Thứ Tư, 06/11/2024Mới nhất
Zalo

ĐT Việt Nam: Nói không với “thử kêu đốt tịt”!

Thứ Hai 24/09/2012 13:54(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Kể từ năm 2009 tới nay, đây là lần đầu tiên ĐT Việt Nam mới lại có sự khởi đầu ấn tượng như vậy với 5 trận bất bại liên tiếp. Nếu trận giao hữu với ĐT Indonesia vào ngày 22/9/2012 vừa qua không bị tạm hoãn vì lý do bất khả kháng thì có thể thành tích bất bại của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng sẽ được nâng lên thành 6 trận, bởi sau khi theo dõi trận giao hữu “lượt đi” giữa 2 đội ở Surabaya (Indonesia) vào ngày 15/9/2012 thì có thể dự đoán ĐT Việt Nam sẽ từ hoà đến thắng khi về lại SVĐ QG Mỹ Đình để tiếp ĐT Indonesia.

Trước cú đềpa hơn cả trong mơ như thế của ĐT Việt Nam dưới quyền dẫn dắt của HLV Phan Thanh Hùng, có ý kiến cho rằng nếu AFF Cup 2012 diễn ra ngay trong tháng 10 thì có thể ĐT Việt Nam sẽ làm nên chuyện lớn chứ không chừng. Tuy nhiên, với những người hiểu chuyện thì ý kiến này thực sự chỉ là để nói cho vui, bởi không thể sử dụng kết quả các trận giao hữu để đánh giá về cơ hội cạnh tranh chức vô địch AFF Cup 2012 của ĐT Việt Nam.

Các CĐV hy vọng ĐT Việt Nam sẽ duy trì phong độ tốt như hiện nay cho đến AFF Cup
Các CĐV hy vọng ĐT Việt Nam sẽ duy trì phong độ tốt như hiện nay cho đến AFF Cup

Thực tế là ở AFF Cup 2008, kỳ giải vô địch bóng đá Đông Nam Á thành công nhất trong lịch sử với bóng đá Việt Nam từ trước tới nay, ĐT Việt Nam cũng đã trải qua chuỗi trận khởi động vô cùng mờ nhạt, khi thầy trò HLV Henrique Calisto bước vào AFF Cup 2008 với hành trang 11 trận liên tiếp không thắng, và phải chờ tới lượt trận thứ 2 của vòng bảng AFF Cup 2008, ĐT Việt Nam mới có chiến thắng đầu tiên trước ĐT Malaysia một cách vô cùng may mắn.

Nói thế để thấy việc ĐT Việt Nam có được sự khởi đầu thuận lợi trong năm 2012 là tín hiệu hết sức tích cực, vì người ta vẫn nói: “Đầu có xuôi đuôi mới lọt”, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi sự với ĐT Việt Nam đã rất hoàn hảo và chúng ta chỉ còn chờ ngày lên ngôi ở AFF Cup 2012. Trước mắt thầy trò HLV Phan Thanh Hùng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là ở khía cạnh chuẩn bị thể lực, vì hầu hết các tuyển thủ Việt Nam đều đã có dấu hiệu kiệt sức và quá tải sau một mùa bóng căng thẳng ở V-League, nên nếu không được tích luỹ thể lực thật tốt trong giai đoạn này thì khi vào giải sẽ rất khó để các cầu thủ có thể chơi tốt với mật độ 2 ngày/trận.

Và cũng không nên quá ảo tưởng vì kết quả tích cực của ĐT Việt Nam trong 2 trận giao hữu với ĐT Malaysia và ĐT Indonesia vừa qua. Ở trận với ĐT Malaysia, rõ ràng HLV Rajagopal đã không sử dụng đội hình mạnh nhất, và từ nửa sau hiệp 2, khi ông thầy này tung một số trụ cột vào sân và chuyển sang thi đấu theo kiểu bóng dài thiên về thể lực mà đội bóng này luôn làm các ĐTQG Việt Nam vất vả trong mấy năm qua, các học trò của HLV Phan Thanh Hùng đã phải chống đỡ khá chật vật.

Hơn nữa, hẳn người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn còn nhớ, ở vòng bảng SEA Games 25 năm 2009, ĐT U23 Malaysia đã thua dễ ĐT U23 Việt Nam như thế nào, song khi 2 đội gặp lại nhau trong trận chung kết, ĐT U23 Malaysia của HLV Rajagopal đã thể hiện bộ mặt khác hẳn, khiến một chuyên gia tâm lý chiến bậc thầy như HLV Calisto còn bị tâm lý nặng và cuối cùng đã khiến ĐT U23 Việt Nam thất bại một cách cay đắng.

Còn trận hoà 0-0 trên thế thắng trước chủ nhà Indonesia của ĐT Việt Nam cũng không có nhiều điều để nói, bởi thực chất đây chỉ là ĐT Indonesia B, và nếu LĐBĐ Indonesia giữ đúng lời hứa là sẽ giải quyết xong rắc rối nội bộ để cử ĐT Indonesia “xịn” dưới quyền dẫn dắt của HLV Alfred Riedl sang Việt Nam thi đấu giao hữu vào giữa tháng sau thì đấy mới được xem là bài kiểm tra thực sự hữu ích với ĐT Việt Nam.

Tất nhiên, chúng tôi không có ý xem nhẹ thành tích của ĐT Việt Nam trong 2 trận giao hữu vừa qua, bởi dẫu sao với quỹ thời gian chuẩn bị rất ít mà lại đá được như thế cũng là nỗ lực rất đáng khen ngợi của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng, nhưng điểm lại lịch sử tham dự sân chơi khu vực của các ĐTQG Việt Nam trong gần chục năm qua thì rất dễ nhận thấy một sự thực rằng chúng ta thường xuyên mắc phải căn bệnh “thử kêu đốt tịt”, nghĩa là trong giai đoạn chuẩn bị thì vô cùng ấn tượng, nhưng đến lúc vào giải thì thảm bại tan tác.

Có thể kể ra đây một vài dẫn chứng như AFF Cup 2004, khi ĐT Việt Nam dưới thời HLV Edson Tavares đã chơi cực hay trong giai đoạn chuẩn bị, chỉ thua sát nút ĐT Hàn Quốc tại vòng loại World Cup 2006, và tiếp tục thi đấu ấn tượng ở các trận giao hữu tiếp theo, nhưng khi vào giải, sau trận hoà hút chết trước ĐT Singapore ở ngày ra quân, ĐT Việt Nam đã làm tan nát hàng triệu trái tim người hâm mộ khi thảm bại 0-3 trước ĐT Indonesia ngay tại SVĐ QG Mỹ Đình, kết quả khiến HLV Tavares mất chức ngay trong đêm đó và ĐT Việt Nam cũng không thể qua nổi vòng bảng.

Đấy là với ĐT Việt Nam, còn với ĐT U23 Việt Nam, chúng ta cũng đã phải nếm trái đắng ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp vào năm 2005 và 2007, khi đội bóng của HLV Riedl dẫn dắt đã thi đấu xuất sắc ở quá trình khởi động, nhưng đến lúc vào giải chính thì lại thất bại nặng nề.

Phân tích như thế để thấy việc ĐT Việt Nam có được khởi đầu ấn tượng trong giai đoạn chuẩn bị cho AFF Cup 2012 chỉ có ý nghĩa tham khảo, và tất cả vẫn phải chờ tới khi AFF Cup 2012 chính thức khai mạc vào cuối tháng 11 sắp tới thì mới có thể đưa ra dự đoán về hành trình của ĐT Việt Nam tại giải năm nay. Cần nhớ rằng ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2008 đã phải mất đến 3 trận vòng bảng để làm nóng và chỉ thực sự vào phom khi giải đấu bước sang vòng loại trực tiếp, nên việc xác định chính xác điểm rơi phong độ cho các tuyển thủ là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng với HLV Phan Thanh Hùng và các cộng sự trong chiến dịch săn vàng tại AFF Cup 2012.

Người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã quá nhiều lần hy vọng rồi thất vọng với căn bệnh “thử kêu đốt tịt” của các ĐTQG, và tất cả đều chờ mong HLV Phan Thanh Hùng sẽ làm được như người tiền nhiệm Calisto tại AFF Cup 2008: khởi đầu chật vật nhưng càng thi đấu càng thăng hoa và giành chiến thắng cuối cùng.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X