- Tại sao hệ thống phòng ngự phản công của ĐT Việt Nam sụp đổ
- ĐT Việt Nam thua từ vạch xuất phát
- Chủ tịch VFF đổ lỗi cho trọng tài: Bổn cũ soạn lại
HLV Miura cho rằng Việt Nam thua vì không may mắn. Còn Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thì phán vị trọng tài Australia đã bắt rát. Nhưng đá như đội tuyển Việt Nam thì thắng để làm gì?
Trước hết phải khẳng định rằng việc chọn lối đá phòng ngự trước Thái Lan là hợp lý, biết mình biết người. Bởi trên thực tế, bóng đá Thái Lan vẫn đang nhỉnh hơn Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực 1 bậc. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ lối chơi phòng ngự ấy cần phải phục vụ cho mục đích phản công. Tức là giống như một con thú thu mình chờ thời, trước khi giải quyết con mồi.
HLV Miura bất lực trên băng ghế chỉ đạo |
Còn đội tuyển Việt Nam của HLV Miura thì chỉ đơn giản là hướng tới mục tiêu tử thủ, cầu hòa. Điều ấy thể hiện rất rõ ở cách bố trí nhân sự của vị chiến lược gia người Nhật. Cả 4 tiền vệ được ông sử dụng đá chính đều là những người có khả năng tranh chấp cực tốt, giàu tính cơ bắp. Không ai thực sự là người có khả năng làm bóng, tấn công.
Nên nhớ rằng, ngay cả Jose Mourinho – một người có thói quen dựng xe bus trước các đối thủ cũng không bao giờ xếp đội hình một cách tiêu cực như vậy. Khi cần Người Đặc Biệt sẵn sàng bố trí Zouma đá cặp tiền vệ trung tâm cùng Matic để tăng cường khả năng phòng ngự.
Nhưng xoay quanh 2 cầu thủ này vẫn phải là các vệ tinh như Fabregas, Hazard, Oscar hay William... để đảm bảo sự hài hòa nhất định giữa tấn công và phòng ngự. Còn Việt Nam thì không như thế. Trong phần lớn thời gian của trận đấu, đặc biệt là hiệp 1, các chàng trai áo đỏ gần như không có mảng miếng, ý đồ gì trong việc triển khai bóng. Họ chỉ vào vai một võ sĩ gồng mình chịu đòn trước đối thủ.
Bản thân lối chơi phòng ngự không xấu. Giống như tấn công, nó cũng là một thứ nghệ thuật của môn thể thao vua. Chỉ có điều, cái cách mà HLV Miura triển khai lối chơi này trước Thái Lan thì quả thật xấu xí. Ngoài chuyện chỉ chăm chăm phá bóng, các học trò của Miura còn chủ động đá rắn, liên tục phạm lỗi, kể cả vật cầu thủ Thái Lan.
Quyết định truất quyền thi đấu của Minh Châu có thể hơi nặng. Nhưng rất có thể điều ấy bắt nguồn từ tâm lý ác cảm mà ông vua sân cỏ này dành cho lối đá xấu của chúng ta.Lựa chọn chiến thuật và cách tiếp cận trận đấu của HLV Miura đã khiến đội tuyển Việt Nam có một cuộc chiến khổ sở, lép vế nhất với Thái Lan từ trước đến nay.
Theo dõi trận đấu có cảm giác, chúng ta đang phải thi đấu với một đối thủ vượt tầm, chứ không phải là 1 đội tuyển cùng khu vực. Rõ ràng, nếu không có may mắn song hành cũng như các cầu thủ Thái Lan tự tin, dứt khoát hơn trong những pha dứt điểm thì chúng ta đã thua đậm hơn, thậm chí là vỡ trận.
Nếu Công Vinh có tận dụng được 2 tình huống phản công hiếm hoi trong hiệp 2 để giúp đội nhà có một kết quả tốt thì đấy cũng chẳng phải chuyện mừng. Vì thành tích ấy nếu có xảy ra cũng không thể che mờ sự thực nó chỉ là sự ban phát may mắn của số phận, chứ chúng ta không xứng đáng thắng. Và một chiến thắng như vậy cũng không phản ánh thực chất của nền bóng đá.
Tất nhiên, đã là thi đấu thì ai cũng mong muốn đội tuyển Việt Nam có một kết quả tốt. Nhưng thành tích cũng chẳng phải là thứ duy nhất của thể thao, nhất là thể thao đỉnh cao. Hành trình còn giá trị hơn đích đến. Những trận thua như trước Thái Lan vừa qua chẳng giúp chúng ta có được bài học gì cho tương lai, trong khi tự khoác lên mình một bộ mặt xấu xí.
Xét cho cùng bóng đá cũng chỉ là một môn thể thao, một trò chơi hướng tới mục đích duy nhất là đem lại sự thỏa mãn, giải trí cho khán giả không hơn không kém. Khi ĐT Việt Nam chọn cách triệt tiêu mọi thứ cảm xúc, mọi vẻ đẹp của bóng đá thì chiến thắng để làm gì? Và cũng đừng ngạc nhiên nếu họ có bị người hâm mộ quay lưng, ghẻ lạnh.
Theo Soha