bàn thắng thể hiện đầy đủ thuộc tính của Tuấn Anh, kỹ thuật, độ chuẩn xác và nói không ngoa, nó mang đầy đủ bóng dáng của đẳng cấp.
“Bóng đá chỉ đẹp khi chúng ta giành chiến thắng”, HLV người Pháp tỏ ra rất thẳng thắn, sau trận thua sát nút 0 – 1 trước U19 Nhật Bản ở chung kết giải đấu diễn ra tại Mỹ Đình. Mặc dù thua chung cuộc, nhưng đây là một trong không nhiều trận đấu mà thầy “Giôm” cảm thấy hài lòng với màn thể hiện của các học trò. Trước và trong giải đấu này, giải đấu mà Guillaume Graechen lần đầu tiên công khai tham vọng vô địch, ông thầy không ngớt ta thán học trò với những sai lầm ngớ ngẩn.
“Tôi không cho rằng U19 Nhật Bản ở một đẳng cấp khác. Họ chỉ đang ở phía trước chúng ta, với sự chuẩn bị tốt hơn, kỹ - chiến thuật tốt hơn và tâm lý thi đấu cũng tốt hơn. Nhưng dịp đối đầu với họ là cơ hội để chúng ta thẩm định lại năng lực và tiếp cận, thậm chí là bắt kịp họ. Hơn 2/3 thời gian thi đấu chính thức của trận chung kết, chúng ta đã làm việc rất tốt. Khác biệt chỉ được tạo ra khi U19 Nhật Bản là những người tận dụng tốt hơn các cơ hội”, vẫn lời HLV Guillaume Graechen.
Khảng khái, đĩnh đạc và tất nhiên không thể thiếu sự khôn ngoan với một người ngoại quốc như Guillaume Graechen, với những câu hỏi khó. “Giôm” luôn giành thế chủ động hoặc cố gắng để có điều đó, bằng việc lái các vấn đề theo hướng mở. Hy vọng, thuyền trưởng xứ lục lăng sẽ giữ được điều đó trong chỉ đạo, đọc trận đấu, thay người và điều chỉnh chiến thuật, khi U19 Việt Nam sẽ bước tiếp hành trình tại VCK U19 châu Á diễn ra tại Myanmar vào tháng 10 tới đây.
Theo giới chuyên môn và cả những người từng dõi theo bước tiến của U19 Việt Nam dưới thời Guillaume Graechen, việc nâng cấp một giáo viên bậc Tiểu học, lên Trung học, rồi Đại học…, là thiếu logic và có thể sẽ phải trả giá. “Giôm” hoàn hảo trong uốn nắn độc tác cơ bản, dựa trên giáo án khoa học, được lập trình, nhưng kinh nghiệm làm bóng đá đỉnh cao, khả năng đọc trận đấu và điều chỉnh, là điều mà ông thầy này cần phải kiện toàn.
Trong một vài tình huống cụ thể (U19 Việt Nam bị thua ngược chẳng hạn), “Giôm” từng bị cho là “điểm mù” của đội bóng. Theo bốc thăm, chia bảng, tại VCK U19 châu Á Myanmar 2014, U19 Việt Nam (nhóm 4) rơi vào bảng cực khó (bảng C), với sự có mặt của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Nếu như U19 Nhật Bản đã ở một đẳng cấp khác (toàn thắng 3 trận trước U19 Việt Nam trong năm 2014), thì U19 Hàn Quốc thậm chí còn được đánh giá cao hơn (xếp ở nhóm 1).
Bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá trẻ nói riêng, có thể không ngại khi đối đầu với các đại diện Trung Đông (hoặc Tây Bắc Á), nhưng Đông Bắc Á thì thực sự là “ca khó”. Khó nhưng không phải không thể!
Theo Thể Thao Văn Hoá