Thứ Tư, 06/11/2024Mới nhất
Zalo

ĐT Việt Nam thua từ vạch xuất phát

Thứ Hai 25/05/2015 12:37(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Không ai yêu cầu ĐTVN chơi đôi công với đối thủ mạnh trên sân khách. Nhưng người hâm mộ có quyền đòi hỏi nhà cầm quân người Nhật có thêm giải pháp ngoài việc phá bóng.

HLV Miura không tạo ra bất ngờ nào trong tư tưởng chơi bóng mà ông đang áp dụng cho ĐT Việt Nam. Từ cách bố trí đội hình, sắp xếp nhân sự cho đến xử lý tình huống, ông đều làm… không có gì mới. Trận này, hàng thủ của đội bóng áo đỏ được “che kín” phía trước bằng 2 tiền vệ thiên về phòng thủ là Minh Châu và Khánh Lâm. Hai tiền vệ còn lại cũng có thiên hướng cả công lẫn thủ (Võ Huy Toàn, Nguyễn Trọng Hoàng).

Tiếng là đội hình 4-4-1-1 nhưng thực chất, nhiệm vụ của Khánh Lâm, Minh Châu được xem như… hậu vệ. Cái khác chỉ là họ đá phía trên Quế Ngọc Hải, Huy Cường, Minh Tùng và Thanh Hiền. Cả trận, hai cầu thủ này thể hiện tinh thần máu lửa, sẵn sàng lao vào chân đối thủ theo kiểu “đá chết bỏ”. Cách kèm phá của họ khiến người ta có cảm giác, ĐT Việt Nam đá với 6 hậu vệ bu kín "khu yết hầu".

Loi choi tu thu va lien tuc pham loi cua DT Viet Nam de lai hinh anh khong dep.
Lối chơi tử thủ và liên tục phạm lỗi của ĐT Việt Nam để lại hình ảnh không đẹp.

Trên mặt trận tấn công, vai trò cầu nối được trao cho tiền đạo hứa mang quà về cho người hâm mộ, Lê Công Vinh. Tuy nhiên, Công Vinh không thể hiện được điều gì tích cực ngoài những đường chuyền “vặn sườn” đồng đội và vũ khí tốc độ bị tiêu giảm. Hai lần có cơ hội băng xuống 5 ăn 5 thua với thủ thành Thái Lan, Công Vinh đều có thể làm tốt hơn, nhưng một chút ke chân, một chút tuổi tác đã khiến anh đánh mất cơ hội.

Phía trên cùng, trung phong Hải Anh vẫn mờ nhạt như thường lệ. Trước hàng thủ cao to, đá dũng mãnh của ĐT Thái Lan, Hải Anh không tỏa sáng là… điều được dự đoán. Nếu để chọn ra những gương mặt tốt nhất bên phía ĐT Việt Nam, phần nào có thể chỉ ra thủ thành Tô Vĩnh Lợi, hai tiền vệ cánh Võ Huy Toàn và Nguyễn Trọng Hoàng.

HLV Miura đề cao phương án phòng thủ - phản công, và lựa chọn ấy đúng với hoàn cảnh của ĐT Việt Nam. Thế nhưng, lối chơi ấy có lẽ chỉ tồn tại trên sa bàn. Đội bóng áo đỏ thực chất chơi tử thủ, với nhiệm vụ phá bóng càng xa khung thành càng tốt và không có phương án “cướp được bóng sẽ làm gì”. Tệ hơn, lối chơi ấy tỏ ra bị động, khốn khổ và đầy hoảng sợ.

Nhà cầm quân sinh năm 1963 luôn hướng đến cái đích là cải thiện nền tảng thể lực cho các cầu thủ, nhưng lại không trang bị cho họ các giải pháp để sử dụng tài sản ấy. Cái khỏe trong bóng đá phải là khỏe toàn diện, từ thể lực cho đến trí lực. Tinh thần tốt không phải là “liều chết” lao vào chân đối phương. Mà tinh thần tốt là sở hữu một cái đầu lạnh để không bị đối phương xỏ mũi!

Bóng đá không phải những môn thể thao đề cao khả năng chịu đòn như đấm bốc, càng không phải cứ lăn xả vào ôm chặt đối thủ như đấu vật. Bóng đá từng được thừa nhận là môn thể thao trên mức thông thường, tức là nó có một phần của nghệ thuật.

Một phần của nghệ thuật ấy, chính là tư duy điều khiển cuộc chơi. ĐT Việt Nam hôm qua không cho thấy điều này. Họ chơi phòng ngự kiểu… không cho bóng lọt qua, cứ phá mạnh lên trên chẳng may chộp được thì tốt, không thì chịu “ăn đấm” vậy. Một sự trông chờ vào may rủi không có hy vọng.

Chiếc thẻ đỏ của Minh Châu được dùng để lý giải cho thế trận phòng thủ tiêu cực của ĐT Việt Nam. Nhưng nếu tiền vệ đang khoác áo Hải Phòng không phải rời sân thì sẽ có tình huống sai lầm khác bởi về cơ bản, khả năng chịu đòn của các cầu thủ đã tới hạn!

Theo Zing

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X