Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Duy Mạnh chấn thương: Sự nghiệt ngã phía sau ánh hào quang

Thứ Sáu 13/03/2020 11:34(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Duy Mạnh thuộc lứa cầu thủ vàng đã cùng bóng đá Việt Nam tạo nên những chiến tích vang danh châu lục. Tuy nhiên, cũng chính vì là một cầu thủ có tầm ảnh hưởng rất rộng mà Mạnh gắt cũng không thể trụ vững trước cơn bão chấn thương đang càn quét trên tuyển.

  
Sự nghiệt ngã phía sau ánh hào quang

Duy Mạnh góp mặt trong lứa cầu thủ từng giúp bóng đá Việt Nam tạo tiếng vang ở đấu trường châu lục khi từng vào tới trận chung kết U23 châu Á 2018. Đây cũng là giải đấu mà Mạnh 'gắt' thi đấu khá thành công và trở thành một trung vệ đúng nghĩa dù trước đó, khá nhiều người đã e ngại cầu thủ người Hà Nội không thể đáp ứng được những yêu cầu ở vị trí này bởi anh vốn dĩ xuất thân là một tiền vệ phòng ngự.

Duy Mạnh chấn thương Sự nghiệt ngã phía sau ánh hào quang hình ảnh
Duy Mạnh dính chấn thương là hệ quả từ việc phải cày ải quá nhiều trong hai năm qua.


Sau giải đấu thành công đó, Duy Mạnh đã trở thành cái tên không thể thay thế ở các cấp độ ĐTQG cho tới khi về khoác áo CLB Hà Nội. Trong suốt hai năm vừa qua, Duy Mạnh liên tục được HLV Park Hang Seo triệu tập tham dự các giải đấu lớn nhỏ ở khu vực và châu lục như ASIAD, Asian Cup, AFF Cup cho tới vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.

Ở cấp CLB, Mạnh 'gắt' cũng là lựa chọn hàng đầu của ông Chu Đình Nghiêm khi anh đã xuất hiện ở gần hết các trận đấu của đội bóng Thủ đô tại sân chơi V-League, cúp QG và đấu trường AFC Cup trong hai năm 2018 và 2019.

Theo con số thống kê trên Soccerway, Duy Mạnh đã thi đấu 2110 phút trong 24 trận đấu tại V-League 2018. Cùng năm đó, anh ra sân 25 trận với tổng cộng 2196 phút trong màu áo các ĐTVN.  Cộng tổng lại, Mạnh 'gắt' đã phải thi đấu 49 trận trong năm 2018 với 4306 phút có mặt trên sân ở mùa bóng 2018. 

Sau một năm bận rộn với điểm nhấn lớn nhất chính là chức vô địch AFF Cup 2018, sang năm 2019, đây tiếp tục là một năm vất vả với Đỗ Duy Mạnh khi anh liên tục phải gồng mình lên thi đấu ở cả cấp độ đội tuyển lẫn CLB. Theo Soccerway, trong năm vừa qua cầu thủ sinh năm 1996 đã chơi 4030 phút trong 47 trận (vẫn chưa tính số phút thi đấu ở Cúp Quốc gia). Như vậy trong cả hai năm 2018 và 2019, Mạnh "gắt" đã đá 96 trận chính thức, với hơn 8000 phút xuất hiện trên sân cỏ.

Tính ra, tổng số phút ra sân trong suốt hai năm qua của Duy Mạnh có lẽ chỉ xếp sau hai người đồng đội ở CLB Hà Nội là Quang Hải và Văn Hậu. Điều đó đã cho thấy anh đã bị 'cày ải' nhiều như thế nào vì thành công chung của cả tập thể. Và khi cơ thể liên tục trong tình trạng hoạt động quá tải, chấn thương dây chằng xuất hiện với Duy Mạnh cũng là điều dễ hiểu.
 

Duy Mạnh không phải người duy nhất

Với việc Đỗ Duy Mạnh gặp chấn thương dây chằng trong trận tranh Siêu cúp QG vừa qua, anh cũng là cái tên thứ 6 trong thành phần của U23 Việt Nam lập kỳ tích giành ngôi á quân tại VCK châu Á 2018 dính chấn thương liên quan đến dạng chấn thương này.

Trước Duy Mạnh, bộ đôi hậu vệ cánh Văn Thanh và Xuân Mạnh đều gặp những chấn thương tương tự và phải nghỉ thi đấu tới 7 tháng. Trong khi đó, Đình Trọng cũng phải mất 8 tháng để phẫu thuật và điều trị mới có thể tái xuất sân cỏ sau khi bị đứt dây chằng trong trận đấu trên sân Pleiku của HAGL hồi tháng 5 năm ngoái. 

The he vang cua bong da Viet Nam dang roi rung dan vi chan thuong lien quan toi day chang
Thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam đang "rơi rụng" dần vì chấn thương liên quan tới dây chằng


Lâu hơn Đình Trọng, Phan Văn Đức thậm chí còn mất tới hơn 8 tháng để điều trị chấn thương dây chằng quái ác. Anh bị đau trong một buổi tập của SLNA chuẩn bị cho trận đấu gặp Than Quảng Ninh tại vòng 2 V-League 2019 và đến hiện tại, "Đức cọt" mới bắt đầu tập luyện trở lại.

Gần đây nhất, tiền vệ Lương Xuân Trường cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, khi anh bị tổn thương dây chằng trong một buổi tập của ĐT Việt Nam chuẩn bị cho loạt trận vòng loại World Cup 2022 vào tháng 10/2019. Từ đó tới nay, Trường 'híp' cũng phải ngồi ngoài trị thương và tới bây giờ vẫn chưa hẹn ngày tái xuất sân cỏ.

Như vậy trong số 11 cầu thủ đã dự trận chung kết U23 châu Á 2018, lúc này chỉ còn 5 cái tên là thủ môn Bùi Tiến Dũng, trung vệ Bùi Tiến Dũng, tiền đạo Công Phượng, tiền vệ Đức Huy và tiền vệ Nguyễn Quang Hải là chưa 'nhiễm' căn bệnh này.

Vậy tại sao, lứa cầu thủ được coi là thế hệ vàng, từng mang đến vinh quang cho bóng đá Việt Nam bằng những chiến tích thần kỳ ở sân chơi châu lục lại dễ dàng 'ngã gục' đến vậy? 

Chấn thương dây chằng có thể nói là một 'cơn ác mộng' với tất cả các cầu thủ bởi khi đã gặp phải các cầu thủ sẽ mất rất nhiều thời gian để hồi phục. Và ngay cả khi bình phục và thi đấu trở lại, họ cũng sẽ mất thêm rất nhiều thời gian để lấy lại cảm giác chơi bóng và thậm chí có thể không còn đạt phong độ tốt như xưa nữa.

xuan truong
Dính chấn thương dây chằng, Xuân Trường vẫn chưa hẹn ngày trở lại sân cỏ.


Văn Thanh lúc này vẫn đang phải nỗ lực từng ngày để lấy lại phong độ tốt nhất của mình ở Hoàng Anh Gia Lai. Trong khi đó tại CLB Hà Nội, HLV Chu Đình Nghiêm thì chưa dám mạo hiểm sử dụng Đình Trọng sau những gì anh vừa trải qua. Vừa bình phục chấn thương dây chằng, Phan Văn Đức cũng không dám tập những bài tập quá nặng trước mùa giải mới cùng SLNA còn Xuân Mạnh và Xuân Trường đều phải cần thêm một thời gian nữa mới có thể trở lại thi đấu.

Chấn thương này có thể đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân dễ nhận thấy chính là việc các cầu thủ phải cày ải quá nhiều từ câu lạc bộ cho đến ĐTQG, từ đấu trường quốc nội cho đến sân chơi châu lục. Và việc Duy Mạnh, Xuân Trường hay Văn Đức gặp phải điều này cũng là điều dễ hiểu, khi mà họ đều đã phải gồng mình lên để đảm đương nhiệm vụ ở cả trên tuyển lẫn ở CLB. 

Có thể nói, VCK U23 châu Á 2018 như sân khấu để nhiều tài năng bước ra ánh sáng. Song việc các HLV đang 'lạm dụng' tài năng của họ một cách quá mức cũng khiến nhiều người đang phải đối mặt với những chấn thương nghiêm trọng trong sự nghiệp. Và nếu các đội bóng không biết cách chăm sóc tốt nhất cho các ngôi sao của mình, thì tương lai của bóng đá Việt Nam chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Duy Mạnh chấn thương và bài toán nhân sự hóc búa với HLV Park Hang Seo
Hậu vệ Đỗ Duy Mạnh gặp chấn thương nặng ở đầu gối trong trận tranh Siêu cúp QG 2019. Và đó thực sự là một tin dữ với HLV Park Hang Seo, bởi việc tìm người thế...
VIDEO: Những cầu thủ từng bị chấn thương dây chằng đầu gối hành hạ
Được đánh giá là chấn thương có thể phá hỏng sự nghiệp các cầu thủ, ACL vẫn là bài toán khó đối với các bác sĩ, khi có thể chữa trị nhưng tỉ lệ tái phát không...
THỐNG KÊ: Duy Mạnh là ca thứ 8 dính chấn thương dây chằng trong đội hình U23 Thường Châu
Duy Mạnh là trường hợp thứ 8 gặp vấn đề về dây chằng đầu gối trong danh sách các cầu thủ từng tham dự VCK U23 châu Á 2020.

Minh Long

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X