Tung hô thì được, nhưng đừng để Phượng đi vào vết xe đổ của Quyến |
Chúng ta có thói quen gán ghép tên của các cầu thủ nước ngoài vào tên các cầu thủ nước nhà để miêu tả một số điều như: lối chơi của 2 cầu thủ rất giống nhau, hay nếu như cầu thủ Việt cố gắng thì có thể đạt được những thành tựu như những cầu thủ ngoại ấy. Khi Phi Sơn nổi lên cách đây khoảng 6 tháng, em được gọi là Ronaldo Việt Nam. Bây giờ, cái tên Messi Việt Nam được gắn cho Công Phượng, người vừa ghi một bàn thắng rất đẹp mang về chiến thắng cho U19 Việt Nam trước đối thủ có thể có thể coi là mạnh nhất khu vực châu Á, U19 Australia. Trong một ngày mà Công Phượng làm lu mờ chính... Messi Australia thì em đã được có tên trên các trang báo của Anh với tư cách một cầu thủ trẻ của lò đào tạo Arsenal đang gây được thiện cảm với Arsene Wenger.
Đúng, phải thừa nhận Công Phượng là một trong những cầu thủ trẻ có giá trị lớn nhất nước mình bây giờ. Nói cho công bằng, khi đặt cạnh những đồng đội như Phan Văn Long, Hoàng Thanh Tùng... thì Phượng hơn một bậc. Người viết không đề cập đến khía cạnh chuyên môn ở đây, bởi lẽ ai chẳng biết các em ăn tập thì được 10 phần, đi thi đấu may ra thì được 5 hay 6. Ngành nào cũng vậy thôi và ai có chơi đá bóng thì hiểu: đôi khi cầu thủ thể hiện được năng lực trên sân là vì được trao cơ hội, còn một số người phải hi sinh cho những người khác toả sáng. Công Phượng là nhạc trưởng rồi, một rừng chẳng thể có hai hổ; thế nên hôm qua người ta khen Phượng bao nhiêu khi quên mất Xuân Trường bấy nhiêu. Xuân Trường chuyền ở tuyến giữa sắc sảo chẳng thua gì... Xavi, thế mà từ hôm qua đến giờ đọc các trang báo chỉ thấy mỗi Messi Việt Nam chứ chẳng thấy Xavi Việt Nam đâu. Cái mà người viết muốn đề cập tới ở đây là sự tự tin của các em trong quá trình thi đấu. Văn Long sút trượt tâm bóng trong một tình huống ở hiệp 2 dù đã được dọn cỗ cực đẹp, đưa bóng đi ra ngoài một cách đáng tiếc và rồi chàng trai khẳng khiu này ôm đầu tiếc nuối, tức giận với chính mình như thể đã làm điều gì tội lỗi lắm. Thanh Tùng có cơ hội đối mặt với thủ môn đối phương nhưng cũng vì cóng mà không thể tận dụng cơ hội. Chỉ có Phượng, hỏng thì đứng lên làm lại, không trách giận bản thân, không mất bình tĩnh trên sân đấu. Khoảnh khắc duy nhất mà Phượng gần như phát khóc lên chính là lúc em solo qua vòng vây của 5 cầu thủ đội bạn rồi ghi bàn.
Hình ảnh của Phượng đêm qua làm người ta nhớ lại một chương vui mà buồn của bóng đá Việt Nam mang tên Văn Quyến. Cũng ở tuổi 19, Văn Quyến từng làm nổ tung cầu trường SVĐ Quốc gia Mỹ Đình, một vài khoảnh khắc vụt sáng thiên tài của Văn Quyến làm mỗi người Việt Nam phải sởn da gà khi nhắc lại. Quyến ghi bàn vào lưới Thái Lan bằng cú volley sát vòng cấm địa để đưa hai đội về vạch xuất phát, khoảnh khắc ấy có lẽ chưa ai quên. Những khán đài rực cháy lửa nhiệt huyết, lửa tình yêu bóng đá, lửa thù hận trong bóng đá với Thái Lan nay được hả hê thoả mãn. Người ta chẳng gọi Văn Quyến bằng danh xưng gì mà chỉ gọi bằng cái tên mộc mạc thân thương, ấy là Quyến béo. Thế mà Quyến béo còn sa ngã và phụ lòng người hâm mộ bằng scandal bán độ ở SEA Games 23, hình như Quyến quên đi cái cảm giác được ăn mừng bàn thắng dưới thảm cỏ Mỹ Đình lồi lõm mà được bao bọc bằng tình yêu của toàn thể người dân Việt Nam. Tất cả chỉ vì Quyến được đưa lên mây xanh quá sớm. Ngày ấy, Quyến được gọi là thiên tài của bóng đá Việt Nam, anh ngủ quên trên chiến thắng mà quên đi mất giá trị đích thực mà bóng đá đã mang lại cho cậu bé Văn Quyến nơi miền quê Nghệ An lam lũ, để rồi hụt chân xuống bùn không hay. Bây giờ, với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, những cái tên như Messi Việt Nam, thiên tài của bóng đá Việt... sẽ đến tai Công Phượng chẳng có gì khó khăn. Và một cậu nhóc đi lên từ một miền quê nghèo liệu có tránh được việc "ảo tưởng sức mạnh" khi được coi là số 1 của tập thể bóng đá trẻ được kì vọng nhất Việt Nam? Việc Phượng được coi như số 1 mang lại nhiều hậu quả: Liệu rằng Phượng có coi mình là chiếu trên so với các bạn cùng lứa, liệu rằng Phượng có đi vào vết xe đổ của Quyến, liệu rằng Phượng có đủ tỉnh táo để hiểu rằng em chỉ vừa toả sáng trong một trận đấu cấp vòng loại với các cầu thủ đối phương chưa phải là quá chuyên nghiệp?
Những điều quy chụp ấy nghe thật chua xót và quá đáng với Phượng, bởi dù sao em cũng chỉ vừa ghi bàn đưa U19 Việt Nam đến với chiến thắng, thiết nghĩ có nên để chàng trai trẻ ấy vui thêm mấy nả? Đúng, nên cho Phượng vui một chút chứ đừng kéo em xuống mặt đất ngay, nhưng Phượng cũng nên hết sức cẩn thận với những cám dỗ, đừng để sau một chiến thắng nhỏ mà đánh mất mình. Em vẫn còn nhiều thứ để làm trước mắt, mà ngủ quên trên chiến thắng với cái tên Messi Việt Nam sẽ chẳng được lợi lộc gì: em còn phải trau dồi nhiều trước khi có thể khoác áo một CLB tại V-League, nơi mà cả một Lee Nguyễn xuất chúng bậc nhất nước Mỹ cũng phải chào thua; mà nếu Phượng có cơ hội được ra nước ngoài, nhìn thấy những cầu thủ cùng trang lứa ở châu Âu, em cũng cần rất cố gắng để theo kịp về cả mặt ý thức chiến thuật, thể hình thể lực, khả năng tranh chấp... Phượng mới chỉ chập chững đi những bước đầu tiên trên con đường bóng đá chuyên nghiệp sẽ theo em trong suốt 20 năm sắp tới, và có một niềm khích lệ như những chiến thắng vừa qua là liều thuốc kích thích không thể tuyệt vời hơn; nhưng em hãy cứ giữ nó như một động lực để mình bước tiếp, chứ đừng biến nó thành một cái cùm để níu chân mình lại để rồi hậu quả lớn nhất là bàn thắng đêm qua, trớ trêu thay, sẽ là dấu ấn duy nhất trong đời cầu thủ của em.
Vì thế, hãy làm cách nào đó để Phượng bước tiếp, cố gắng nhiều hơn nữa, làm rạng danh bóng đá nước nhà, chứ đừng khiến em huyễn hoặc bản thân. Tuổi trẻ bồng bột, thành công đến sớm gây hậu quả khó lường. Chúc mừng Công Phượng, em sẽ có vài ngày để vui, trước khi lại tiếp tục được thử lửa với một cái tên mạnh hơn nhiều: U19 Nhật Bản. Nếu em thành công trước Nhật, một cánh cửa cơ hội lớn đang mở ra, để đến môt nơi có thể em được là chính em, Nguyễn Công Phượng, và chẳng cần ai gán ghép với Lionel Messi vĩ đại của bóng đá thế giới.
Thành Nguyễn