Chủ Nhật, 22/12/2024Mới nhất
Zalo

Giải hạng Nhất Quốc gia và bài toán tiền đâu đầu tiên

Thứ Ba 20/08/2024 10:56(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Có lẽ chưa năm nào VFF và VPF gặp khó khăn như năm nay khi mà giải hạng Nhất Quốc gia đang đứng trước nguy cơ giảm quy mô số đội tham dự xuống còn... 8 đội, do những khó khăn về tài chính. 

Đau đầu bài toán tiền đâu - đầu tiên

Trước việc nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí suy thoái bởi những yếu tố thời kỳ hậu Covid-19, bên cạnh những cuộc xung đột vũ trang ở các điểm nóng trên thế giới, kinh tế Việt Nam nói chung và thể thao nước nhà nói riêng lúc này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Vào lúc này, bài toán kinh tế chi phối đã khiến một số đội bóng vào lúc này không còn nhận được nhiều khoản đầu tư, tài trợ như trước. Đây cũng được đánh giá là nguyên nhân khiến nhiều đội rơi vào khủng hoảng trước thềm mùa giải mới 2024/25.

Giải hạng Nhất Quốc gia và bài toán tiền đâu đầu tiên 1
CLB Thanh Hóa dính lùm xùm nợ lương cầu thủ trước mùa giải mới.

Chẳng nói đâu xa, ngay tại V-League, đội bóng vô địch Cúp QG Đông Á Thanh Hóa mới đây cũng dính vào vụ lùm xùm nợ tiền cầu thủ. Dù sau đó, đội bóng xứ Thanh đã có phương án giải quyết là trả xong tiền lương còn nợ cho các cầu thủ nhưng được biết Thanh Hóa vẫn đang nợ khoản tiền thưởng hàng tỷ đồng với các thành viên trong đội. 

Dẫu sao thì Thanh Hóa vẫn còn kiểm soát được tình hình để hướng đến mùa giải mới 2024/25 mà trước mắt sẽ là trận ra quân tại ASEAN Shoppe Cup gặp Shan Utd của Myanmar vào ngày 21/8 tới đây. Trong khi ở giải hạng Nhất, nhiều đội bóng đã và đang đứng trước nguy cơ bỏ giải với một nguyên nhân duy nhất là... hết tiền. 

Như đã biết, CLB Long An và Định Hướng Phú Nhuận mới đây đã trở thành hai cái tên đầu tiên từ chối tham dự giải hạng Nhất quốc gia mùa tới do gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, tổ chức thi đấu.  

Trong công văn gửi VPF và VFF hôm 19/8 vừa qua, đội bóng Sài thành đã ghi rõ: “CLB Định Hướng Phú Nhuận phải chuyển sang mô hình Công ty Cổ phần bóng đá và CLB nhận thấy còn vướng một số khó khăn như hình thành tổ chức bóng đá theo luật doanh nghiệp. Vì vậy, CLB Định Hướng Phú Nhuận nhận thấy không đủ điều kiện để tham dự các giải đấu chuyên nghiệp do VPF tổ chức”.

dinh Huong Phu Nhuan xin rut lui khoi giai hang Nhat
Định Hướng Phú Nhuận vừa xin rút lui khỏi giải hạng Nhất 2024/25.

Tương tự, nhà cựu vương V-League Long An cũng đã chính thức xác nhận với VPF không tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia mùa giải 2024/2025. Trước đó, CLB Long An đã được đơn vị quản lý là Công ty Cổ phần Phát triển bóng đá Long An trả về cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An. CLB Long An không tham dự giải hạng Nhất 2024/2025. 

Lý do được đưa ra là trong 9 năm qua, trung bình mỗi năm CLB Long An đã 'đốt' khoản tiền lên tới 25 tỉ đồng/mùa để duy trì hoạt động thi đấu tại giải hạng Nhất QG. Tuy nhiên do tình hình kinh tế khó khăn nên Công ty Cổ phần Phát triển bóng đá Long An không thể tiếp tục tài trợ cho đội.

Sự rút lui của hai đội bóng trên khiến giải hạng Nhất lúc này chỉ còn 10 đội. Tuy nhiên rất có thể con số này sẽ còn tiếp tục giảm khi hai CLB Khánh Hoà và Đồng Nai vẫn chưa chính thức trả lời việc có tham dự giải hạng Nhất mùa tới hay không. 

Hiện tại cả hai đội bóng này đều đang gặp phải những khó khăn trong việc thu hút nhà tài trợ. Và trong trường hợp xấu nhất, cả hai có thể sẽ bỏ giải nếu thiếu kinh phí hoạt động. 

 

Loay hoay hướng đi cho các đội hạng Nhất

Từ lâu nay, giải hạng Nhất Quốc gia vẫn ít dành được sự quan tâm từ phía người hâm mộ. Đơn giản là bởi giải đấu này vẫn chưa tạo ra sức hút, đủ để có thể kéo khán giả tới sân theo dõi các trận đấu đông hơn. 

Có nhiều lý do khiến các đội bóng hạng Nhất bị đánh giá thấp trong mắt khán giả. Từ chuyện chuyên môn chưa tốt khi đa phần lực lượng các đội tham dự đều là những cầu thủ hạng 2, cầu thủ 'hết thời' ở V-League hay các cầu thủ trẻ, hay không có ngoại binh, cho tới cách làm truyền thông chưa thực sự tạo điểm nhấn, gây ấn tượng của CLB. 

Và khi sức hút từ các đội hạng Nhất là rất thấp, thì thật khó để họ có thể kiếm tiền từ việc bán vé hay các dịch vụ kinh doanh áo đấu, quà lưu niệm tại sân vận động. Đó cũng là lý do khiến không chỉ các đội hạng Nhất mà đa số các CLB tại Việt Nam vẫn chưa thể 'tự nuôi sống mình', thay vì tiếp tục phụ thuộc hoàn toàn vào 'bầu sữa' của các ông bầu, các đối tác nhà tài trợ.

Tuy nhiên các CLB sẽ không thể mãi trông chờ vào nguồn tài trợ mà thay vào đó, họ sẽ cần tìm những hướng đi riêng để duy trì và phát triển đội bóng. Các nhà đầu tư sẽ không bỏ tiền 'nuôi các đội bóng' một cách phi lợi nhuận. Và tới khi lợi nhuận về 0 thì thật khó để các đội có thể 'giữ chân' các nhà đầu tư ở lại.

Giải hạng Nhất Quốc gia và bài toán tiền đâu đầu tiên 2
Đến bao giờ các đội hạng Nhất mới có thể tạo sức hút lớn với khán giả?

Thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư chịu chi đã 'chăm sóc' rất tốt cho các đội bóng hạng Nhất, mà trường hợp của Trường Tươi Bình Phước, Phù Đổng Ninh Bình hay gần nhất là CLB Thanh Niên TP.HCM là những ví dụ điển hình. Song không phải đội bóng nào cũng có được 'may mắn' đó.

Trong quá khứ đã có nhiều CLB phải chấp nhận bỏ giải vì không tìm kiếm được những nguồn tài trợ như trường hợp của đội bóng Than Quảng Ninh, Sài Gòn FC hay Cần Thơ. Thậm chí đến lúc giải thể, đội Than Quảng Ninh vẫn còn nợ hàng tỷ đồng tiền lương thưởng cho các cầu thủ mà không hẹn ngày trả lại. 

Rõ ràng nhiệm vụ giữ chân nhà tài trợ chắc chắn vẫn là một bài toán khó với các đội bóng ở giải hạng Nhất Việt Nam. Họ rõ ràng cần phải chơi tốt để thu hút tài trợ. Nhưng nghịch lý ở chỗ nếu không có tiền để đầu tư, nâng cấp đội hình thì rất khó để các đội bóng có thể chơi tốt để nhận được nhiều nguồn tài trợ. 

Vì vậy việc phát triển hệ thống các đội hạng Nhất chắc chắn sẽ là một nhiệm vụ mà cả bản thân các đội cũng như phía VFF, VPF sẽ phải ngồi lại bàn bạc để tìm hướng giải quyết. Bóng đá Việt sẽ khó phát triển bền vững nếu giải hạng Nhất liên tục xuất hiện 'sự cố'.

Ở mùa giải năm ngoái, giải đấu này chỉ có 11 đội dự giải sau khi CLB Bình Thuận bỏ giải do gặp khó khăn vì vấn đề kinh phí. Và ở mùa bóng năm nay, mọi chuyện có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu các đội Đồng Nai và Khánh Hoà không tham gia thi đấu. 

Khi ấy giải hạng Nhất 2024/2025 chỉ còn 8 đội. Đây là kịch bản mà bất kỳ ai cũng không mong muốn xảy ra bởi những hệ lụy mà nó có thể gây ra cho hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh giải V-League đang có 14 đội đây rõ ràng là bài toán lớn cho cả nền bóng đá, khi phần chân đế đang ngày càng nhỏ dần đi so với phần đỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X